Bí quyết nuôi gà 'thái giám' mà các đại gia lùng sục biếu Tết của lão nông Ba Vì

Lê Thư 27/01/2021 07:45

Với hy vọng bảo tồn nguồn gen quý, ông Trịnh Xuân Thức (72 tuổi), xã Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội) vẫn say sưa nuôi gà “thái giám”, cách gọi khác của loại gà Mía này sau khi được lấy "kê" từ lúc còn nhỏ .

Từ niềm đam mê chăn nuôi gà, nhận thấy việc nuôi gà “thái giám” để biếu Tết được nhiều người ưa chuộng, ông Trịnh Xuân Thức, 72 tuổi, xã Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội) đã tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều bí quyết chăn nuôi đem lại hiệu quả vượt trội cho trang trại gà giống của gia đình.

Sau khi nghỉ hưu từ công nhân mỏ địa chất, ông Thức bắt tay vào nuôi giống gà có giá trị cao. Giống gà kén khách chơi nhưng ông chọn lựa để gắn bó.

Thú vui nuôi gà “thái giám” biếu Tết

Gà Mía là loại quý được rất nhiều người biết đến và muốn mua về làm giống, đồ cúng lễ hay quà biếu... Vào các dịp lễ Tết, số lượng người tìm về làng cổ Đường Lâm hay Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội) để hỏi mua giống gà này lại gia tăng.

Gà Mía được tuyển chọn để tế lễ nhất định phải là gà trống thiến. Gà trống thiến là một sản phẩm đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ. Gà phải được nở vào thàng Giêng, thiến gà vào tháng Tư, tháng Năm (âm lịch), vì lúc này thời tiết ấm áp và đã có lúa chiêm, gà ít bệnh, lớn nhanh và lành dễ nuôi.

Gà Mía là một giống gà quý đã từ bao đời truyền lại.

"Có hai cách thiến, đó là thiến khi còn nhỏ (thiến cung) và thiến khi gà đã lớn (thiến moi). Khi gà được khoảng 60 - 80 ngày tuổi, sau khi đã phòng đầy đủ các bệnh và tiêm đủ vaccine tôi lựa chọn những con gà khỏe mạnh, trội nhất trong đàn để làm phương pháp thiến cung. Nếu để ý kỹ, mào khi đã thiến tinh thì rụt lại đi và không to và đỏ. Nếu thiến mẻ thì mào nó sẽ to”, ông Thức nói.

Chỉ với 200 m2 đất nhưng nhờ vào quy trình chăn nuôi khoa học mà trại gà Mía của ông Thức, dù chỉ có 100 con gà Mía mà bất kỳ ai đến thăm trang trại của ông đều phải trầm trồ, thán phục.

Trại nuôi gà Mía của gia đình ông Thức.

Với ông, việc nuôi gà cảnh là đam mê và cũng là một thú vui. Ông Thức chia sẻ: “Nuôi gà cảnh thú vị lắm, tuy chăm sóc có phần vất vả nhưng bù lại sáng nào cũng được nghe chúng gáy, thỏa thích ngắm nhìn bộ lông mượt mà. Nâng niu, vuốt ve chúng cũng thấy vui vui”.

Ông Trịnh Xuân Thức với hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi gà Mía

Ông cho biết: “Mỗi năm tôi bỏ ra khoảng 30-40 triệu tiền vốn, năm nào gia đình tôi cũng chỉ cần thu lại vốn, còn lại thì thịt ăn, cho con cái, biếu họ hàng, làng xóm chứ không tính rõ thu nhập bình quân hàng năm và không đặt nặng vấn đề kinh tế”.

Theo đó, năm nay tuy ông gây giống không nhiều, khoảng 100 con gà nhưng qua sàng lọc, xác suất thất bại thấp, thực hiện đảm bảo đậu cao còn lại 95/100 con. Số gà giống này được nuôi nhốt biệt lập với gà thương phẩm để chúng được thải mái trong sinh hoạt.

Đặc sản gà “ thái giám” có một không hai

Gà thái giám là cách gọi khác của gà trống thiến. Loại gà Mía này sau khi được lấy "kê" từ lúc còn nhỏ và nuôi dưỡng lại càng trở nên giá trị hơn.

Sở dĩ, đặc điểm của loại gà này là lúc nào lông cũng mượt óng ả, mào ngắn vì không còn tính dục như gà thường. Chân của gà "thái giám" rất vàng và nổi bật là 2 hàng chỉ đỏ 2 bên rất dễ nhận biết.

Đặc sản gà 'thái giám" bạc triệu, nhà giàu lùng mua biếu Tết.

Tuy thân hình không lớn nhưng gà Mía được được bán với giá cao hơn hẳn các giống gà khác nhờ hình thức đẹp và thịt có vị thơm, ngon, dai, da gà ăn rất giòn, được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Thức cởi mở.

Gà Mía nuôi thả vườn chỉ ăn ngô, thóc, rau xanh,... nên có sức đề kháng cao, ít bệnh, trọng lượng từ 3kg-4kg, có chất lượng thịt thơm, da giòn, mỡ dưới da ít tỷ lệ thuận với những bước chạy thường ngày, có vị ngọt, đậm đà dai mềm thơm thịt, thịt chắc, màu trắng, da vàng ăn rất giòn, đậm ngọt.

Nói về phương pháp chăn nuôi, ông Thức cho biết, để đảm bảo lưu giữ được giống gà thuần chủng, không giống như nuôi gà công nghiệp là nuôi nhốt và chỉ cho ăn cám, gà Mía phải được nuôi theo phương thức bán chăn thả.

Gà thả vườn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo đó, chuồng trại thoáng mát và có sân chơi để gà chạy nhảy, vận động và tự đào bới, tìm thức ăn, tùy thời điểm bổ sung thêm cám, bắp… để gà đảm bảo chất dinh dưỡng.

Cái khó của việc nuôi gà trống thiến là không thể dùng “công nghệ” để tăng năng xuất và rút ngắn quy trình. Một con gà trống thiến giống Mía thuần thời gian ít nhất cũng phải gần một năm. Có như thế gà thành phẩm mới đạt tiêu chuẩn.

Mặt gà lúc này như gà mái và đầu nhỏ như đầu chim công. Phải đủ mã (lông mao phủ kín mình tía một màu lĩnh, lông vũ dài và óng ánh ngũ sắc), chân phải có cựa dài 3-4 cm…

“Thường thì những năm trước đây, gia đình tôi có gây giống gà cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, vài năm gần đây, vì tuổi cao sức yếu nên vợ chồng tôi đến tận trang trại bán gà Mía giống để mua rồi về chăm sóc, nuôi dưỡng từ 1 ngày tuổi”, ông Thức cười nói.

Giống gà Mía gốc được chăn thả tự nhiên, với quy trình thú ý nghiêm ngặt nên luôn hút khách. Theo ông Thức, những năm trước đây gà chưa đến ngày xuất chuồng đã có thương lái đặt mua, thậm chí “cháy hàng”.

Tuy nhiên, vì chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19, tình hình mua bán dịp cận Tết diễn ra chậm hơn, giá cả vẫn bấp bênh, những người nuôi gà đặc sản như ông Thức nhiều khi vẫn bị thương lái ép giá.

Khi được khoảng 8-10 tháng tuổi, gà đạt trọng lượng 3-4 kg sẽ được xuất bán, giá khoảng 200.000 đồng/kg, giảm 10.000 -20.000 đồng/kg so với những năm trước.

Phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Nói về kỷ niệm buồn trong nghề nuôi gà, ông Thức nhớ đến thời kì đầu, vì chưa nắm chắc kĩ thuật nuôi dưỡng nên mới được 2 tháng cả đàn gà ốm bệnh. Chỉ sau một đêm, tưởng chừng như một trận bão, khoảng 70% đàn gà nhà tôi chết hết, chỉ còn lại vài con”, ông Thức kể.

Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, ông Thức chịu khó tìm hiểu, tích cực tham gia nhiều hội thảo tư vấn chăm sóc để có thêm kinh nghiệm và nắm bắt được kỹ thuật nuôi, đàn gà phát triển tốt và cho tỷ lệ cao.

Ông Thức nuôi gà đảm bảo vệ sinh chuồng trại.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà Mía, ông Thức cho biết: Nuôi gà Mía biếu Tết cái khó là phải có chế độ nuôi dưỡng sao cho gà giữ được thể trạng và mào phải đúng chuẩn. Muốn có được điều này thì người chăn nuôi phải chịu khó, cần cù và am hiểu kỹ thuật nuôi.

Người nuôi gà phải theo dõi thường xuyên biểu hiện của đàn gà, cho ăn uống đủ chất. Ngoài ra, đàn gà phải được tiêm phòng theo định kỳ. Xung quanh chuồng và trong chuồng phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên.

Gà Mía khá mẫn cảm với tồn dư thuốc bảo vệ thức vật trong ăn, uống, nếu có điều kiện, người chăn nuôi cần cho “gà ăn chín, uống sôi”. Theo đó, thức ăn như bắp, thóc phải được đun nấu để loại bỏ tồn dư các chất độc giúp gà dễ tiêu hóa, hấp thụ, nước uống phải thật sự sạch và được bố trí cao ráo để gà sử dụng, có như vậy mới đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn gà”, ông Thức bật mí.

Gà đến giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng, nên bà Đặng Thị Tám ( vợ của ông Thức) chủ yếu cho gà ăn ngô hạt.

Để phòng bệnh cho gà Mía, cần tiêm phòng vaccine đầy đủ cho chúng. Khi gà 1 ngày tuổi thì tiêm phòng bệnh Marek, Rumboro và dịch tả bằng cách nhúng ngập mũi. Khi gà 10 ngày tuổi thì phòng bệnh Gumboro cho gà bằng cách nhỏ mũi.

Giai đoạn này cũng là thời gian cần phòng bệnh đậu gà bằng cách tiêm xuyên da cánh gà. Khi gà 21 ngày tuổi, cần phòng bệnh dịch tả cho gà thông qua việc cho gà uống hoặc là nhỏ mũi. Giai đoạn gà 56 ngày tuổi bà con phòng bệnh dịch tả cho gà bằng cách cho gà uống vaccine, ông Thức nói thêm.

Lê Thư