Khi người dân được quyền giám sát
Quảng Ninh đang trên đà phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, nhiều dự án hạ tầng lớn nhỏ được triển khai. Nhưng cũng từ đó, nhiều vấn đề trong chính sách, cuộc sống nảy sinh. Những năm gần đây, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã tích cực vào cuộc giám sát, phản biện nhiều vấn đề “nóng” trong cuộc sống; đặc biệt kể từ khi phát hiện ca Covid-19 mới trong cộng đồng (ngày 27/1). Điều đó đã góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền kịp thời điều chỉnh những văn bản, chính sách trước khi ban hành; triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng được triển khai. Các dự án đem lại cho Quảng Ninh một diện mạo mới, khang trang, hiện đại hơn. Tuy nhiên, mỗi khi triển khai dự án, lại phải tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Điều này liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, nên dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp. MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã tích cực thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân khi bàn giao mặt bằng.
Điển hình như huyện Tiên Yên, nơi phải thu hồi đấy phục vụ dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ngay từ khi mới bắt đầu triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thống nhất với UBND huyện Tiên Yên rà soát sơ bộ và phối hợp với cán bộ xã, thôn hướng dẫn nhân dân viết đơn đề nghị cho từng trường hợp (có mẫu đơn sau khi đã thống nhất). Sau này các phòng, ban của huyện chỉ tổng hợp lại và làm báo cáo chung đề xuất với tỉnh.
Cùng với đó, UBND các xã vẫn tiếp tục xác định nguồn gốc đất để hoàn thiện các phương án thu hồi, giải tỏa, đền bù; phấn đấu hoàn thành dự án và đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân sau bàn giao. Tại các xã như: Đông Ngũ, Đông Hải, Tiên Lãng…, quá trình giám sát, kiểm kê tài sản diện tích đất, hoa màu đều mời đại diện gia đình tham gia.
Quy trình thực hiện còn được công khai trên hệ thống loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở của UBND các xã và nhà văn hóa các thôn để người dân có thể kịp thời theo dõi và nắm bắt thông tin. Hoạt động này giúp người dân yên tâm nhận đền bù và bàn giao mặt bằng.
Trong giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, huyện Vân Đồn là địa bàn hoàn thành công tác sớm nhất. Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Đồn Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, để đạt được kết quả này, cán bộ hội vừa tuyên truyền vận động vừa giải đáp những thắc mắc, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân.
Năm 2020 Quảng Ninh cũng là địa bàn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh thống kê có 66 nghìn người được hỗ trợ với số tiền 71 tỉ đồng. Ngay lập tức, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức giám sát việc thực hiện tại những điểm chi trả chế độ hỗ trợ, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra hồ sơ, quy trình chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng và nắm tình hình tư tưởng của người được nhận hỗ trợ. Do đó, dù đối tượng được hỗ trợ đông, nhưng Quảng Ninh đã không để xảy ra sai sót. Điển hình cho công tác giám sát là TP Hạ Long. Toàn thành phố có gần 19.000 người nằm trong danh sách được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hoành Bồ (TP Hạ Long), chia sẻ: MTTQ phường đã tổ chức đoàn giám sát trực tiếp tại điểm chi trả chế độ: Hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Đồng thời, kiểm tra hồ sơ, quy trình chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, nắm tình hình tư tưởng của người được nhận hỗ trợ. Công tác giám sát đảm bảo tính khách quan, công tâm, trách nhiệm; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng, trục lợi chính sách.
MTTQ tỉnh đã chủ động vào cuộc, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề được dư luận quan tâm. Nổi bât như MTTQ tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân (từ năm 2017 đến năm 2019); giám sát “việc thực hiện một số kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh từ năm 2016 đến năm 2019” tại 8 đơn vị, địa phương…
Trong năm, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì triển khai, tổ chức giám sát một số nội dung như: Giám sát thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại 6 địa phương: Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô.
Giám sát thường xuyên, không báo trước vào thứ 5 hàng tuần công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền tại các đơn vị cấp xã; giám sát việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 tại các địa phương... Ngoài hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở cấp tỉnh, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng diễn ra sôi nổi ở cấp huyện, cấp xã.
Công tác phản biện xã hội là một nội dung mới, nhưng trong năm 2020 vừa qua, MTTQ tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức phản biện bằng văn bản 3 dự thảo Đề án của tỉnh, tham gia 18 dự thảo các nội dung khác do các ngành cấp tỉnh xin ý kiến; tham gia 12 cuộc đối thoại của UBND tỉnh và các ngành giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân...
Để công tác giám sát, phản biện xã hội đạt kết quả cao, ngoài nỗ lực của cán bộ Mặt trận, đoàn thể, không thể không nhắc đến việc phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của MTTQ. Năm 2020, Hội đồng tư vấn đã tham gia góp ý kiến vào 17 Dự án Luật và 2 dự thảo Đề án của tỉnh do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai lấy ý kiến…
Năm 2021, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; trong triển khai chương trình giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh năm 2021...