EU ứng phó với Covid-19
Giới chính trị EU cho rằng, nếu như hết quý I-2021, Covid-19 không hạ nhiệt thì kinh tế châu Âu không còn hy vọng phục hồi trong năm.
Ngày 21/1, tại Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bước vào ngày đầu tiên hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận việc phối hợp ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Mấu chốt là triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên quy mô lớn và huy động mọi nguồn lực sẵn có để hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các quốc gia thành viên EU đã tranh luận về cách tiếp cận chung đối với chứng nhận tiêm chủng trong toàn khối, cùng đó là việc hợp tác với các nước thứ ba về vaccine, những nước lân cận trong khu vực và xa hơn nữa.
Tuy nhiên, nói như Chủ tịch EU Charles Michel thì ưu tiên hàng đầu là tăng tốc độ tiêm chủng trong toàn khối. Theo ông Michel, trong vòng 2 tháng qua tỷ lệ lây nhiễm được ghi nhận trên khắp châu Âu cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới, dễ lây lan hơn là điều cần hết sức thận trọng.
Mặc dù triển vọng tiêm chủng là đáng khích lệ, người dân vẫn phải cảnh giác và tiếp tục phương pháp tiếp cận dựa trên xét nghiệm và truy vết, để cho phép đi lại qua biên giới trong EU được thuận lợi.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được EU triển khai từ ngày 27/12/2020. Theo đó, vaccine được phân phối đến tất cả các quốc gia thành viên cùng lúc và trong những điều kiện như nhau. Cho đến nay, EU đã cấp phép tiếp thị có điều kiện cho 2 loại vaccine ngừa Covid-19 và cũng đã đạt được thỏa thuận đối với 4 loại vaccine khác.
Trong một diễn biến khác, Hội đồng châu Âu lưu ý rằng việc tiêm chủng vaccine không có nghĩa là sự kết thúc của đại dịch và kêu gọi những nỗ lực bền vững được thực hiện để chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Cũng trong ngày 21/1, ngay sau khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, EU đã kêu gọi ông Joe Biden đi tiên phong trong đối phó với Covid-19. Theo ông Josep Borrell - đại diện cấp cao của EU thì thế giới cần sự tiên phong của Mỹ trong cuộc chiến này.
Trong khi các quốc gia giàu có ký hợp đồng mua được số lượng vaccine ngừa Covid-19 nhiều hơn so với các quốc gia nghèo, thì nước Mỹ cần giúp đỡ các nước khác, theo ông Borrell, vì rằng thế giới sẽ phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong năm 2021 là việc tiêm chủng toàn cầu.
Điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều sự đoàn kết, hợp tác và nhiều nguồn lực. Ông Borrell cho rằng đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu và vì thế nước Mỹ không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải ở vị trí tiên phong.
Từ đó, một đề xuất xây dựng lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây dương sau nhiệm kỳ của ông Donald Trump đã được nêu ra. Theo kết quả nghiên cứu, trong số những công dân EU được khảo sát thì 79% tại Đức, 72% tại Pháp và 65% tại Anh tin tưởng rằng mỗi quan hệ đó sẽ mang lại quyền lợi cho cả hai bên bờ đại dương.
Theo giới quan sát, những động thái kể trên cho thấy EU tiếp tục lo ngại tác động xấu của Covid-19. Hầu hết các quốc gia trong khối đều đang phải oằn mình vì dịch. Các quốc gia dẫn đầu EU, trong đó có Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha số ca mắc mới không giảm, trong khi hệ thống y tế và phúc lợi xã hội ngày càng phải chịu thêm áp lực.
Ngay cả nước Anh, cho dù đã ra khỏi EU, thì dịch Covid-19 cũng không phải đã được kiểm soát, ngược lại, biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục hoành hành, kể từ ngày 14/12/2020.
Giới chính trị EU cho rằng, nếu như hết quý I-2021, Covid-19 không hạ nhiệt thì cũng có nghĩa là kinh tế châu Âu không còn hy vọng phục hồi trong năm. Thêm nữa, nó sẽ mang tới những tác động xấu, khó lường về mặt xã hội.
Người ta cho rằng, các biện pháp cứng rắn từ phía chính quyền nhằm hạn chế lây lan ca lây nhiễm cũng như nỗi lo sợ mắc bệnh của người dân khiến cung cách sống của người châu Âu thay đổi theo hướng trở nên buồn tẻ hơn. Nói như Marcia Lopez, nhà tâm lý học, thì đó mới là nỗi lo lâu dài và sâu sắc khi con người ngại gần nhau.