Cách giữ ấm cổ họng khi trời trở lạnh

P.Vân (tổng hợp) 27/01/2021 10:00

Những đợt không khí lạnh liên tục tràn về, nhiệt độ ngoài trời giảm, bạn rất dễ bị viêm họng nếu không biết cách giữ ấm cổ họng.

Trời lạnh khi ra đường cần đeo khẩu trang, quàng khăn cổ, đeo găng tay để giữ ấm cơ thể.

Dưới đây là một số cách giúp bạn giữ cho cổ luôn ấm trong mùa đông.

Quàng khăn ấm

Một chiếc khăn quàng là giải pháp cần thiết để giúp bạn luôn giữ cổ ấm áp trong mùa đông. Khăn quàng cổ có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như len, lụa, tơ tằm, chinfon, nhung, dạ…

Mỗi chất liệu có khả năng giữ ấm khác nhau, bạn nên căn cứ vào thời tiết để lựa chọn khăn quàng phù hợp. Những ngày chớm lạnh, bạn có thể quàng khăn lụa, voan mỏng. Khi nhiệt độ giảm sâu, bạn nên quàng khăn dạ, khăn len để đảm bảo cổ luôn được giữ ấm.

Bạn cần lưu ý là các loại khăn làm từ len, nhung, dạ… rất dễ bị giãn, xù, cần giặt và bảo quản đúng cách để khăn không bị giãn, hỏng mà vẫn giữ nguyên tác dụng giữ ấm như lúc mới mua.

Mặc áo kín cổ

Nếu bạn cảm thấy việc quàng khăn là vướng víu, những chiếc khăn to sụ cũng sẽ khiến những cô nàng "nấm lùn" trông lùn hơn đi thì bạn có thể thay thế việc quàng khăn bằng những chiếc áo cao cổ. Áo cao cổ vừa thời trang, vừa giúp bạn có thể giữ ấm cổ, tránh sự xâm nhập của những cơn gió lạnh độc.

Đeo khẩu trang khi ra đường

Mũi và cổ họng có liên quan mật thiết tới nhau. Nếu để mũi nhiễm lạnh thì sẽ xảy ra hiện tượng sổ mũi. Nước mũi khi đặc quánh thì sẽ tập trung ở cổ họng thành đờm khiến cổ họng đau rát và có thể xuất hiện kèm theo những cơn ho.

Bởi thế, bảo vệ mũi cũng là cách bảo vệ cổ họng hữu hiệu. Tốt nhất, khi ra đường những ngày trời lạnh, bạn nhất định phải đeo khẩu trang vừa để giữ ấm cho mũi lại vừa tránh hít phải bụi bẩn ô nhiễm.

Nhiệt độ phòng phù hợp

Khi ngủ, cơ thể bạn mất nhiệt, sẽ rất dễ nhiễm lạnh nếu nhiệt độ phòng không đủ ấm. Tuy nhiên, nếu bạn để nhiệt độ phòng quá cao, chênh lệch nhiều với nhiệt độ thấp ngoài trời thì khi bước ra khỏi phòng, cơ thể bị sốc nhiệt, cũng rất dễ khiến bạn bị nhiễm lạnh, sổ mũi, viêm họng. Nhiệt độ phòng ngủ lý tưởng là ở mức 25 - 27 độ C.

Hạn chế ăn uống đồ lạnh

Nhiều người thích ăn, uống những món đồ như kem, đồ đá xay trong ngày trời lạnh. Tuy nhiên, việc này có thể khiến cổ họng của bạn bị nhiễm lạnh, sưng, đau rát. Vì thế, bạn nên hạn chế đồ uống, đồ ăn lạnh khi trời rét. Thay vì một cốc sinh tố đá xay, một ly kem thì một ly trà gừng ấm nóng, một cốc ca cao hoặc sữa nóng sẽ phù hợp hơn.

Các thói quen có lợi cho cổ họng

Vào buổi sáng, bạn nên nhai vài lá bạc hà. Loại lá này có chất khử trùng tự nhiên nên sẽ góp phần bảo vệ cổ họng của bạn trước sự tấn công của các loại vi khuẩn. Bạn cũng có thể trộn khoảng 3 – 4 g nước ép củ gừng tươi và 5 ml mật ong với nhau. Uống hỗn hợp này vào mỗi buổi sáng, sau khi đánh răng sẽ giúp bảo vệ cổ họng cả ngày.

Vào buổi tối, bạn nên tập thói quen súc miệng bằng nước muối ấm trước khi đi ngủ. Việc này giúp tẩy sạch cổ họng và miệng, đồng thời giúp bảo vệ cổ họng trước nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống nửa cốc nước nóng hòa với 5 g muốivà một nhúm bột nghệ vào mỗi tối để bảo vệ cổ họng.

Cách mặc quần áo ấm cho trẻ ra ngoài khi trời lạnh

Theo chia sẻ của bác sĩ Phí Xuân Thi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, có một số quan niệm là trời lạnh hay tiếp xúc với không khí lạnh có thể làm cho trẻ ốm - bệnh. Đó có thể là trở ngại cho các bậc cha mẹ khi quyết định cho con vui chơi ngoài trời. Tuy nhiên, nếu giữ ấm đúng cách và vệ sinh tốt cho trẻ, thì không nhiết thiết phải hạn chế các vận động ngoài trời của trẻ.

Nhiệt độ cơ thể sẽ mất rất nhanh nếu phần cơ thể của chúng ta tiếp xúc trực tiếp với không khí. Nhiều bậc cha mẹ không biết mặc thế nào cho con đủ ấm, đôi khi mặc nhiều quá làm trẻ quá nóng, hoặc mặc chưa đúng cách khiến trẻ khó vận động hoặc chơi các trò chơi ngoài trời.

Nguyên tắc của việc mặc giữ ấm là chúng ta nên mặc thành nhiều lớp. Nhiều lớp mỏng tốt hơn một lớp dày. Vì mặc nhiều lớp sẽ tạo ra nhiều lớp giữ nhiệt và hạn chết mất nhiệt ra ngoài môi trường. Luôn mặc cho trẻ nhiều hơn một lớp quần áo so với người lớn trong cùng một điều kiện.

Tùy theo tình trạng thời tiết, nhiệt độ mà chúng ta mặc bao nhiêu lớp áo cho trẻ. Nếu mặc tất cả các lớp vào, có thể dẫn đến trẻ đổ mồ hôi ( khiến trẻ lạnh hơn) và mất nước làm trẻ khó chịu.

Thường xuyên kiểm tra lưng, hay mồ hôi ở trẻ.

Nếu trẻ vận động nhiều, hay chơi trò chơi ngoài trời. Chúng ta có thể cởi bỏ 1 - 2 lớp ra để khiến trẻ không quá nóng khi vận động. Có thể mặc lại sau khi dừng lại.

Chúng ta có sử dụng balo - túi để đựng mũ, găng tay - chân cho trẻ. Chỉ dùng khi có nhu cầu.

Trời lạnh, khô, độ ẩm thấp khiến cơ thể phải sinh nhiều nhiệt hơn, mất nước nhiều hơn, sẽ làm trẻ lạnh hơn. Bổ sung nước ấm thường xuyên cho trẻ và có thể cho trẻ ăn những bữa ăn nhẹ bổ sung năng lượng.

Có thể sử dụng một vài loại túi ấm cho trẻ.

Đối với trẻ nhũ nhi, cần đặc biệt chú ý tới quần áo, khăn che bít đường thở của trẻ.

Không nên mặc quần áo quá chật hoặc quá rộng. Nó sẽ ảnh hưởng tới quá trình vận động và giữ nhiệt ở trẻ em.

P.Vân (tổng hợp)