Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Chiều 27/1, trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Trước bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng và linh hoạt.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2020, trước bối cảnh doanh nghiệp và người dân chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, NHNN là một trong những bộ ngành vào cuộc rất sớm, cắt giảm lãi suất điều hành 3 lần, là NHTƯ giảm lãi suất điều hành mạnh nhất so với các nước trong khu vực. NHNN kịp thời ban hành văn bản cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán; cho vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động…
Đây là những giải pháp kịp thời và rất thiết thực khi doanh nghiệp và người dân khó khăn trong việc trả nợ, không có đủ nguồn tiền để trả lương do sụt giảm nguồn thu. Các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của NHNN đã góp phần phục hồi kinh tế, đưa nước ta trở thành một trong số ít các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dương trên thế giới trong năm 2020.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong cả giai đoạn, lạm phát bình quân luôn được kiểm soát ở mức dưới 4%, theo đúng chỉ tiêu Quốc hội đề ra và thấp hơn nhiều so với mức bình quân của giai đoạn trước. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 2,5%/năm kể từ năm 2017 đến nay.
Tính chung, mặt bằng lãi suất cho vay trong 5 năm qua giảm 3,7% so với giai đoạn 2011-2015, thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao; tình trạng đô-la hóa giảm dần, niềm tin vào đồng Việt Nam ngày càng được nâng lên… Đây là những yếu tố củng cố niềm tin của nhà đầu tư, góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Về tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đã điều hành mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, đi đôi với kiểm soát lạm phát. Cụ thể, từng bước chuyển dịch dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (tam nông, đối tượng chính sách, hỗ trợ giảm nghèo); hướng tới kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế.
Liên quan đến hoạt động thanh toán, theo bà Hồng, đây là lĩnh vực đạt được những bước tiến lớn về chất lượng, sản phẩm. Đáng chú ý là thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh; phát triển ngân hàng số, công tác an toàn an ninh được đảm bảo…
“Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, NHNN đã cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu từng bước hiệu quả. Sở hữu, đầu tư chéo được quan tâm xử lý, tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng được kiểm soát. Nợ xấu được triển khai xử lý đồng bộ, cùng với hạn chế nợ xấu mới phát sinh”, Thống đốc khẳng định.
Nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, Thống đốc Ngân hàng nhận định, trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và có độ mở kinh tế lớn, với tác động tiêu cực và chưa có hồi kết của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân tiếp tục khó khăn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Từ thực tế trên bà Hồng khẳng định: Toàn hệ thống Ngân hàng sẽ quyết tâm để tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
“NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; Tín dụng mở rộng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động”, bà Hồng cho biết