Khi học sinh dã ngoại…

Tùng Linh (thực hiện) 24/01/2021 07:44

Chỉ trong đầu tháng 1/2021, trên cả nước xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn khi học sinh (HS) tham gia hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Và thật đáng buồn khi đã có những trường hợp tử vong, là 1 HS bị đuối nước ở Bình Dương, 1 HS thiệt mạng liên quan vụ tàu lượn siêu tốc gặp sự cố ở Phú Thọ. Những vụ tai nạn nói trên đã gây lo lắng cho các phụ huynh, cũng như các trường và cộng đồng xã hội.

Bà Nguyễn Phương Linh trong một hoạt động liên quan đến trẻ em.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), chuyên gia về bảo vệ trẻ em cho rằng: Tổ chức cho HS đi dã ngoại, thầy cô cần phải có trách nhiệm. Và hơn ai hết, thầy cô cần phải có kỹ năng bảo vệ, bảo đảm an toàn cho HS.

PV: Thưa bà, sau khi nghe những thông tin về vụ việc học sinh bị tử vong khi tham gia dã ngoại, tâm trạng của bà như thế nào?

Bà Nguyễn Phương Linh: Thật ra thì không phải là một người làm xã hội, làm các chương trình về trẻ em, mà trong vai trò là một người mẹ, một phụ huynh nghĩ về những rủi ro mà con mình có thể bất ngờ găp phải, thậm chí mất mạng như vậy, tôi cảm thấy rất đau lòng. Cảm thấy đúng là có rất nhiều những rủi ro mà đôi khi chúng ta không thể lường trước được. Và thấy rằng, người lớn cần phải có những trách nhiệm, phương thức, quy trình tốt hơn để bảo vệ trẻ em.

Bà nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của người lớn trong những vụ việc đau lòng nói trên. Ở đây có vai trò của nhà trường, những người xung quanh trong việc tổ chức chuyến đi dã ngoại cho các HS?

-Tôi tin chắc là với nhà trường thì mong muốn tổ chức chuyến đi dã ngoại cho các HS là mong muốn tốt. Để cho các em được trải nghiệm, được vui chơi. Đấy cũng là đảm bảo được quyền của các em. Ở trường hợp HS thiệt mạng liên quan vụ tàu lượn siêu tốc gặp sự cố ở Phú Thọ, tôi cũng thấy cô hiệu trưởng đã đứng ra để nhận trách nhiệm.

Tôi cũng hoan nghênh việc không thể dùng những lý do khác để bao biện cho trách nhiệm như đổ lỗi cho doanh nghiệp hay đơn vị khu vui chơi được. Mà chính các thầy cô giáo, những người đứng ra tổ chức chuyến đi này phải chịu trách nhiệm.

Chúng ta cũng cần phải xem xét lại quy trình chúng ta giám sát, đảm bảo an toàn cho HS khi tổ chức các chuyến vui chơi dã ngoại. Nó cần phải được thắt chặt nhiều hơn. Nó cần phải được tổ chức một cách quy củ hơn. Và tôi cũng công nhận là phải có trách nhiệm của các giáo viên, những người lớn ở trong vụ việc này.

Ngoài ra, theo những thông tin tôi đọc được trên báo, thì khi xảy ra sự cố tàu lượn siêu tốc, các em đã phải tự cứu nhau chứ không có người lớn nào ở đó cả. Như vậy là việc vô cùng đáng trách. Cái này vấn đề không phải chỉ ở khu vui chơi. Khu vui chơi chắc chắn là có vấn đề, liên quan đến vi phạm pháp luật rồi, và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở đây tôi muốn nói đến vai trò của nhà trường trong việc hỗ trợ và giám sát các em. Khi có những tai n

ạn bất ngờ xảy ra, nhiều khi không lường trước được là nó xảy ra thì cũng phải có những người lớn để hỗ trợ, ứng cứu… Còn nói đến trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ của khu vui chơi, chúng ta thấy rõ ràng là trách nhiệm kinh doanh không được phù hợp về nguyên tắc an toàn, về cả đạo đức nữa.

Thực ra đã có rất nhiều những văn bản liên quan đến việc tổ chức các chuyến đi trải nghiệm sáng tạo cho HS ở trong trường học. Nhưng vấn đề đặt ra là vẫn xảy ra rất nhiều những vụ việc thương tâm. Trong thời gian gần đây thì xảy ra liên tiếp. Vậy theo bà, có lỗ hổng nào ở trong việc tổ chức những chuyến dã ngoại học tập trải nghiệm như thế này?

- Theo tôi, việc học tập trải nghiệm là việc chúng ta nên làm. Và cũng có những quy trình. Nhưng mà tại sao những quy trình trong nhà trường, và những quy trình an toan chúng ta thấy luôn luôn có sự vi phạm? Người ta đã xây dựng quy trình ra là để đảm bảo giảm thiểu những rủi ro, giảm thiểu sự mất an toàn cho HS. Thế nhưng để thực hiện quy trình là con người.

Về con người thì luôn luôn có sự bất cẩn, có những thứ không lường hết được. Nhưng mà tôi nghĩ rằng, nếu đã là những người chịu trách nhiệm trong vấn đề liên quan đến an toàn của trẻ em, đặc biệt ở đây là HS của mình thì việc thực hiện theo những quy trình mang tính chất bắt buộc cần phải tuân thủ.

Ngoài ra, nó không chỉ là vấn đề tuân thủ, mà cần được nâng cao thường xuyên. Quy trình là thứ do con người tạo ra để đảm bảo giảm thiểu rủi ro nhưng nó cũng phải đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất. Thế thì cái quy trình đặt ra này, không chỉ là quy trình mang tính chất căn bản bắt buộc mà nó còn liên quan đến việc mỗi con người khi mà hành xử, lại cần phải cập nhật, luôn luôn có sự điều chỉnh quy trình ấy một cách tốt nhất.

Cái này nó sẽ liên quan đến văn hóa quản trị nhà trường, hay là quản trị tổ chức, mà đặc biệt là những tổ chức liên quan đến trẻ em. Thì tôi nghĩ vấn đề liên quan đến trẻ em, không phải chỉ là việc chúng ta bắt buộc những thầy cô giáo, rồi những người chịu trách nhiệm về giáo dục đảm bảo quy trình. Mà cần phải phát triển văn hóa nhà trường trong việc vì lợi ích tốt nhất của trẻ và nâng cao tinh thần của giáo viên nhà trường trong việc bảo vệ trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Mọi người sẽ có tư duy phản biện, có những cách thức hay phương pháp để cập nhật những quy trình sơ cứng đấy, để làm sao hiệu quả nhất; có cách thức để phát hiện những rủi ro có thể xảy đến với trẻ em chứ không phải chỉ là suy nghĩ “à, tôi đã làm bước này, bước kia rồi là tôi có thể giảm thiểu được rủi ro”.

Ví dụ như trong trường hợp này, khi chúng ta quyết định tổ chức cho HS đi đến khu vui chơi thì không phải chỉ là ở những quy trình thông thường như chúng ta xem đơn vị này có đăng ký kinh doanh hay không? Có những quy trình tiêu chuẩn hướng dẫn hay không? Có người phụ trách hay không?

Mà chúng ta cần phải dùng tư duy phản biện của những người bảo vệ trẻ em để xem là sẽ có những rủi ro gì có thể xảy đến đối với trẻ em, đối với HS của mình để đưa ra những phương pháp, cách thức, quyết định hợp lý. Tôi nghĩ rằng đấy chính là điều rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa hay là phương pháp quản trị nhà trường, đảm bảo cho sự an toàn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên có một sự tập huấn rất chặt chẽ cho các giáo viên khi mà đứng ta tổ chức các buổi ngoại khóa dã ngoại như thế này. Và, đặc biệt quy trình tổ chức nó phải rất khoa học và chặt chẽ nữa. Quan điểm của bà như thế nào?

- Tôi rất đồng ý với việc là những vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, và cả vấn đề liên quan đến sơ cứu ban đầu thì các giáo viên là những người gần nhất với trẻ, cần nắm được những chuyên môn hay phương pháp này từ cơ bản, luôn luôn có sự cập nhật và nâng cao nghiệp vụ của mình thì như vậy mới đảm bảo được an toàn cho trẻ.

Giống như ở trên tôi đã nói, không chỉ ở phương pháp cách thức mà ở cả tư duy nữa. Làm sao trong bản thân luôn tâm niệm, tôi là người có trách nhiệm bảo vệ trẻ, tôi sẽ làm thế nào để tốt nhất cho HS mình. Có việc mà chúng ta đang hơi coi thường, mà tôi nghĩ là vô cùng quan trọng, đó là rất ít những tập huấn liên quan đến an toàn cho trẻ hay những tập huấn về sơ cấp cứu ban đầu.

Bởi vì khi xảy ra sự cố như kể trên là rất bất ngờ, lúc đó không thể nào đi gọi người ở tận đâu xa để sơ cứu cho các em được mà phải là những người ngay gần trẻ. Đôi khi chỉ có vài phút nhưng có thể cứu sống được tính mạng của trẻ.

Đó không chỉ là nghiệp vụ, mà còn liên quan đến tư duy, đến trách nhiệm, đến cảm nhận của những người lớn làm giáo viên, giống như một người mẹ làm cô giáo. Người lớn mình sẽ xem xem những cái gì có thể ảnh hưởng, có thể gây tai nạn cho con mình và mình là người hiểu HS của mình nhất, chứ không chỉ là những quy trình thông thường.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tùng Linh (thực hiện)