Thành phố mới Thủ Đức trong thế mạnh kết nối
Thành phố mới Thủ Đức (thuộc TP HCM), tổng diện tích hơn 21.000ha, dân số 1,17 triệu dân. Đây là đô thị có quy mô sản xuất công nghệ cao tiêu biểu của cả nước. Hiện Thủ Đức cũng được coi là trung tâm khởi nghiệp lớn dẫn đầu.
Kết nối hạ tầng giao thông
Tuy nhiên, hiện nay kết nối TP Thủ Đức với các khu vực khác, bao gồm khu vực trung tâm TP HCM và các khu vực lân cận gồm Đồng Nai, Bình Dương vẫn chỉ là kết nối của 3 quận, gồm quận 2, quận Thủ Đức và quận 9 đã có từ trước. Trong quy hoạch hạ tầng khu Đông TP HCM cũng chưa có dự án nào được bổ sung mới.
Nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, phát triển TP Thủ Đức phải đặt trong sự kết nối phát triển với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc phát triển TP HCM nói chung, TP Thủ Đức nói riêng không thể tách rời với việc thực hiện quy hoạch Vùng TP HCM (bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, TP HCM).
Như vậy, thành phố mới Thủ Đức cần tạo ra vị thế trung tâm của mình và gắn kết và kết nối với các vùng kinh tế khác, ngoài những nền tảng kết nối hạ tầng giao thông đã có. Chỉ có như vậy mới có thêm sức bật trong quá trình phát triển.
TP Thủ Đức đang có những lợi thế từ hạ tầng giao thông kết nối, đó là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021; đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch), cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội. Giữa năm 2020, UBND TP HCM cũng đã phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 952 ngàn tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, quan điểm phát triển giao thông vận tải thành phố phải gắn liền với địa lý vùng để đảm bảo giao thông thuận tiện giữa TP HCM với các đô thị vệ tinh trong khu vực; Phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với Vùng TP HCM và mục tiêu phát triển trở thành đầu mối giao thông của Vùng, đảm bảo sự động bộ cả về chức năng, vị trí, cấp kỹ thuật và quy mô quy hoạch.
Cùng với đường bộ, khu vực TP Thủ Đức cũng có hệ thống giao thông đường thủy phát triển với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai… Đây là khu vực thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái - Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, Bến xe Miền Đông mới) và đường thủy nội địa. Cảng Cát Lái, cảng biển lớn nhất Việt Nam sẽ thuộc khu vực TP Thủ Đức.
Theo giới chuyên gia, việc quy hoạch phát triển dựa trên mối liên kết sẽ thúc đẩy sự phát triển đột phá không chỉ cho TP Thủ Đức nói riêng và TP HCM nói chung, mà coòn là sự phát triển cho cả khu vực.
Tận dụng công nghệ cao và công nghiệp hiện đại
Hiện nay, TP Thủ Đức có trong mình hệ sinh thái khởi nghiệp với sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, thuận lợi tạo ra được các sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Trong đó, Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia thành phố tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực này.
Đặc biệt là Khu Công nghệ cao TP HCM, hiện thu hút nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung... với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước.
Tại TP Thủ Đức còn có các Khu Chế xuất Linh Trung 1, Khu Chế xuất Linh Trung 2 và Khu Công nghiệp Bình Chiểu có tỷ lệ lấp đầy 100%. Các khu này gần với Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) tạo nên chuỗi dịch vụ logistics với hệ thống kho bãi, cụm cảng tương đối hiện đại. Tương tự, Khu Công nghiệp Cát Lái (Quận 2) hiện đang được đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ gia tăng chuối giá trị logistics với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thay phà Cát Lái.
Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM, Thủ Đức sẽ trở thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao, là mô hình phát triển dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số, đồng thời là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và mở rộng các dịch vụ sản phẩm công nghệ 4.0 tại các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để phát triển TP Thủ Đức, thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành một Nghị định riêng với chính sách đặc thù cho mô hình thành phố thuộc thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng kinh tế 4.0, quy mô dân số đủ lớn, liên kết chặt chẽ với các quận còn lại của TP HCM, Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hoá dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất, dịch vụ 4.0. Thành phố Thủ Đức sẽ là một trung tâm cung cấp các giải pháp 4.0 cho sự phát triển của TP HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước, hướng mạnh mẽ tới xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm 4.0, hình thành vùng kinh tế 4.0 phía Nam của đất nước.
Ngày 24/1, UBND TP Thủ Đức đã tổ chức công bố các quyết định cán bộ đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng ký văn bản đầu tiên giải quyết công việc của thành phố. Phát biểu tại buổi trao các quyết định, Ủy viên dự khuyết Trung ương, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết, cho đến thời điểm này, về cơ bản TP Thủ Đức đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền, đồng thời bắt tay ngay vào công việc. Người đứng đầu Đảng bộ TP Thủ Đức yêu cầu các lãnh đạo, cán bộ tiếp tục củng cố nhiệm vụ, tập trung vào giải quyết các công việc của người dân và doanh nghiệp để đảm bảo công khai minh bạch, dân chủ, công bằng và tạo sự đồng thuận cao. Trước mắt, ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu UBND TP Thủ Đức đảm bảo việc giải quyết hồ sơ, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được xuyên suốt. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng báo cáo, đề xuất giải quyết.
Thành Luân