Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội
Kể từ khi thành lập (3/2/1930) đến nay, trải qua bề dày lịch sử 91 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân dịp Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Báo Đại Đoàn kết trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những nét chính của 12 kỳ Đại hội đã qua, trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp khai mạc.
1.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (tháng 3/1935)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp ở phố Quan Công - Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935. Dự Đại hội có 13 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở ngoài nước. Đại hội đã quyết định bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 ủy viên. Ban Thường vụ gồm 5 người, đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
2.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951)
Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, chính thức diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 766.000 đảng viên trong toàn Đảng.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
3. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã họp tại Hà Nội. Sau những ngày họp nội bộ, Đại hội chính thức diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960. Dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước, trong đó 50% số đại biểu là các đảng viên đã tham gia cách mạng từ khi Đảng còn hoạt động bí mật.
Đại hội nhất trí thông qua nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi). Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
4.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976)
Đại hội chính thức diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976, tại Thủ đô Hà Nội. 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên trong cả nước đã về dự Đại hội. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Đại hội bầu ra gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm có 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.
5.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng chính thức diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt hơn 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Đại hội đã thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết; đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư.
6.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986)
Từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986, chính thức diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đại hội quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể trong Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình mới và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, gồm có 124 ủy viên chính thức, 49 ủy viên dự khuyết. Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm có 13 ủy viên chính thức, 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm làm Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
7.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991)
Đại hội chính thức diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27/6/1991. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả đất nước và đang công tác ở nước ngoài. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm có 146 ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
8.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã chính thức diễn ra từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/1996 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đại biểu thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên. Đại hội đã thảo luận và thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII gồm có 170 ủy viên chính thức.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng là các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công.
9.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp từ ngày 19 đến ngày 24/4/2001 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.168 đại biểu đại diện cho 2.479.717 đảng viên trong toàn Đảng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa IX gồm 150 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
10.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng từ ngày 18 đến ngày 25/4/2006, với sự tham dự của 1.176 đại biểu đại diện cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 160 ủy viên chính thức, 21 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
11.Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chính thức diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19/1/2011. Dự Đại hội có 1.377 đại biểu thay mặt hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng là đại hội mở đường cho đất nước tiến vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Trung ương. Thành công của Đại hội cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tranh thủ thời cơ, đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
12. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1/2016)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chính thức diễn ra từ ngày 21 đến ngày 28/1/2016. Tham dự Đại hội có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trên cả nước. Chủ đề của Đại hội cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 200 đồng chí, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng