Chàng rể Việt Nam - nhà khoa học vật lý lừng lẫy

Phạm Quang Đẩu 14/01/2021 09:00

Đến hôm nay, GS Pierre Darriulat đã có tròn 20 năm sống ở Việt Nam, ông đã chứng minh mình là “chàng rể tốt”.

Cặp đôi Pierre- Nga trên bãi biển đảo Quan Lạn.

Lần ấy, chị Nguyễn Thị Nga, nguyên là biên tập viên tiếng Pháp của Ban Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam rủ tôi về thăm quê chị ở Gia Khánh, Gia Lộc, Hải Dương, dự lễ mừng thọ cha chị, Đại tá Nguyễn Xà Liễn tròn tuổi “bát tuần”. Và chuyến đi đó tôi được làm quen với chồng chị, một nhà khoa học người Pháp, GS Pierre Darriulat, nguyên Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ. Tôi đã có cuộc truyện trò với ông qua sự phiên dịch của chị Nga. Biết ông là một nhà khoa học nổi tiếng, nhưng rồi trong cuộc chuyện trò không thể đề cập được chút gì liên quan đến chuyên môn của“chàng rể Tây”, đơn giản vì tôi và người phiên dịch đều là “ngoại đạo”. Thế rồi sau chuyến đi đó, may mắn tôi có người hàng xóm ở Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) là GS Cao Chi, một nhà vật lý lý thuyết có tiếng của nước ta, trước làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cùng chuyên môn và đã từng cộng tác với “chàng rể Tây” ấy. Qua GS Cao Chi, tôi có thêm nhiều thông tin về GS Pierre Darriulat.

Ông học Đại học Bách khoa Paris vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, rồi bảo vệ thành công học vị tiến sĩ khoa học về vật lý hạt cơ bản tại Đại học Berkeley, Mỹ. Từ 1967, ông làm việc trong thời gian dài tại CERN và đã có phát kiến khoa học lớn tại đó. Các năm 1982, 1983 nhóm nghiên cứu đề án UA2 do ông đứng đầu, đã tìm ra các hạt dẫn xuất tương tác yếu W và Z theo tiên đoán của Lý thuyết tương tác điện yếu. Ngày đó tại CERN có hai nhóm cùng săn đuổi các hạt trên. Nhóm của ông tuy đã về đích trước, do bản chất khiêm nhường, thận trọng mà ông lại công bố sau nhóm của C. Rupbia (C. Rupbia- Giám đốc điều hành CERN). Đây trở thành một khám phá khoa học lớn cuối thế kỷ XX. Chỉ 1 năm sau khi công bố kết quả nghiên cứu (tức 1984), C. Rupbia đã được trao Giải Nobel vật lý. Tuy bị “thiệt thòi”, song P. Darriulat ngày ấy đã được trao tặng Giải thưởng quốc gia Pháp, Bội tinh Hiệp sĩ và được mời vào Viện Hàn lâm khoa học Pháp, là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới.

GS Pierre Darriulat dáng to lớn dềnh dàng, song bước đi nhanh nhẹn, nụ cười đôn hậu, trẻ trung luôn nở trên môi, dù hôm nay ông đã ở tuổi “bát tuần”. Tôi hỏi thăm ông tình hình sức khỏe từ ngày dọn sang quê vợ. Ông bảo, lúc đầu cũng chưa quen với khí hậu Việt Nam, rồi công việc cuốn hút quên cả những thay đổi thời tiết xung quanh. Ông mỉm cười nói thêm: Tôi luôn yêu vợ và các con!

Nguyễn Thị Nga trước khi gặp Pierre từng lập gia đình, có một con trai, một gái; còn Pierre Darriulat cũng đã có vợ, một con trai. Họ đều gặp những trắc trở dẫn đến sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình. Chính sự cảm thông, chia sẻ, tình yêu thương chân thành đã làm cả hai dường như trẻ lại và đi đến quyết định hạnh phúc mới. Trong lễ mừng thọ, Đại tá Nguyễn Xà Liễn có tâm sự với tôi là, lúc Nga về báo cáo bố mẹ chuyện hôn nhân, cả nhà phân vân lắm. Đây là trường hợp rể “Tây” đầu tiên của xã. Vả lại, Nga có thể nghỉ việc để theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng hai người sinh ra từ hai nền văn hóa, tập tục hoàn toàn khác nhau liệu hôn nhân có vững chắc, lâu bền? Cảm nhận đầu tiên của ông đại tá qua những lần tiếp xúc, chàng rể tuy tiếng tăm lừng lẫy, mà tính nết thật lành, khiêm nhường và giản dị. Thời gian đã minh chứng, Pierre Darriulat là chàng rể tuyệt vời cả trong gia đình, cũng như đối xử với quê hương thứ hai Việt Nam. Đúng như ông nói, ông yêu vợ và các con riêng của vợ, đổi lại chị Nga cũng rất “vui vẻ” với anh con riêng của chồng khi sang thăm Việt Nam. Điều Pierre làm cho Việt Nam, từ buổi đầu “dọn sang”, ông đã đề xuất và ráo riết tổ chức thực hiện một dự án mang tên VATLY về tia vũ trụ. Năm 1998, nhà vật lý vũ trụ J. Cronin (Nobel 1995) khởi xướng dự án này, đặt tại Nam bán cầu trên lãnh thổ Achentina khoảng 1.600 trạm tiếp nhận tia vũ trụ. Đã có vô vàn tia vũ trụ có năng lượng cao rơi vào trái đất, song hiểu biết về loại tia này còn rất hạn chế, nghiên cứu về nó có thể mở ra những khám phá mới. Nhờ có Pierre Darriulat, Việt Nam đã trở thành một thành viên nghiên cứu tia vũ trụ thế giới. Từ ngày đi vào hoạt động, phòng thí nghiệm VATLY Việt Nam đã có 10 bài báo công bố quốc tế là tác giả chính, 43 công bố quốc tế là đồng tác giả cùng Đài thiên văn Pierre Auger, 10 bài báo công bố trong tập san của Đài thiên văn và 11 bài báo công bố trong nước trên tạp chí Communication in Physics. GS Pierre Darriulat đã cùng các cộng sự tại phòng thí nghiệm VATLY trực tiếp đào tạo được 6 nghiên cứu sinh, 9 thạc sĩ và 12 sinh viên tốt nghiệp đại học. Bên cạnh đó, ông và các cộng sự đã tích cực tham gia giảng dạy tại các trường đại học, các lớp học mùa hè tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh.

GS Pierre Darriulat và tác giả trong lễ mừng thọ Đại tá Nguyễn Xà Liễn.

Đến hôm nay, GS Pierre Darriulat đã có tròn 20 năm sống ở Việt Nam, ông đã chứng minh mình là “chàng rể tốt”. Song về phương diện đóng góp cho phát triển khoa học công nghệ ở quê hương thứ hai thì ông vẫn còn có điều chưa thật hài lòng và rất... tâm tư. Ông cho rằng đang có một rào cản cho sự phát triển khoa học công nghệ Việt Nam. Đó là cách thức tiếp cận với khoa học hiện đại, đã có sự phân biệt một cách khiên cưỡng giữa lý thuyết và thực nghiệm xung quanh việc học và nghiên cứu vật lý thiên văn. Thậm chí có những nhà khoa học trong nước còn cho rằng các nước đang phát triển như Việt Nam không nên học vật lý thiên văn, càng không có điều kiện tham gia vào cuộc nghiên cứu có tính toàn cầu của vật lý vũ trụ vì nó quá tốn kém. Những năm qua, nhóm VATLY của GS Pierre Darriulat đã là một minh chứng chứng minh điều ngược lại. Nghiên cứu của nhóm không tốn một đồng nào của Nhà nước để mua sắm thiết bị, những thiết bị ban đầu đều được GS Pierre Darriulat dùng ảnh hưởng của mình để mang về Việt Nam. Rồi khi đi vào hoạt động, nhóm đã sử dụng nhiều dữ liệu lưu trữ của hệ đo giao thoa vô tuyến tiên tiến nhất trên thế giới, ALMA. Dữ liệu được mở cho cộng động khoa học chỉ một năm sau khi được thu nhận. Ngoài ra, nhóm còn hợp tác với các nhà vật lý thiên văn từ các nước phát triển, những người có quyền sử dụng những thiết bị nghiên cứu khác, chẳng hạn như JCMT ở Hawaii hoặc NOEMA ở Pháp. Qua đó, VATLY đã được sử dụng thiết bị đắt tiền một cách miễn phí (Nên nhớ: ngay từ đầu, cố GS. Jim Cronin đã cho VATLY quyền truy cập miễn phí thông tin với Đài thiên văn Pierre Auger).

Rõ ràng, vật lý thiên văn, ngành khoa học trên tuyến đầu của vật lý hiện đại đã không được chú ý, phát triển đúng mức ở Việt Nam, chỉ vì người ta cho rằng nó “viển vông”. Thực ra những phát kiến khoa học quan trọng nhất của trí tuệ loài người cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này đều phát sinh từ đây, bởi đây là công trình tập thể, hợp tác đa quốc gia và lấy chính bầu trời làm phòng thí nghiệm. Việt Nam muốn phát triển vật lý thiên văn thì trước hết phải có hướng đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản. Vậy mà hiện nay ngành này không được đào tạo ở trình độ tiến sỹ. Đã xảy ra các trường hợp sinh viên làm thạc sỹ hay tiến sỹ buộc phải ngụy trang tên ngành học vật lý thiên văn thành “vật lý nguyên tử” hay “vật lý hạt nhân”, như thể “vật lý thiên văn” là một từ cấm kỵ. Chính vì yêu Việt Nam với cái tâm trong sáng, gần đây GS Pierre Darriulat và một số nhà khoa học đã lại có kiến nghị về sự cần thiết của việc dạy và nghiên cứu vật lý thiên văn trong chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về vũ trụ ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030...

Phạm Quang Đẩu