Học trước lớp 1
Chị bạn tôi có con chuẩn bị vào lớp 1 gọi điện hỏi tôi kinh nghiệm có nên cho con đi học chữ, làm toán trước không. Tôi hỏi lại, con đã biết tự buộc tóc, gấp chăn màn, tự đi vệ sinh, cất dọn bát đĩa sau ăn chưa…
Trên thực tế, có nên cho con đi học tiền lớp 1 luôn là trăn trở của tất cả các bậc phụ huynh mỗi khi con chuẩn bị bước vào giai đoạn tiểu học. Nhưng câu chuyện hầu như chỉ xoay quanh 29 chữ cái, các con số cộng trừ, tập đọc… mà ít ai hỏi nhau bạn đã chuẩn bị cho con những kỹ năng gì khi bước vào một môi trường mới. Mẫu giáo xưa nay vẫn được quan niệm là cấp học là phụ, chơi là chính nên giáo viên còn được gọi là cô nuôi dạy trẻ, tức là nuôi dưỡng, chăm sóc trước rồi mới đến dạy. Còn với tiểu học, các cô vừa dạy, vừa dỗ vì học sinh mới bắt đầu làm quen chính thức với việc học, với sách vở, bút mực…
Một cô giáo dạy tiểu học từng tâm sự khó khăn, vất vả nhất chính là giáo viên lớp 1. Bao nhiêu bỡ ngỡ, lạ lẫm, thậm chí là cả khóc lóc, mè nheo thời mẫu giáo nhiều khi vẫn chưa dứt hẳn trong những ngày đầu đến với trường mới, lớp mới, lịch sinh hoạt mới. Tâm sự “con chỉ thích học mẫu giáo vì toàn được chơi” có lẽ không chỉ của riêng một vài học sinh lớp 1 mà là tâm lý chung của con trẻ chưa quen với việc ngồi nghiêm túc viết bài, học toán, tập đọc… suốt hơn nửa tiếng. Thay vì được chạy nhảy từ góc nọ qua góc kia, lớp học với quy định mới có phần gò bó hơn nhiều chắc chắn sẽ khiến học sinh sốc, thậm chí phản kháng nếu không được gia đình, thầy cô hướng dẫn, uốn nắn một cách kiên trì và nhẫn nại…
Vì vậy, chuẩn bị cho con vào lớp 1 chắc chắn là việc cần làm và phải làm càng sớm càng tốt. Nhưng đó là chuẩn bị tâm lý, là những kỹ năng cần thiết để con bắt đầu chặng đường học tập đầu tiên đầy hứng khởi, hăng say. Trong đó, kỹ năng tự lập, kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông… là hết sức cần thiết để mỗi học sinh lớp 1 sớm hòa nhập và làm quen với môi trường mới.
PGS.TS Trần Thành Nam- chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng không nên buộc trẻ học trước chương trình. Giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học của các lứa tuổi lớn hơn. Nhiều gia đình quan tâm và muốn con mình phát triển vượt trội hơn so với các bạn, chuẩn bị cho con bước vào trường tiểu học không phải bỡ ngỡ với kiến thức. Vì vậy, gia đình và người lớn đã đem nhiều kiến thức của lứa tuổi lớn hơn, buộc trẻ phải học trước, buộc trẻ phải “chín ép”.
Điều này không nên vì bộ não của trẻ cũng nên có những “khoảng trống” nào đó để chuẩn bị cho việc trẻ học kiến thức trong tương lai. Nếu chúng ta bằng mọi cách lấp đầy kiến thức ngay từ sớm sẽ làm cho trẻ bị nhồi nhét kiến thức, bị “tắc nghẽn” kiến thức, từ đó tạo ra sự ức chế, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống của trẻ. Mặt khác, trẻ nhỏ có sức chịu đựng và khả năng nhất định nên không thể cứ có kiến thức là bắt trẻ phải học tất cả, kiến thức cần phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi.