Hòa Bình: Ồ ạt xẻ đồi, bạt rừng xây biệt thự nghỉ dưỡng
Thời gian gần đây, tình trạng xẻ đồi, bạt đất rừng, xây dựng không phép các biệt thự nghỉ dưỡng diễn ra một cách ồ ạt, ngang nhiên trên địa bàn TP Hòa Bình (Hòa Bình).
Những quả đồi, vạt rừng nằm ven hồ, bị đốn hạ, san gạt không thương tiếc để xây dựng hàng loạt những ngôi biệt thự nghỉ dưỡng đắt tiến… đó là những gì đang diễn ra tại xã Mông Hóa thuộc TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).
Sạt lở nhãn tiền
Những ngày đầu năm 2021, PV Báo Đại Đoàn Kết liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của bà con xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) phản ảnh về tình trạng xe chở vật liệu xây dựng, xe chở đất đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh trên địa bàn.
Qua ghi nhận thực tế, những chiếc xe tải cỡ lớn chuyên chở đất đá, vật liệu xây dựng này hoạt động với mật độ dày đặc, ra vào công trường nằm ven QL6. Ở ngay lối dẫn vào, hiện hữu 3 tấm biển quảng cáo cỡ lớn có đề dòng chữ “SAKANA Hòa Bình – Mỗi Công Trình Là Một Tác Phẩm Nghệ Thuật… Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Nghỉ dưỡng Ngoại Ô”.
Lối vào công trường khá ngoằn ngoèo, men theo con đường độc đạo xuyên qua làng với những hộ dân sinh sống. Đi thêm vài trăm mét, hiện ra trước mắt chúng tôi là những con đường đất đỏ bụi mù mới được san gạt. Đường mới làm, lộ rõ nhiều vết nứt to tướng, đất đá sụt lún, bởi do một bên là đồi, bên kia là vực sâu nhìn thẳng xuống hồ Dụ, nên những chiếc cọc tre được cắm khá dày, nhằm cảnh báo phương tiện qua lại.
Đường đất mới làm chạy theo kiểu xoáy trôn ốc qua những quả đồi cũng vừa mới bị máy móc đào xới, bạt phẳng, tới trọc lốc, không còn lấy một… ngọn cây. Từ đây, rất nhiều những taluy âm cao cả chục mét được hình ảnh ven các quả đồi trọc. Qua quan sát, dù đang ở mùa khô, nhưng nhiều vị trí xuất hiện taluy âm này đã bị sạt lở. Và nhiều hộ dân nơi đây lo lắng, nếu bước vào mùa mưa, với hiện trạng đất trống, đồi trọc, liệu họ còn có an toàn?
Qua tìm hiểu, khu vực này đang được san gạt để xây dựng dự án biệt thự nghỉ dưỡng thượng lưu đạt chuẩn 5 sao, mang tên SAKANA Hòa Bình. Diện tích dự án lên tới 12,1 hecta.
Nằm liền kề đó, còn xuất hiện nhiều dự án biệt thự nhà vườn, kết hợp sinh thái trồng rừng, với tổng diện tích trên 40 hecta. Có thể kể tên, như biệt thự nghỉ dưỡng phong cách Nhật Bản Kai Village and Resort (chủ đầu tư là Công ty Zen Việt Nam), diện tích trên 10 hecta, với 112 biệt thự. Hay như khu nghỉ dưỡng Onsen Villas & Resort Hòa Bình, của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật, được quảng bá mật độ xây dựng 20%...
Những dự án này đều cùng có một điểm chung, phần lớn diện tích là đất đồi, đất rừng sản xuất và ôm sát lấy hồ Dụ. Thời điểm chúng tôi có mặt, ngoại trừ SAKANA Hòa Bình, các dự án kể trên đều đã mở cửa đón khách, với những ngôi biệt thự sang trọng được xây dựng theo thế nằm thoai thoải, chạy dọc qua những quả đồi.
Khách mua đối mặt nhiều rủi ro
Do dự án SAKANA Hòa Bình có bảo vệ gác cổng, dựng rào chắn, quây tôn sắt tứ phía, nên sự xuất hiện của người lạ như chúng tôi, sẽ lập tức bị chú ý. Trong vai khách tìm mua biệt thự nghỉ dưỡng ven đô, chúng tôi được 3 nhân viên (gồm 2 nam, 1 nữ) của dự án đưa qua cổng bảo vệ với đầy đủ hệ thống camera tối tân.
Theo lời những nhân viên này, số lượng biệt thự xây dựng tại SAKANA có hạn, gồm 248 căn. Các biệt thự được lấy ý tưởng thiết kế từ chiếc nơm cá, tổ chim và hình nón, vốn là đặc trưng của làng quê Việt Nam. Mỗi căn biệt thự diện tích xây dựng từ 150m2 – 230m2, có giá không hề rẻ, từ 5 – 6,5 tỉ đồng. Nếu khó khăn về tài chính, khách mua có xuống tiền và đóng thành 9 đợt.
Tuy nhiên, khi bàn về phần hợp đồng mua bán, thì 3 nhân viên bán dự án SAKANA Hòa Bình lại đưa cho chúng tôi những bản “Hợp đồng vay vốn”, “Biên bản thỏa thuận”… Theo đó, khách hàng (chúng tôi) là bên cho vay, bên vay (chủ đầu tư) Công ty Cổ phần Nghỉ dưỡng Ngoại Ô, đại diện là ông Nguyễn Thành Trung, chức vụ giám đốc.
Theo tìm hiểu thì đây là chiêu “lách luật” của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nghỉ dưỡng Ngoại Ô, rao bán dự án khi chưa hoàn thành xây dựng hạ tầng, chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng thửa đất.
Nói về dự án SAKANA Hòa Bình đang quảng cáo, rao bán rầm rộ trên nhiều trang mạng xã hội, ông Nguyễn Xuân Phục – Chủ tịch UBND xã Mông Hóa, cho hay: hiện dự án này mới đang trong quá trình, trình các cấp phê duyệt, giấy phép xây dựng cũng chưa có. Chưa hết, đất dự án được một nhóm người đứng ra gom đất từ nhiều hộ dân xã Mông Hóa. Trong đó chiếm phần lớn là đất đồi, đất rừng, phần ít là đất vườn, đất thổ cư.
Về tình trạng rủi ro khi người dân bỏ ra hơn 5 tỉ đồng để mua căn biệt thự xây dựng trên đất đồi, đất rừng, ông Phúc cho biết, mới đây, chính quyền cấp xã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 3 hộ gia đình, ông Kiên, bà Hạnh, bà Thanh do thi công trái phép. Mức tiền xử phạt là 3,5 triệu đồng/hộ. Theo ông Phúc, để tránh rủi ro, cơ quan chức năng cần phải dừng thi công dự án cho tới khi nào được cấp phép giấy xây dựng.
Liên quan tới thực trạng sai phạm đất đai và sự vào cuộc của cơ quan chức năng TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh ở bài sau.