Chạy đua với thời gian
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngày 28/1/2021 là ngày ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất từ trước đến nay. Trong đợt dịch này (tính từ đêm 27/1), đã có 5 địa phương ghi nhận các ca bệnh trong đó Hải Dương có nhiều ca mắc nhất, tiếp đó là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh.
Khác với những lần bùng phát dịch trước, lần này được cho là tốc độ lây lan của SARS-CoV-2 nhanh hơn nhiều, vì biến thể mới của chủng virus này có khả năng lây nhanh hơn tới 70%. Cũng chính vì thế, nên việc dập dịch phải được tiến hành nhanh hơn, quyết liệt hơn. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta phải có những biện pháp nhanh hơn virus này, nhanh hơn trước đây và quyết tâm phấn đấu 10 ngày sẽ dập tắt dịch.
Quyết tâm đó đã được triển khai gấp rút trong thực tế: Trong vòng 24 giờ từ khi có thông tin ca nhiễm mới, Bộ Y tế đã cấp tập tổ chức 4 cuộc họp.
Còn tại các địa phương có ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như các trường hợp tiếp xúc (F1,F2,F3), việc khoanh vùng, truy vết, mở rộng xét nghiệm đã được tiến hành một cách hết sức khẩn trương. Các mẻ xét nghiệm liên tục hoàn thành.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có 3 nguồn chính lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19 tại các ổ dịch mới bùng phát. Đầu tiên là mầm bệnh trong cộng đồng. Nếu làm tốt các biện pháp phòng dịch, mầm bệnh này sẽ được phát hiện ngay.
Thứ hai là người nhập cảnh hợp pháp, được đưa vào cách ly. Phải làm rất chặt chẽ ở khâu này. “Chúng tôi yêu cầu thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày, thay vì 14 ngày”, Phó Thủ tướng nói.
Và thứ ba là nguồn nhập cảnh bất hợp pháp. Do đường biên giới của nước ta rất dài, việc ngăn chặn nguồn bệnh này không chỉ phụ thuộc lực lượng chức năng mà toàn dân phải vào cuộc. Phát động toàn dân ai có người nhà ở nước ngoài phải nhập cảnh cách ly. Nếu trên địa phương ai có dấu hiệu từ nước ngoài về thì khai báo.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương quản lý thật chặt 3 nguồn có thể lây nhiễm này. Chúng ta có kiểm soát được dịch hay không phụ thuộc vào các địa phương. Nếu làm tốt, phòng ngừa tốt có thể dâp dịch ngay được. Ngược lại, nếu không làm tốt khoanh vùng, dập dịch từ đầu thì hậu quả sẽ hết sức khó lường.
Về “tấm lá chắn” dịch bệnh là hệ thống bệnh viện, kinh nghiệm cho thấy nếu bệnh viện trở thành ổ dịch thì tình hình sẽ hết sức căng thẳng. Chính vì thế, việc lúc này là phải giữ an toàn cho bệnh viện. “Chủng này lây rất nhanh. Do đó phải giữ chặt hệ thống y tế và bệnh nhân nền. Tuyệt đối không để như Đà Nẵng”, Phó Thủ tướng yêu cầu đồng thời cho rằng nếu với Đà Nẵng, chúng ta mất 23 ngày để dập dịch “thì giờ đây con virus này dù nhanh hơn, chúng ta phải nhanh hơn nó, nhanh hơn trước và quyết tâm phấn đấu 10 ngày sẽ dập tắt dịch”.
Chạy đua với thời gian, trong 2 ngày qua, các địa phương xuất hiện ca mắc mới hoặc có đối tượng tiếp xúc với ca nhiễm, có người trở về từ vùng có dịch đều kích hoạt hệ thống phòng chống dịch theo tinh thần chạy đua với thời gian.
Điều này đem đến niềm tin cho xã hội rằng chúng ta sẽ nhanh chóng phát hiện ca bệnh mới, xử lý được rất sớm, chặn đứng con đường lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, diễn biến dịch bệnh là rất phức tạp và nguy hiểm, vì nó đã có ở nhiều tỉnh thành cùng một lúc.
Bộ Y tế có thể dồn lực với những chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm cho một hai điểm (như trong trường hợp Đà Nẵng trước đây), hay Hải Dương hiện nay; nhưng cũng không thể làm được như vậy với nhiều địa phương cùng một lúc.
Vì thế, sự chủ động, quyết liệt của mỗi địa phương là hết sức quan trọng. Kể cả những địa phương chưa phát hiện ca lây nhiễm mới thì cũng phải có kế hoạch, có kịch bản đề phòng ngay từ bây giờ. Nếu chỉ ngồi chờ dịch đến thì lúc đó sẽ hết sức khó khăn.
Cũng như những lần dập dịch trước, toàn dân đồng lòng cùng vào cuộc. Điều đó đem lại chiến thắng cho đất nước trước đại dịch Covid-19, trong khoảng thời gian 1 năm kể từ khi dịch từ bên ngoài vào nước ta. Thì nay, cho dù biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều đi chăng nữa, nhưng nếu mỗi người mỗi nhà nâng cao cảnh giác, triệt để thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ, thì nhất định sẽ kiểm soát, khống chế được nguồn lây của dịch.
Vì thế, chạy đua với thời gian, cùng với các biện pháp mạnh mẽ của chính quyền, của ngành Y tế thì rất cần sự vào cuộc của toàn thể người dân.
Tết Nguyên đán đã đến rất gần, cuộc chạy đua này càng phải gia tăng tốc độ, dốc hết sức để đạt mục tiêu: trong vòng 10 ngày sẽ dập tắt được dịch như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói vào chiều ngày 28/1 mới đây.