‘Hội ngộ’ tại tòa
Sáng 22/1, TAND thành phố Hà Nội mở phiên sơ thẩm, xét xử bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN), cùng đồng phạm về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ), gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi hội ý, lúc 9 giờ 45, HĐXX TAND thành phố Hà Nội đã tuyên bố tạm hoãn phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo đủ bị cáo cũng như các bị cáo đủ luật sư bào chữa.
“Cuộc hội ngộ” bất đắc dĩ
Như vậy, ngày 21/1, một lần nữa ông Đinh La Thăng lại phải “hội ngộ” một cách bất đắc dĩ với Trịnh Xuân Thanh, trước tòa. Thật đúng là “duyên nợ”, khi vinh đã đành, đến lúc nhục cũng không buông.
Ở vụ án này (tạm hoãn xét xử), theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2009, Công ty CP hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) quyết định đầu tư dự án Ethanol với tổng mức đầu tư hơn 1.317 tỉ đồng, công suất 100.000 m3/năm.
Ông Đinh La Thăng khi đó với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí VN (PVN), Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, có chủ trương giao thầu cho các đơn vị trong nội bộ PVN, trong một cuộc họp đã có chỉ đạo “đối với các công trình chuyên ngành đặc thù và các công trình có yêu cầu đặc biệt trong ngành dầu khí được ưu tiên giao thầu cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC)”.
Từ chủ trương này, dù PVC, sau đó là liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T, không đáp ứng được các điều kiện về năng lực kỹ thuật, năng lực tư vấn thiết kế, kinh nghiệm… nhưng vẫn được chỉ định thầu thực hiện gói thầu EPC của dự án, dẫn đến dự án không thể hoàn thành, phải dừng thi công năm 2013, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) là lãnh đạo chủ chốt của PVC, biết rõ liên danh nhà thầu không đủ năng lực, nhưng vẫn cố ý làm trái các quy định để hoàn thành chỉ định thầu cho liên danh trên. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, ngoài tội danh trên, còn bị cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, có vốn góp tại PVC Kinh Bắc; tạm ứng tiền của PVC trái quy định (25 tỉ đồng) để mua lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo.
Có thể thấy, lần nào tòa xét xử thì hai bị cáo Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thanh lại “hội ngộ” và ai cũng phải tự bảo vệ mình. Nếu khi còn nắm quyền cao chức trọng, lúc cấu kết làm trái để chiếm đoạt tài sản nhà nước - thì chắc hẳn phải gặp nhau liên tục để bàn mưu tính kế.
Thì nay, mỗi người giam một nơi, người thì 30 năm tù, kẻ thì chung thân nên chỉ có thể nhìn nhau trước tòa mà không thể thông cung. Có muốn cũng chẳng được, luật đời cũng như pháp luật rõ ràng rằng “ăn mặn thì khát nước” chắc hẳn hai “chiến hữu” này nhìn nhau mà lòng đau đớn lắm.
Dính sâu vào 4 vụ án, đã 6 lần ông Đinh La Thăng hầu tòa
Thấy ông Thăng “thỉnh thoảng” lại hầu tòa, không ít người nêu câu hỏi: Vậy thì cho đến nay ông Đinh La Thăng đã phải hầu tòa bao nhiêu lần?
Có thể nói luôn rằng, từ khi bị bắt vào tháng 7/2017, thì đây là vụ án thứ 4 với 6 lần ông Đinh La Thăng phải hầu tòa (tính tới thời điểm ngày 22/1/2021).
Vụ án đầu tiên mà cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng bị tuyên án là vụ “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “tham ô tài sản”, xảy ra tại PVN và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo đó, ngày 22/1/2018, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo trong vụ án. Hành vi của các bị cáo làm chậm tiến độ, gây đội vốn hàng nghìn tỉ đồng ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Sau nghị án, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù. Ông Thăng kháng cáo.
Ngày 14/5/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm, y án 13 năm tù với cựu Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng.
Vụ án thứ 2 mà ông Đinh La Thăng bị tuyên án là vụ PVN thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào OceanBank. Ngày 29/3/2018, bị cáo Đinh La Thăng bị tòa sơ thẩm tuyên 18 năm tù, hình phạt bổ sung là bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng. Ông Thăng kháng cáo.
Tháng 6/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án 18 năm tù đối với cựu Chủ tịch PVN. 18 năm tù này được tòa tổng hợp với 13 năm của bản án phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên ông Thăng trong vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “tham ô tài sản”, xảy ra tại PVN và PVC.
Ông Đinh La Thăng phải chấp hành 30 năm tù (mức án có thời hạn cao nhất) cho cả 2 bản án.
Vụ án hình sự thứ 3 mà ông Đinh La Thăng bị khởi tố, truy tố rồi xét xử là vụ án liên quan đến đường cao tốc Trung Lương -TP HCM. Ở vụ này, bị cáo Thăng và 19 đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 725 tỷ đồng.
Ông Thăng với vai trò là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn từ tháng 8/2011 đến tháng 2/2016, đã làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng. Vụ án được TAND TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 14/12/2020. Sau đó đến sáng 22/12/2020, Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Thăng 10 năm tù. Tổng hợp các bản án cũ, ông Thăng nhận án 30 năm tù.
Vụ án thứ 4 mà ông Đinh La Thăng vướng vòng lao lý chính là vụ án vừa bị hoãn xét xử vào sáng 22/1/2021, liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ. Bị cáo Đinh La Thăng trong vụ án này sai phạm với vai trò Chủ tịch HĐQT PVN. Trong vụ này, bị cáo Thăng bị cáo buộc đã phạm vào tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, với vai trò chính trong vụ án.
Như vậy, kể từ ngày 22/1/2018 khi bị tòa tuyên phạt vụ đầu tiên cho đến thời điểm ngày 22/1/2021 (khi phiên tòa tạm hoãn), thì bị cáo Đinh La Thăng đã phải 6 lần hầu tòa ở 4 vụ án.
Với 2 vụ án được đưa ra xét xử vào năm 2018, cả 2 vụ án đều đã trải qua các cấp sơ thẩm, phúc thẩm với thời gian xét xử vụ án khá nhiều ngày. Vì thế, tuy là dính vào 4 vụ án nhưng bị cáo Đinh La Thăng đã phải hầu tòa 6 lần.