Tiếp lửa đam mê khoa học kỹ thuật cho học sinh
Đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức thành công cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh (HS) trung học năm học 2020-2021. Qua sự hướng dẫn của thầy cô giáo, nhà khoa học, những ý tưởng ấp ủ và niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của các HS đã dần được hiện thực hóa.
Tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học tỉnh Hưng Yên vừa qua có 56 dự án thuộc 6 nhóm lĩnh vực: Khoa học xã hội hành vi, hóa - sinh, khoa học vật liệu, y sinh và khoa học sức khỏe, phần mềm hệ thống, robot thông minh.
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, các dự án tham gia có chất lượng cao, phong phú ở các đề tài, lĩnh vực; có phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, nhiều đề chú ý tới việc vận dụng kiến thức học trên lớp vào nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề gần gũi trong cuộc sống.
Tại những địa phương khác, phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật cũng được các thầy cô và HS quan tâm. Ở Bắc Giang, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2020-2021 có 48 đơn vị tham gia với 64 dự án thuộc 14 lĩnh vực. Tại Hòa Bình, cuộc thi như trên có 93 dự án tham gia dự thi.
Đối với các HS tham gia cuộc thi, đây không chỉ là kết quả của quá trình nghiên cứu, mà còn là nơi để hiện thực hóa ước mơ dành cho khoa học của mình. Là tác giả của dự án “Hệ thống điều hướng tấm pin mặt trời theo tọa độ và thời gian thực” đoạt giải Nhất cấp tỉnh, em Nguyễn Minh Nghĩa - Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) chia sẻ: Dự án là sản phẩm học tập cụ thể của phương pháp giáo dục STEM, có sự kết hợp của các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học giúp chúng em hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm có ích trong đời sống. Đồng thời giúp chúng em tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, phát triển tư duy khoa học, phản biện và dần làm chủ khoa học.
Qua thành công của những cuộc thi về khoa học kỹ thuật trong HS, các chuyên gia giáo dục khẳng định rằng: Giáo dục STEM góp phần giáo dục toàn diện giúp các HS giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ các bài học và trải nghiệm các em sẽ có hứng thú trong việc học tập bởi việc học không chỉ để biết mà còn để vận dụng.
Để phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật lan tỏa đến tất cả thầy cô giáo và HS, các nhà trường cần chú trọng, tạo điều kiện cho HS tham gia những cuộc thi về khoa học kỹ thuật. Trong quá trình giảng dạy, cần xây dựng các chủ đề, bài học STEM để HS vận dụng kiến thức đã học nhằm giải quyết một tình huống, một vấn đề thực tiễn, hoặc hoàn thành một sản phẩm khoa học, kỹ thuật. Qua đó hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực HS, tạo sự hứng thú cho HS qua mỗi tiết học.