Âm thầm đầu độc

Tinh Anh 23/01/2021 07:21

Những kẻ vô lương vẫn không ngần ngại cho formol vào các loại thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe, tình mạng của cộng đồng xã hội.

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ một xe tải chở 2,5 tấn thực phẩm “bẩn”, được ướp bằng formol. Đây là loại hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều tiểu thương dùng loại hóa chất này để giữ tươi các loại thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bán hàng.

Không chỉ có các loại thịt, cá, thủy hải sản được tẩm ướp formol để giữ tươi lâu hơn, cả đến bánh phở người ta cũng không ngần ngại cho formol vào. Chẳng thế mà các cơ quan chức năng của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phố khác liên tục phát hiện, xử lý những cơ sở sản xuất, chế biến bánh phở có hàm lượng formol khá cao, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Formol là dung dịch bão hòa của formaldehyde. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về ung thư, formaldehyde chính là tác nhân gây ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài. Thống kê cho thấy, những năm qua số người Việt Nam mắc và chết vì ung thư tăng lên đáng kể, phần lớn là do thực phẩm bẩn. Làm sao có thể không mắc ung thư cho được khi người ta dùng các loại hóa chất độc hại ướp thực phẩm?

Nghiên cứu của cơ quan chuyên ngành chỉ ra rằng, hàng năm Việt Nam có hàng trăm nghìn người mắc mới căn bệnh nan y ung thư, trong đó có tới non nửa là do ăn uống thực phẩm bẩn. Và tất nhiên, một trong số những loại hóa chất bị cấm sử dụng mà người ta đưa vào thực phẩm để “đầu độc” đồng bào là formol. Nếu hàng ngày một người nào đó liên tục ăn phở có formol thì hệ lụy tất yếu là ung thư không có gì phải bàn cãi.

Ngoài việc “âm thầm” gây ra căn bệnh quái ác, nan y ung thư, nếu bị nhiễm formaldehyde nặng thông qua đường hô hấp hay đường tiêu hóa, người bệnh sẽ bị viêm loét, hoại tử tế bào, nôn mửa ra máu, đi tháo tỏng hoặc đái ra máu... Một số trường hợp có thể bị tử vong trong vài phút do trụy tim mạch, với các triệu chứng kèm theo như đau bụng, ói mửa, tím tái. Chỉ với 30ml đã là liều lượng có thể gây ra chết người.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, formol không chỉ gây ra các vấn đề với gan, tụy và phổi, với hàm lượng formol cao có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong khi nó chuyển hóa thành acid formic làm tăng axít trong máu, gây thở nhanh và thở gấp, bị hạ nhiệt, hôn mê. Chính vì sự nguy hại của formol đối với sức khỏe con người nên loại hóa chất này đã bị cấm sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm.

Ấy vậy nhưng những kẻ vô lương vẫn không ngần ngại cho formol vào các loại thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe, tình mạng của cộng đồng xã hội. Nhiều chuyên gia luật rằng, do hành lang pháp lý còn lỏng lẻo, chế tài đối với hành vi cho các loại hóa chất, phụ gia bị cấm vào thực phẩm còn nhẹ nên không đủ sức răn đe, phòng ngừa. Chế tài nặng, phạt tiền đến “cháy túi”, thậm chí truy cứu hình sự còn chưa sợ, huống hồ xử lý nhẹ.

Nói có sách, mách có chứng. Lâu nay, hầu hết những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có dùng các loại hóa chất, phụ gia độc hại bị cấm sử dụng, khi bị phát hiện hầu như chỉ bị xử lý hành chính nhẹ hèo. Thậm chí có cơ sở còn không bị tước giấy phép sản xuất, kinh doanh, sau khi nộp phạt số tiền ít ỏi. Khi mà hành vi phạm pháp bị phát hiện chỉ bị xử lý một cách “đơn giản, gọn nhẹ” thì làm sao những người vi phạm biết sợ đây?

Đó chính là lý do mà người ta cứ hồn nhiên, mặc sức sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm độc hại, bất biết sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng ra sao. Dùng các loại hóa chất, phụ gia bị cấm có thể thu lợi khá nhiều, trong khi nếu bị phát hiện cũng chỉ bị phạt ít tiền, cùng lắm thu hồi giấy phép kinh doanh. Tiền phạt thì không là gì so với số kiếm được, thu hồi giấy phép thì tạm nghỉ một thời gian rồi xin giấy khác có sao đâu.

Vì thế mà thực trạng “đầu độc” người tiêu dùng vẫn diễn ra khá phổ biến, dù các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, y tế... đã rất cố gắng, nỗ lực ngăn chặn. Việc ngăn chặn hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn như bắt cóc bỏ đĩa, cứ xử lý được chỗ này lại lòi ra chỗ khác, không thể làm triệt để được. Để không còn ai dám nghĩ đến chuyện đầu độc giống nòi, cần có chế tài thật nghiêm, xử phạt thật nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những kẻ cố tình vi phạm.

Tinh Anh