Nghịch lý đạo diễn sân khấu

Cao Ngọc 26/01/2021 07:47

Với lĩnh vực sân khấu, đạo diễn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi vở diễn. Nhưng không phải khi nào, ở đâu vai trò của người đạo diễn cũng được đánh giá đúng mức. Có những lúc, những nơi, vai trò của người đạo diễn dường như quá mờ nhạt.

Các đạo diễn sân khấu trẻ đang thiếu cơ hội để cống hiến (ảnh minh hoạ).

“Nốt trầm” của sân khấu

Sân khấu đang trong giai đoạn trầm lắng và vì thế, như hệ quả đương nhiên, các đạo diễn sân khấu cũng đang gặp khó khăn rất nhiều. Hiện nay, nếu kể tên các đạo diễn thành danh trên sàn diễn, cũng như đông đảo khán giả công nhận quả thực là việc khó khăn. Thế hệ đạo diễn đang dần nổi lên và khẳng định mình hầu hết được đào tạo hoàn toàn “made in Việt Nam” khác với các thế hệ trước đa phần được đào tạo tại nước ngoài. Sản phẩm “F mấy” trong công nghệ đào tạo, nhất là đào tạo nghệ thuật có nhiều khác biệt, chẳng ai dám mạnh mồm khẳng định hơn thua, nhưng nếu chỉ xét ở tiêu chí “lòng tin” để từ đó các đạo diễn được đào tạo trong nước đạt tới thương hiệu cần thiết, hoàn toàn không dễ.

Một trong những lý do được các đạo diễn mới hiện nay đồng thanh “kêu” chính là lòng tin ở thế hệ đi trước, ở các lãnh đạo đơn vị, người có quyền quyết định giao vở, giao việc vẫn rất rụt rè, đắn đo khi lựa chọn họ là người dàn dựng tác phẩm cho đơn vị mình. Nhiều đạo diễn trẻ tự tin khẳng định, thế hệ các anh không thua kém các thầy đi trước, nhưng rất buồn là chẳng ai tin vào họ, dù họ đã có những thành quả nhất định. Vì thế khi phải lựa chọn, các lãnh đạo đơn vị vẫn đắn đo và không tin tưởng, đặc biệt là các vở kịch kinh điển. Những đạo diễn trẻ này cho rằng, các kịch bản kinh điển quá hay rồi, chỉ cần thoại lên đã hay, lại được ăn vận đúng kiểu, có được trang trí tốt thì không thể coi là khó khăn để đạt tới thành công, vậy nhưng rất khó để thuyết phục được các lãnh đạo đơn vị để được nhận trách nhiệm vinh quang này.

Lý giải vì sao đạo diễn trẻ hiếm có được cơ hội thể hiện mình, Giám đốc một nhà hát chia sẻ: Đối với các nhà hát thì mỗi năm vài ba vở đã là cả gia tài nên không ai dám trao vở diễn vào tay những đạo diễn non kinh nghiệm. Để không rơi vào tình trạng “xôi hỏng bỏng không”, các nhà hát thường mời các đạo diễn tên tuổi, đã có uy tín trong nghề. Cứ thế, lớp trẻ bị lấy mất đi cơ hội. Câu hỏi đau đáu của các đạo diễn vẫn là: Sao lại không tin vào chúng tôi?

Tìm cơ hội cho người trẻ

Sinh thời, GS.TS.NSND Đình Quang chỉ ra nhiều khó khăn trong quá trình làm nghề của đạo diễn sân khấu ở Việt Nam, khi cái khó trong đào tạo đạo diễn giỏi như được nhân lên nhiều lần. Đạo diễn là nghề tổng hợp, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, vì thế, muốn giỏi phải đọc nhiều tài liệu, xem nhiều vở kịch hay, được cọ xát với thực tế và phải luôn được tiếp thu những lời đánh giá, góp ý chất lượng. Song môi trường nghệ thuật nước ta không có những điều kiện đó, công chúng ngày càng không mặn mà mua vé vào xem kịch, đạo diễn phần nhiều vấp phải rào cản về ngôn ngữ khi tìm kiếm những điều thiết thực đang đặt ra trong đời sống nghệ thuật, với những vấn đề có quy mô quốc tế.

Phần lớn các đạo diễn hiện nay đang được coi là những gương mặt triển vọng là những người trở thành đạo diễn sau khi đã là những diễn viên giỏi nghề, đem lại lợi thế không nhỏ bởi mọi sự bếp núc sau sàn diễn đã quá quen thuộc, lại có thể thị phạm một cách rành rẽ cho diễn viên, có uy tín và bản lĩnh nghề nghiệp… Những tưởng, tất cả là lợi thế lớn cho công việc mới của họ như giới nghề phân tích, nhưng sự thật thì họ đã gặp rất nhiều khó khăn. Cứ mỗi khi một thế hệ đạo diễn mới ra trường, người ta lại hi vọng rồi… thất vọng. Đã không ít sinh viên đạo diễn có được vở diễn đầu tay đầy ấn tượng rồi… mất tăm. Bởi dù đã được gọi là đạo diễn nhưng cơ hội để làm nghề hoàn toàn chưa thực sự rộng mở đối với những ai chưa tạo được thương hiệu cho mình, nhất là trong vai trò đầy quyết định này.

Ngay trên sân khấu TP Hồ Chí Minh được đánh giá là năng động bậc nhất thì sự đào thải khắc nghiệt của nghề này cũng khiến không ít đạo diễn trẻ nản lòng.

Chỉ vài chục mét vuông sàn diễn nhưng đòi hỏi phải chuyển tải đầy đủ những hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Thật chật hẹp, thật gò bó nhưng cũng rộng lớn đến không ngờ. Song, ở đó vẫn có những người quyết sống chết với nghề, cũng đã có những tấm gương thành công hoặc đang thành công từ xuất phát điểm tương tự như họ… Tất cả những nghịch lý đó, từ ngàn xưa vẫn tồn tại và vẫn song hành cùng sân khấu. Sân khấu có tiếp tục tỏa sáng, tiếp tục trở thành thức ăn tinh thần được ưa thích của công chúng hay không, trông chờ rất nhiều vào sự đổi mới, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của các thế hệ đạo diễn đang tiếp đuốc, thắp sáng ngọn lửa nghệ thuật.

Cao Ngọc