Vượt rào cản trong cuộc chiến chống Covid-19
Nguồn cung vaccine Covid-19 đang bị giảm sút tại châu Âu trong bối cảnh các ca mắc mới vẫn gia tăng.
Điều này khiến các quốc gia buộc phải có những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch nguy hiểm này.
Nguồn cung vaccine bị thu hẹp
Ngày 21/1, quan chức chính phủ các quốc gia khu vực Đông - Trung Âu cho biết, việc Hãng dược phẩm Pfizer cắt giảm khoảng một nửa khối lượng vaccine Covid-19 sẽ cung cấp cho một số nước EU trong tuần này đã tạo nên sự thất vọng của các quốc gia trong nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng toàn dân và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu cho rằng, việc cắt giảm đột ngột số liều vaccine của Pfizer đã làm suy yếu những nỗ lực của các quốc gia trong việc triển khai chương trình tiêm chủng và các biện pháp phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Italia đang đe dọa sẽ có các hành động pháp lý chống lại Hãng dược phẩm Pfizer với việc cắt giảm số lượng lớn vaccine hiện nay. Theo dự kiến, nước này sẽ bị cắt giảm 20% vào tuần tới sau khi giảm 30% số liều vaccine được cung cấp trong tuần này.
Bất chấp tình trạng thiếu thốn trầm trọng như vậy, nước Pháp vẫn cam kết đạt mục tiêu đã đề ra là tiêm chủng cho toàn bộ dân số nước này từ nay đến cuối tháng 8/2021. Tuy nhiên, trên thực tế, từ một vài ngày qua, việc đặt hẹn tại khoảng 90% các trung tâm tiêm chủng đã không thể thực hiện được. Thậm chí, nhiều người dân đã có hẹn tiêm chủng nhưng đã bị hủy bỏ do không còn vaccine.
Trong bối cảnh này, mặc dù không loại trừ phương án sẽ phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, Chính phủ Pháp vẫn tiếp tục đặt hy vọng vào lệnh giới nghiêm đang được áp đặt trên toàn quốc.
Để gia tăng hơn nữa các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, ngày 21/1, Bộ trưởng Y tế Anh Priti Patel cho biết, giới chức nước này sẽ nâng mức phạt và bổ sung những đối tượng bị phạt do vi phạm lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn dịch Covid-19. Bộ trưởng Patel nhấn mạnh, những hành vi thiếu trách nhiệm sẽ gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và nhà chức trách không thể chần chừ.
Cùng mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Hạ viện Séc đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp của nước này cho đến ngày 14/2, ít hơn một tuần so với mong muốn của Chính phủ khi họ tìm cách duy trì các biện pháp ngăn chặn Covid-19 lây lan. Với quyết định này, quốc gia hơn 10,7 triệu dân này tiếp tục các biện pháp chống dịch ở cấp độ cao nhất như hạn chế đi lại, đóng cửa nhà hàng dịch vụ, trường học…
Một đại diện của châu Á, ngày 22/1, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua hai dự luật quy định các hình phạt đối với các tổ chức và cá nhân không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Các dự luật này được thông qua trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở Nhật Bản. Ngày 21/1, nước này tiếp tục ghi nhận thêm 5.668 ca nhiễm mới và 94 người tử vong vì Covid-19, trong khi số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vẫn ở mức 1.044 người.
Liên minh cầm quyền Nhật Bản dự kiến sẽ thảo luận với các đảng đối lập về 2 dự luật trên vào tuần tới với hy vọng Quốc hội sẽ thông qua trong tháng tới.
Chiến lược ứng phó đại dịch của Mỹ
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, với trung bình mỗi ngày có khoảng 194.000 ca mắc mới và khoảng 3.000 ca tử vong do Covid-19, ngày 21/1 (giờ Mỹ), trong ngày thứ 2 kể từ khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và ký các sắc lệnh hành pháp bổ sung để ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có việc cải thiện chuỗi cung ứng, bảo đảm an toàn cho người lao động, thúc đẩy đi lại an toàn và mở rộng điều trị cho bệnh nhân Covid-19...
Bản chiến lược đi kèm tuyên bố: “Chúng ta có thể và sẽ đánh bại dịch Covid-19. Nước Mỹ xứng đáng có được chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19 nhờ sự hỗ trợ của khoa học, số liệu và y tế cộng đồng”.
Kế hoạch này đặt ra một số mục tiêu như khôi phục niềm tin của người dân Mỹ, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cách bắt buộc đeo khẩu trang và xét nghiệm, củng cố lực lượng y tế.
Kế hoạch này cũng sẽ mở rộng hỗ trợ khẩn cấp cho người dân; mở cửa lại trường học, doanh nghiệp và du lịch một cách an toàn; bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất; thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các đại dịch trong tương lai.
Chính quyền mới cũng đang kỳ vọng Quốc hội thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD để mua sắm vaccine và 50 tỷ USD dành cho công tác xét nghiệm.
Cùng ngày, Mỹ thông báo sẽ tiếp tục tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong bối cảnh tân Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy chính sách hướng đến hợp tác quốc tế lớn hơn trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden xác nhận ông đã đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi WHO. Một ngày sau, cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ Anthony Fauci xác nhận, Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân quỹ của WHO.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của WHO, ông Fauci nêu rõ: “Trong những tình huống khó khăn, tổ chức này (WHO) đã tập hợp được cộng đồng khoa học, nghiên cứu và phát triển để đẩy nhanh việc điều chế vaccine, các liệu pháp và cách thức chẩn đoán bệnh”.
Trước đó, ông Fauci đã thông báo quyết định của Mỹ tiếp tục là thành viên của WHO và cảm ơn tổ chức này về việc lãnh đạo công tác ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19. Theo ông Fauci, WHO đã “làm việc không ngừng với các quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19”.
Sau cuộc họp Nội các liên bang mở rộng ngày 22/1, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng nước này đã đánh bại đợt dịch Covid-19 lần thứ 3. Nhưng để đảm bảo an toàn cho người dân, các quy định kiểm soát dịch bệnh đối với người từ nước ngoài nhập cảnh Australia sẽ không thay đổi.