Đào tạo nghề, giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững

Nguyễn Chiến 26/01/2021 06:00

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm được xác định là một trong những giải pháp quan trọng góp phần từng bước giảm nghèo bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Buổi thực hành của sinh viên lớp May, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Hà Giang.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác đào tạo nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quá trình triển khai đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó góp phần thay đổi nhận thức về vai trò của việc học nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập.

Hàng năm, các địa phương trong tỉnh đều tiến hành điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xác định danh mục nghề cũng như nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và thị trường lao động, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Kết quả từ năm 2016-2020, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 57.458 lao động, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%; giải quyết việc làm cho 92.895 lao động, trong đó 43.397 người đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động.

Tại huyện Quang Bình, huyện phía Tây của Hà Giang, tính đến hết năm 2020, toàn huyện còn hơn 1.800 hộ nghèo. Số lao động trong độ tuổi từ 18 đến dưới 40 hiện có 18.000 lao động. Trong đó, số lao động có việc làm ổn định (làm việc thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp) khoảng 8.500 người, số còn lại (gần 10.000 lao động) chủ yếu làm việc bán thời gian trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương, việc làm thiếu ổn định, thu nhập thấp.

Trước những yêu cầu về giải quyết lao động tại địa phương, từ năm 2021, huyện Quang Bình triển khai Đề án thí điểm hỗ trợ lương thực cho hộ gia đình nghèo thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới (giai đoạn 2021-2025) có lao động đi làm việc ngoại tỉnh theo hợp đồng. Đây là một trong những nỗ lực nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Quang Bình.

Ông Nguyễn Trung Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết, Đề án nhằm giải quyết việc làm mới cho nhiều lao động địa phương, bảo đảm mọi công dân trên địa bàn trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động và sẵn sàng làm việc, đều được tư vấn tuyển dụng, tiếp cận với thông tin về “cung - cầu” lao động, có cơ hội tìm được việc làm ổn định, phù hợp.

Năm 2020, huyện Quang Bình tổ chức 33 lớp đào tạo nghề ngắn hạn với 579 học viên; đào tạo 2 lớp khuyến nông viên với 46 học viên, 1 lớp du lịch cộng đồng với 35 học viên, 1 lớp cắt may dân dụng với 35 học viên. Từ đó, giải quyết việc làm mới cho 3.500 lao động. Trong đó, số lao động đi làm việc ngoài tỉnh 2.414 người, lao động được tạo việc làm tại địa phương 1.085 người, số lao động đã qua đào tạo 2.152 người.

Chị Làn Thị Tả (thôn Yên Thành, xã Yên Thành, huyện Quang Bình) cho biết, sau khi được tham dự lớp học nghề, chồng chị đang lao động tại một doanh nghiệp ở địa phương, có thu nhập ổn định. Còn chị thì sau khi được trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, đã mạnh dạn đầu tư thêm lợn giống, chuyển đổi một phần ruộng lúa một vụ sang trồng cây dưa leo. Năm 2020, gia đình chị Tả đã thoát nghèo.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để giảm nghèo bền vững, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng. Trong những năm qua, tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, tuyên truyền, đưa lực lượng thanh niên đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động.

Nhờ công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thực hiện tốt, bình quân tỉ lệ giảm hộ nghèo trong những năm gần đây của Hà Giang đạt 4%/năm, các huyện vùng cao giảm tới 6%/năm.

Nguyễn Chiến