Ngày Tết: Cảnh báo những bệnh thường gặp và cách phòng tránh

Lan Anh 27/01/2021 08:00

Ngày Tết đang đến gần, bên cạnh vui chơi cùng những bữa tiệc liên hoan tất niên, chúng ta cũng cần lưu ý việc chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Những tuần trước Tết là thời điểm cho các bữa tiệc tất niên của công ty, gia đình và bạn bè. Trong Tết cũng là những mâm cỗ với rất nhiều những món ăn ngon. Cùng với đó là lịch sinh hoạt, vui chơi có phần bị đảo lộn; lại thêm thời tiết se lạnh, đôi khi là những cơn mưa phùn. Tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì vậy, cần trang bị cho mình những cách để phòng tránh một số bệnh dễ gặp trong dịp Tết, để chào đón một năm mới vui vẻ, mạnh khỏe.

Nhóm bệnh về đường hô hấp

Nền nhiệt trong dịp tết thường là ngày nắng hanh, sáng sớm và đêm trời lạnh khiến đường hô hấp dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm thanh quản cấp, viêm phổi, viêm phế quản cấp, hen suyễn, cúm đều là các bệnh dễ mắc trong dịp Tết. Vì vậy, cần chú ý giữ ấm cơ thể, bổ sung vitamin, nhất là khi thời tiết trở lạnh đột ngột.

Ảnh: Minh họa

Rối loạn tiêu hóa

Dịp Tết là dịp mà thói quen sinh hoạt của mọi người có phần bị đảo lộn: ăn quá nhiều, quá ít, không đúng bữa, nhiều mỡ, nhiều đạm, uống nhiều rượu bia. Đây là tác nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa; với các triệu chứng thông thường là tiêu chảy, táo bón, chướng bụng đầy hơi, khó tiêu. Mọi người cần có chế độ vận động, luyện tập thân thể, xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng mỗi ngày và tạo một tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng. Nếu các triệu chứng vẫn không đỡ, hãy đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Ảnh: Minh họa

Ngộ độc thực phẩm

Thực phẩm chế biến sẵn hoặc không được bảo quản đúng cách rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc bị biến chất. Trong những bữa tiệc ngày Tết, rất khó để bạn có thể kiểm soát được những thức ăn mà cơ thể đã hấp thụ.

Ảnh: Minh họa

Khi ăn những thực phẩm này, đa phần có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, sốt nhẹ và mệt mỏi. Nghiêm trọng cơn có thể dẫn đến viêm dạ dày cấp, xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu. Nếu gặp những hiện tượng này, bạn nên đến bệnh viện ngay để được kiểm tra, tránh tự điều trị tại nhà.

Táo bón

Những thức ăn nhiều dầu mỡ, ít chất xơ ngày Tết dễ khiến bạn bị nóng trong dẫn đến táo bón. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Bạn nên hạn chế sử dụng những đồ uống chứa cồn hoặc có ga sẽ khiến tình trạng bệnh càng thêm tồi tệ. Thay vào đó, hãy uống nhiều nước, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin, chất xơ vào thực đơn hàng ngày để giúp thải độc cơ thể, nhuận tràng tự nhiên.

Dị ứng

Không khí xuân thường nóng ẩm, nhiều vật dụng trang trí nhà như cây cảnh, hoa chơi Tết có thể phát tán phấn hoa gây bệnh viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, chúng ta có xu hướng du xuân ngoài đường nhiều hơn vào dịp Tết. Khói bụi ô nhiễm ngoài đường cũng vô tình tấn công mắt, mũi.

Ảnh: Minh họa

Nếu thấy xuất hiện trạng thái khó chịu ở mắt, tốt nhất không nên dụi mắt. Nên rửa trôi tác nhân gây dị ứng bằng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng hoặc nước mắt nhân tạo, sau đó đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời. Khi đi ngoài đường nên đeo khẩu trang, đeo kính chống bụi, chống nắng cẩn thận.

Dịp Tết là dịp ăn uống, tiệc tùng nhiều nhất năm. Đây cũng chính là thời điểm tiềm ẩn các bệnh như rối loạn mỡ máu, bệnh về gan, tăng huyết áp, tiểu đường, gout… Do đó, để tránh các bệnh ập đến, mọi người nên cố gắng duy trì thói quen sinh hoạt hàng ngày, tránh làm việc quá sức. Hạn chế uống bia, rượu; có chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho mình, đón một cái Tết vui, khỏe và lành mạnh.

Lan Anh