Tìm cơ hội cho phim tài liệu
Từ việc kén khán giả và thường chỉ được chiếu trên truyền hình, phim tài liệu đang dần mở rộng phạm vi phục vụ cũng như khẳng định được thương hiệu của mình.
Tạo “cơn sốt” mới
Trong những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển của phim điện ảnh, phim truyền hình không thể phủ nhận phim tài liệu đang dần khẳng định chỗ đứng trong lòng khán giả. Ở đó, ghi nhận việc nhiều nhà làm phim trẻ đã mạnh dạn xây dựng kịch bản, dựng phim, tìm nguồn tài trợ thậm chí lan toả các tác phẩm tại các LHP trong nước và quốc tế.
Gần đây nhất, tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 11 đã có 12 bộ phim Việt Nam tham dự trong đó có 2 bộ phim của các tác giả độc lập. Cũng tại LHP này, bộ phim “Người mẹ” của đạo diễn Đoàn Hồng Lê và tác phẩm “Cống ngầm” của đạo diễn Hương Na Nguyễn cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Trước đó, tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 10 (năm 2019) có 15 phim của Việt Nam tham gia. Trong đó, không chỉ riêng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, mà mở rộng phim của Đài Truyền hình Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam, các tác giả độc lập. Nhiều phim đã đoạt giải thưởng cao như “Hãy nhớ: Bạn đang sống” (Cánh diều vàng 2018), “Một giải pháp chống xói lở bờ biển” (Bông sen vàng 2017), “Trầm cảm sau sinh” (Cánh diều vàng 2018).
Đề tài phim cũng đa dạng, như về lịch sử - “Chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh”; văn hóa truyền thống - “Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài”, “Đàn bầu kể chuyện”… Chưa dừng lại ở đó, một số tác phẩm còn chinh phục khán giả tại các rạp chiếu thương mại, gây tiếng vang, như “Lửa Thiện Nhân”, “Đáng sống” của đạo diễn Đặng Hồng Giang; “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (Nguyễn Thị Thắm) hay trong năm 2020 có “Đoạn trường vinh hoa” (Lê Mỹ Cường – Thanh Nguyễn), “Màu cỏ úa” (Lan Nguyên)...
Theo đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương cho rằng, có được sự thành công này là do nội dung phim hay, phù hợp với công chúng và có cách làm, quảng bá tốt. Với phim tài liệu của hãng hiện nay, khâu quảng bá gần như chưa có gì.
NSƯT Trịnh Quang Tùng cũng chia sẻ thêm, cách đây mấy năm Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương cũng đưa phim “Chuyện ngày hôm qua” ra rạp. Số tiền thu được tuy không lớn, chỉ đủ bù đắp cho việc tổ chức và ủng hộ từ thiện nhưng việc đó cũng mở ra hướng kinh doanh phim tài liệu. Từ bước đệm đó, chúng tôi thấy phim tài liệu có cơ hội để bán vé. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi đang đầu tư để thực hiện một số bộ phim với định hướng là đưa ra rạp kinh doanh trong thời gian tới.
Tìm hướng đi hiệu quả
Mặc dù nhà làm phim tài liệu thường không đặt nặng doanh thu ngay từ lúc bắt đầu dự án nhưng sự đón nhận ngày càng nồng nhiệt của khán giả là tín hiệu tích cực cho thể loại này ở thị trường phim Việt. Tuy nhiên, để phim tài liệu có nhiều cơ hội hơn để ra rạp cũng đặt ra những thách thức cho các nhà làm phim. Đó là đề tài có thực sự được nhiều người quan tâm? Cách làm có gì mới? Hiệu quả xã hội như thế nào? Tiếp theo là xin phép phổ biến phim, tìm đối tác phát hành và tính toán yếu tố thương mại...
Không những vậy, khái niệm làm phim của nhiều đạo diễn trẻ hay các nhà làm phim độc lập hiện nay vẫn đặt nặng yếu tố là để thoả đam mê. Phần lớn phim tài liệu của Việt Nam lâu nay thường chỉ chú trọng lời bình, ít hình ảnh. Đề tài phim thường loanh quanh, cách thể hiện sáo mòn, quan điểm trong phim dựa vào quan điểm số đông. Người làm phim chưa thực sự dũng cảm, quyết liệt với điều mình định làm, quá trình đi thực tế còn hời hợt, đơn giản, phiến diện… Nhiều bộ phim được đánh giá cao tại các LHP trong nước thường có chủ đề truyền thống cách mạng, về vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người. Mặc dù mỗi bộ phim đều có giá trị riêng, nhưng nếu nhìn vào một danh sách “na ná” nhau về chủ đề dẫn đến việc thiếu đi sự bứt phá mang tính dấu ấn và những vấn đề mà xã hội, thời đại đang cần.
Thậm chí, theo nhà làm phim độc lập việc gắn kết các dự án với các tổ chức xã hội còn khá “lỏng lẻo”. Nhà làm phim độc lập không biết “gõ cửa” những tổ chức phù hợp, hoặc tổ chức xã hội không kết nối được với nhà làm phim có cùng tâm huyết.
Đơn cử như bộ phim “Đi tìm Phong” của (Trần Phương Thảo - Swann Dubus) dù gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế nhưng không có nhà phát hành Việt Nam nào quan tâm đưa về chiếu ở quê nhà. Bản thân đạo diễn đã “gõ cửa” khắp nơi và cuối cùng phim được các nhà phát hành lớn như CGV, Galaxy, Lotte, Cinestar hỗ trợ 2 suất chiếu ở Viện Trao đổi văn hóa Pháp (IDECAF) với 450 khán giả. Một phần nguyên nhân là dung lượng hầu hết phim tài liệu của chúng ta ngắn, chỉ khoảng 30-45 phút/phim, trong khi phim chiếu rạp tiêu chuẩn thường 80-120 phút.
Nhìn nhận về thực trạng này, đạo diễn Đặng Linh cho rằng, điện ảnh luôn đòi hỏi sự đổi mới và bản thân chị cũng luôn đặt ra mục tiêu mỗi tác phẩm của mình phải có cách kể, cách làm khác. Đạo diễn Đặng Linh cũng cho rằng, làm phim tài liệu là sự dấn thân, không chỉ đi vào những nơi hiểm nguy, khó khăn mà còn phải kiên trì, đeo bám, thuyết phục nhân vật bộc lộ. Khi đã quyết định làm phim là luôn trong trạng thái sẵn sàng, bởi nhân vật, tình huống, sự kiện không chờ và không cho phép người làm phim chần chừ một giây phút nào.
Có thể nói, việc làm phim tài liệu là một con đường chông gai nhưng cơ hội để được thể nghiệm, chịu trách nhiệm về chính sản phẩm của mình sẽ rộng mở hơn đối với các nhà làm phim trẻ, đam mê sáng tạo. Đó là con đường gian nan nhưng cũng đầy các dấu chân hăm hở của những người làm phim trẻ Việt nam.