Giám sát khi kiểm soát khí thải xe máy
Xung quanh đề án, chương trình nghiên cứu thí điểm về kiểm soát khí thải từ các phương tiện xe cơ giới đang lưu hành trên địa bàn TP HCM, các chuyên gia khuyến nghị cần có sự tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến của nhiều phía. Đặc biệt là ý kiến từ chính người dân là người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chương trình, đề án trên…
Cần lộ trình cụ thể
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM là đơn vị tham mưu cho UBND TP HCM về chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố.
Trong giai đoạn chuẩn bị từ năm 2021 đến năm 2022, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trên địa bàn về chính sách kiểm soát khí thải. Các giai đoạn sau đó sẽ tiến hành việc kiểm soát thử nghiệm đối với các phương tiện mô tô, xe máy, tiến đến việc phân vùng khu vực áp dụng kiểm soát khí thải từ các phương tiện này. Khi đó, chỉ các phương tiện có mức độ khí thải (mức 2) theo TCVN6438-2018 mới được lưu thông, các trường hợp không đạt chuẩn sẽ bị phạt hành chính.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An, Sở này vừa báo cáo kết quả thực hiện chương trình thí điểm lên UBND TP để làm cơ sở đề xuất HĐND TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm kiểm soát khí thải của xe máy, mô tô đang lưu hành hiện nay, trước khi tiến hành các giai đoạn tiếp theo kể trên.
Cũng theo ông An, nguồn phí thu được từ đề án, chương trình trên sẽ đưa về nguồn thu lớn, với tổng nguồn thu trong sáu năm ước đạt khoảng gần 2.200 tỷ đồng. Trong đó, khoản chênh lệch gần 1.600 tỷ đồng sẽ nộp vào ngân sách nhà nước nhằm phục vụ tái đầu tư lại đề án và chi cho các chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp,…
Mặc dù đem đến nhiều kỳ vọng, tuy nhiên đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cũng nhìn nhận đề án, chương trình kiểm soát khí thải xe máy, mô tô sẽ ít nhiều tác động khá lớn đến cuộc sống của đại bộ phận người dân. Bởi vì, qua khảo sát giai đoạn 1 cho thấy có đến 70 – 80% người dân sinh sống trên địa bàn thành phố có xu hướng xử dụng loại phương tiện này để di chuyển và mưu sinh.
Do đó, khi đến giai đoạn triển khai việc kiểm soát khí thải đột ngột, nếu không có sự hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan nhà nước thì chắc chắn sẽ khiến đảo lộn và gây khó khăn đối với cuộc sống mưu sinh của nhiều người dân.
Do sự quan trọng của đề án trên, từ đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đã giao Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể đối với từng địa phương về các giai đoạn của đề án. Hiện nay, TP HCM cũng đang tiếp tục chờ Bộ GTVT hướng dẫn khung cơ sở pháp lý chặt chẽ và đồng bộ trên toàn quốc để từ đó vận dụng vào tình hình thực tiễn của địa phương.
Thận trọng vì tác động đến sinh kế của người dân
Để người dân và xã hội đồng tình, nhiều chuyên gia góp ý với Sở GTVT về hướng tuyên truyền sâu rộng, có sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội để vận động người dân tự nguyện kiểm tra, kiểm soát khí thải phương tiện.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, đồng thời có nhiều năm kinh nghiệm tại Hội đồng Tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thành phố khuyến nghị về giải pháp tiến hành có lộ trình đối với đề án và tương ứng với từng giai đoạn cụ thể, tránh đột ngột gây sốc đối với cuộc sống mưu sinh của người dân.
Trong khi tuyên truyền cho người dân hiểu về mức độ ô nhiễm không khí từ phát thải xe cơ giới hiện nay, cũng cần giải thích cặn kẽ về mục tiêu chung của cả nước trong việc bảo vệ môi trường, giảm khí thải và các nguồn phát thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo KTS Nguyễn Văn Biểu, việc thực hiện kiểm soát khí thải ô nhiễm từ phương tiện xe cơ giới là điều cần làm từ lâu, trước các tác động rất lớn đến ô nhiễm không khí và hiệu ứng nhà kính, nhất là biến đổi khí hậu ngày càng có chiều hướng phức tạp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia đô thị này thì cùng với việc thực hiện chương trình, đề án, chính quyền thành phố nhất thiết phải có các dự thảo chính sách hỗ trợ phù hợp với những người sử dụng xe cơ giới hiện nay, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Điều này sẽ giúp quá trình triển khai đề án đảm bảo bền vững và tránh gây xáo trộn đến cuộc sống mưu sinh của họ.
Trong khi đó, Kỹ sư Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Phát (TP HCM) góp ý việc triển khai chương trình trong giai đoạn 2 như đề án nêu (2023-2024) cần tiến hành song song với các kết quả đánh giá và khảo sát thực tế.
Hơn nữa, các nội dung về tiêu chuẩn khí thải được phép lưu hành hoặc quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trên cần được nghiên cứu bổ sung hoàn thiện vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Điều này để tránh các chồng chéo về quy định và cơ sở pháp lý triển khai đề án, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thành phố.
Nhiều ý kiến đồng tình về chủ trương thu hồi xe cũ nát đang được Bộ Tài nguyên - Môi trường dự thảo đề án. Theo ước tính, riêng trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 67.000 chiếc. Tuy nhiên, cũng như với chương trình về kiểm soát khí thải xe máy thì dự thảo kể trên chắc chắn cũng cần phải có lộ trình bền vững, vì đây là các phương tiện mưu sinh của người nghèo ở đô thị.Nếu thành phố không có những chính sách hỗ trợ đi kèm thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của không ít người.