Học gì để không thất nghiệp?
Đó là câu hỏi không bao giờ cũ trong mỗi mùa tuyển sinh. Bởi bài toán nhu cầu nhân lực sau 4, 5 năm nữa của các ngành nghề vẫn luôn là một ẩn số.
Cân nhắc ngành truyền thống - ngành mới
Câu chuyện cử nhân thất nghiệp hay làm trái ngành, trái nghề không phải là hiện tượng hiếm trong xã hội hiện nay. Trừ một số ngành như quân đội, công an đào tạo theo chỉ tiêu còn đa phần các ngành nghề khác được đào tạo theo khả năng của… nhà trường có thể đáp ứng chứ không phải là từ đặt hàng của xã hội.
Riêng ngành y hiện nay là khối ngành đặc thù đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt ở khâu tuyển sinh, điều kiện mở ngành… nên không phải trường nào cũng có thể mở được nên ở thời điểm hiện tại, số lượng y bác sĩ được đánh giá là vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Song với việc hàng loạt trường tuyển sinh khối ngành sức khỏe của năm nay, nhân lực của ngành y sau khoảng 5 năm nữa như thế nào không dễ dự đoán.
Những ngành khác như sư phạm, dù siết đầu vào với điểm sàn theo quy định của Bộ GDĐT nhưng với số lượng các trường công lập và dân lập đào tạo ngành này, ở cả hệ cao đẳng và ĐH thì câu chuyện dư thừa nhân lực ở một số ngành đào tạo vẫn xảy ra. Tương tự, khối ngành kinh tế nhiều năm qua luôn thuộc top ngành hot vì cơ hội việc làm rộng mở nhất thị trường lao động. Song cũng chưa có một thống kê đầy đủ, chính xác về tỷ lệ lao động thất nghiệp trong ngành này hoặc mức lương có “hot” như mong muốn của các thí sinh lựa chọn hay không.
Thậm chí, theo các chuyên gia cảnh báo, ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau nó sẽ có cơ hội việc làm hơn, đó là quy luật.
Nhiều trường ĐH những năm gần đây mở thêm các ngành mới với quảng bá, giới thiệu việc làm rất hấp dẫn. Tuy nhiên, vì là ngành mới nên điểm chuẩn hay cơ hội việc làm, mức lương thực tế của ngành này sau khi ra trường không ai có thể chắc chắn. Lời khuyên của TS Nguyễn Đào Tùng - Học viện Tài chính, đó là thí sinh hãy mạnh dạn mạo hiểm đăng ký các ngành mới. Bởi dù có tên gọi mới nhưng có thể đó chính là những ngành nghề cũ được cộng thêm yếu tố công nghệ thông tin. Ngược lại, rất nhiều ngành nghề cũ mang tính chất lặp đi lặp lại sẽ dần bị thay thế. Trong khi, xu hướng hiện nay là các thí sinh thường quan tâm đến các ngành nghề truyền thống được nhiều người biết đến mà chưa cân nhắc đến cơ hội cho 4 năm tới…
Học một ngành, làm được nhiều nghề
Theo dõi thông tin tuyển dụng của nhiều đơn vị, công ty có thể thấy, cùng một vị trí việc làm nhưng công ty chấp nhận các ứng cử viên có bằng cấp khác nhau. Chẳng hạn, ứng tuyển vị trí phóng viên của một tòa soạn báo, ngoài cử nhân báo chí, cử nhân luật hay kinh tế, thậm chí cử nhân ngoại ngữ cũng có thể được chọn vào vòng phỏng vấn. Hay để làm làm tốt vị trí nhân viên kinh doanh của một công ty phần mềm, hiểu biết về công nghệ thông tin chắc chắn sẽ là một lợi thế lớn của ứng cử viên…Từ đó, có thể thấy, quan điểm làm trái ngành, trái nghề trong xu hướng nghề nghiệp hiện nay dường như không còn phù hợp, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng thể hiện rõ vị thế của mình.
Tuy nhiên, để tấm bằng cử nhân không trở nên uổng phí hay những kiến thức của 4, 5 năm học dưới mái trường đại học ứng dụng được vào công việc sau này, các chuyên gia cho rằng vấn đề trước hết nằm ở phía người học. Trong đó, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM thì dù học gì thì cũng cần trau dồi kiến thức về tin học và ngoại ngữ. “Đây là hai kỹ năng mà bất cứ công việc nào trong tương lai cũng sẽ cần đến và cạnh tranh được với lao động chất lượng cao của nước ngoài trong xu hướng lao động toàn cầu” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài kiến thức chuyên ngành có thể gọi là kiến thức lõi, người học cần chủ động trang bị cho mình những kỹ năng khác để thích ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng và công việc. Điều đó không nhà trường nào dạy đủ mà đòi hỏi mỗi người học cần trau dồi, bổ sung, tích lũy trong quá trình làm việc sau này nếu không muốn bị đào thải. Đó cũng là chìa khóa để học một ngành làm được nhiều nghề.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng trong thời đại hội nhập, nếu người học biết cách tích lũy kiến thức và bổ sung thêm nhiều kỹ năng mềm thì hoàn toàn không lo thất nghiệp. Đơn cử như cùng học ngành kế toán, nhưng có những người được các công ty lớn tuyển chọn, nhưng có người lại không tìm được việc làm. Đó là do kết quả tích lũy của sinh viên, chứ không phải do ngành đào tạo quyết định.
Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM cho rằng các trường ĐH, CĐ nào hiện nay cũng có xu hướng đào tạo đa ngành nghề, học một ngành chúng ta vẫn có thể làm được nhiều nghề. Và đó cũng là xu hướng đào tạo nghề nghiệp để người học linh hoạt thích ứng với những yêu cầu nghề nghiệp. Nhưng làm tốt đến đâu thì lại lệ thuộc vào khả năng của từng người.