Tăng cường đoàn kết tôn giáo trong đồng bào Tây Nguyên
Chiều 29/1, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa hoc cấp bộ “Tôn giáo vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay – một số vấn đề cần quan tâm và kiến nghị các giải pháp tăng cường đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực dự và chủ trì Hội nghị.
Báo cáo Hội đồng nghiệm thu, TS Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết, việc nghiên cứu vấn đề tôn giáo nổi bật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có tính chất cấp bách nhằm đưa ra kiến nghị, giải pháp tăng cường đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Từ ý nghĩa đó, đề tài đã tập trung nghiên cứu trên cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn để nâng cao hiệu quả vận động, tập hợp, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ các tỉnh Tây Nguyên, hướng tới thực hiện đồng bộ các quan điểm và hệ thống các giải pháp toàn diện liên quan đến nhiều lĩnh vực và nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương, đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tôn giáo khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội nghị, Đề tài đã được các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và tâm đắc về tính cấp thiết, tính khoa học trong lập luận và đưa ra nhiều góp ý tâm huyết để nhóm nghiên cứu tham khảo và hoàn thiện đề tài, nhằm đảm bảo tính khả thi và nâng cao giá trị sử dụng từ nội dung nghiên cứu của đề tài trong thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá cao trách nhiệm, tính chủ động của Ban Chủ nhiệm đề tài trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện đề tài.
Từ những ý kiến đóng góp, phản biện của các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu để hoàn thiện, bổ sung các nội dung, rà soát lại tổng thể các chính sách, quy định có liên quan thuộc lĩnh vực các ban, đơn vị phụ trách để đề xuất quan điểm định hướng và các nhóm giải pháp đối với vấn đề tăng cường đoàn kết tôn giáo và hoạch định chính sách tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Trên cơ sở thảo luận, đánh giá khách quan, Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài loại Khá.