‘Con nhà người ta’
Đây là cụm từ để chỉ những cô bé, cậu bé học giỏi, tài năng… mà các bậc cha mẹ hay lấy đó để làm mục tiêu phấn đấu của con cái mình.
Không cần làm biện pháp so sánh, chỉ riêng việc kể chuyện với giọng đẩy khen ngợi về cô bé A. nhà chị đồng nghiệp học kỳ nào cũng được tuyên dương trước toàn trường vì đạt học sinh giỏi toàn diện hay cậu bé hàng xóm vừa đạt huy chương đồng kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế cũng khiến cậu con trai/con gái của nhà đó cảm thấy đầy bất an, lo lắng. Vui làm sao khi mình đã cố gắng hết sức, cũng đã đạt học sinh giỏi nhưng bố mẹ lại chỉ nhìn thấy con nhà hàng xóm xếp hạng nhất lớp, nhất trường, còn con mình mới ở mức nhất bàn, nhất tổ…
Đây là trường hợp của cô bé học lớp 1, theo tôi biết đã đi học đàn piano từ năm 4 tuổi. Mẹ bé, cũng là chị hàng xóm nhà tôi đã rất sốc khi nhìn phiếu nhận xét của cô giáo cuối học kỳ I vừa rồi với lời nhận xét: Vỗ tay chưa đúng nhịp, con cần cố gắng hơn”.
Vật vã tự hỏi, vì sao hơn 3 năm con đi học đàn với 1 mong muốn duy nhất là tăng khả năng cảm thụ âm nhạc của con lên do bố mẹ không có hiểu biết gì về âm nhạc mà dường như kết quả không hề được cải thiện? Phải chăng những tấm giấy khen xuất sắc ở trung tâm con học đàn 3 năm qua là… trao nhầm? Hay đánh đàn piano không liên quan gì đến môn âm nhạc ở lớp? Đi tìm câu trả lời cho chính mình và con gái, phải chăng hai mẹ con đang đi chệch hướng? Chị tìm đến cô giáo dạy nhạc của con ở trung tâm, liên lạc với cô giáo dạy âm nhạc của con ở trường, trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm lớp của con… để tìm giải pháp thay đổi thay vì nặng lời mắng mỏ cô con gái 7 tuổi của mình.
Nhưng không phải bà mẹ nào cũng chọn cách hành xử này. Một người hàng xóm khác của tôi, khi bị cô giáo phê bình (chung chung, không nhắc tên trước lớp) về kết quả học tập của con kém gần nhất lớp, chị đã về hướng dẫn con… chép bài của bạn bên cạnh để cải thiện kết quả thi. Quả thật, đến kỳ kiểm tra sau, con trai chị đã vượt lên đạt điểm 8. Khi con gái tôi (học cùng lớp với cậu bé này) vô tình hỏi chuyện, cậu thật thà khoe: Tớ chép bài của bạn Xuân bên cạnh như mẹ tớ bảo ý, nhưng viết chậm nên chỉ được điểm 8 thôi. Con gái về kể, tôi phải giải thích với con, đó là việc riêng của bạn, con không được đi kể với người khác. Nhưng cách làm như vậy là không được, nếu con không cố gắng học, tự làm bài của mình mà chỉ trông chờ chép bài của người khác, đến khi cô giáo coi thi chặt chẽ thì con làm thế nào?
Con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ. Dòng chữ in trên giấy mời họp phụ huynh của thầy giáo ở Lạng Sơn gây chú ý dư luận tuần qua chính là lời nhắn gửi đến các bậc cha mẹ hãy quan tâm, trân trọng và đánh giá đúng khả năng của con để có những kỳ vọng, hướng dẫn phù hợp. Không thể cả lớp 50 em đều là học sinh giỏi xuất sắc được. Nếu con bạn có rơi vào số ít những em có kết quả học tập chưa tốt, đừng vội vã mắng mỏ, chê trách, bày tỏ sự thất vọng với con vì chưa được như chúng bạn… Thay vào đó, hãy trò chuyện, lắng nghe một cách thực sự để cùng con tìm giải pháp thay đổi, tốt hơn lên mỗi ngày. Đó mới là cách làm đúng thay vì khen ngợi hay so sánh với “con nhà người ta” sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy tự ti, thất vọng về bản thân mình mà thôi.