Biên cương thao thức

Nguyên Khánh 01/02/2021 09:00

Đằng đẵng đã 1 năm, những chiến sĩ Biên phòng bám trụ các chốt canh cho dân yên, thức cho dân ngủ, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, chặn đứng nguồn lây lan của dịch bệnh. Những ngày này khi dịch trở lại nước ta một lần nữa nhiệm vụ của những người lính ấy lại nhiều thêm, dầy thêm, nói như lời một chiến sĩ tôi đã gặp thì “đất nước cần chúng tôi sao ngủ được”.

Chốt biên phòng chống dịch Covid-19 Cửa khẩu Chiềng Khương.

Không quản khó khăn, không rời vị trí

Thượng úy Mùa Láo Xuân (chốt Kiểm dịch Covid-19 Phiên Cài, đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập) nói: “Chị nhìn xem chốt được lập giữa khoảng đất trống không gì che chắn, nắng thì cháy da, rét thì cắt thịt, không đen mới là lạ”.

Nhìn mấy tấm bạt được căng tạm giữa một quả đồi trống, không điện, không nước, không phương tiện giải trí đủ thấy cuộc sống của các chiến sĩ Biên phòng khó khăn cỡ nào. Không khó khăn khổ cực thì không phải là lính chốt, bởi những ngày chúng tôi đến chốt vào thời điểm thời tiết khá là thuận lợi, dưới xuôi khoảng 18 độ C, vùng cao khoảng 14, 15 độ C, vậy nhưng vẫn cảm thấy rùng mình mỗi khi gió thổi qua. Thế thì, những ngày băng giá, nhiệt độ hạ xuống 1 hoặc âm độ thì cuộc sống của họ sẽ thế nào?

“Thì vẫn hát vang khúc quân hành ca, canh cho dân yên, thức cho dân ngủ, vẫn mang đàn ghi ta ra gẩy hoặc sưu tập rất nhiều loại sáo, khèn để hát cho quên cái lạnh lúc trực. Lạnh quá không chịu được thì đốt lửa sưởi thôi”, Thượng úy Nguyễn Thế Cường (chốt Cột Mốc, xã Tân Xuân, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn) chia sẻ.

Trong lán dã chiến.

Anh Cường cho biết, mùa đông ở Tây Bắc có khắc nghiệt đến mấy thì cũng có áo, có chăn để giữ ấm, cùng lắm là đốt lửa sưởi, chứ mùa hè thì gian nan hơn nhiều. Gian nan ở chỗ chốt đều dựng tạm bằng một lớp bạt, giữa cái nóng như thiêu như đốt thì mọi giải pháp chống nóng cũng chỉ là… đổ mồ hôi mà thôi.

Sợ nhất là những ngày mưa gió, lều bạt chỉ chịu được mưa nhỏ, mưa vừa vừa thì kéo dài khoảng 1-2 ngày là ngấm ướt như ngoài trời. Mưa to, gió lớn thì lều bạt rời vị trí, chốt tạm cũng biến mất, chỉ có các chiến sĩ mình đồng, da sắt là không được phép dời vị trí.

Không được phép dời vị trí, trực 24/24 ở các chốt là nhiệm vụ tiên quyết của các chiến sĩ bám chốt. Cũng chính vì sự được phép di chuyển này đã gây không ít phiền toái, bất tiện cho cuộc sống của họ. Thượng uý Trần Hải Hà, ở Đồn Cửa khẩu Lóng Sập 2 lần hoãn cưới vợ vì dịch, đợt đầu là tháng 2 định cưới, nhưng đúng đợt cao điểm phải hoãn.

Đợt 2 anh định cưới vào tháng 6 (là tháng 5 âm) thì cũng lại bùng dịch lần 2, nên phải sau đó đầu tháng 9 mới cưới được… vợ. Nay chuyện qua rồi, nên cậu ấy không muốn nhắc lại chỉ cười với chúng tôi rằng, nhiệm vụ chung phải gác lại tình riêng là lẽ thường tình.

Trường hợp vợ sinh, chồng trực chốt không được phép trở về xảy ra rất nhiều trong suốt thời gian chống dịch vừa qua. Thượng úy Tráng A Vàng cho biết, Tết người Mông anh cũng ở lại chốt. Vợ đẻ anh cũng phải trực chốt sau đó hơn 1 tháng mới về. Về lướt qua nhà một chút rồi lại đi một lèo 3 tháng mới về hai ngày cuối tuần rồi lại vội vã trở lại chốt vì có quá nhiều công việc đang chờ các anh.

Chiến sĩ Tráng A Khua, dù trực chốt cách nhà 30 km nhưng sau khi vợ sinh 1 tháng mới đảo về qua nhà thăm vợ và cũng lại quay trở lại chốt ngay. Buồn hơn cả là trường hợp của thiếu úy Bùi Quang Huy, quê Nam Định ở chốt Phiên Cài, bố chết đúng thời điểm dịch bệnh diễn ra căng thẳng nhất vào hồi tháng 3 năm ngoái.

Thế là anh đành nén đau thương ở lại chốt. Đồn Biên phòng Cửa khẩu đã lập bàn thờ tại đồn để anh đốt nén nhang cho bố. Sau khi dịch lắng xuống, ngày giỗ 49 ngày, anh mới trở về quê nhà thắp nén hương cho cha.

Giờ thì Covid-19 lại một lần nữa đột kích nước ta vào những ngày áp Tết. Sự xuất hiện Covid-19 trong cộng đồng một lần nữa đã kích hoạt toàn bộ hệ thống chống dịch của đất nước. Tất nhiên, nhiệm vụ của các chiến sĩ Biên phòng ở các chốt chống dịch nặng nề hơn rất nhiều.

Bộ đội Biên phòng Sơn La vừa “thức cho dân ngủ” vừa tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Dựa vào dân để làm tốt nhiệm vụ

“Chúng tôi luôn sẵn sàng nhiệm vụ chống dịch”, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La Sa Trọng Thời cho biết. Theo ông Thời, các chiến sĩ Biên phòng đã sẵn sàng ăn Tết tại chốt. Theo đó các chốt gần thì thực phẩm không đến mức quá khó, có thể 1, 2 ngày chiến sĩ thay nhau về đồn lấy.

Nhưng với những bản cheo leo lưng chừng núi mà điều kiện thời tiết không thuận lợi, cản bước chân của con người thì chỉ có thể khắc phục khó khăn bằng cách trữ đồ hộp, cá khô vì những nơi đó hầu hết chưa có điện, tất nhiên chốt tạm sẽ chẳng có tủ lạnh để trữ đồ. Trong trường hợp điều kiện thời tiết chặn đường đi lại của con người, những người lính Biên phòng chắc chắn sẽ dựa vào dân để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Rõ ràng Covid-19 không chỉ là sát thủ giết người hàng loạt, chia cắt, hạn chế mọi sự tiếp xúc, đánh gãy nhiều nền kinh tế, nhiều quốc gia hùng mạnh nhất…Thế nên, điều mong mỏi của tất cả mọi người trên hành tinh lúc này là dịch nhanh chóng được chặn đứng.

Thế rồi mọi sự hy vọng sớm chặn đứng dịch bệnh không thể nhanh như bất kỳ sự dự đoán này bởi loại virus này khó dập hơn bất kỳ đợt dịch bệnh nào. Thế nên, dù là chốt được dựng tạm, thì cuộc sống của các chiến sĩ ở đây cũng không hề tạm bợ chút nào. Bằng chứng là những vườn rau xanh tăng gia đã mọc lên, những vật nuôi như gà, vịt đã bắt đầu được nuôi ở các chốt để cải thiện cuộc sống. Cường chia sẻ, chúng em tính bắt ít cá gửi sang ao nhờ dân nuôi…

Cho dù khó khăn, gian khổ đến mấy các chiến sĩ Biên phòng cũng sẽ bám trụ vùng phên dậu, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh bằng cách hạn chế tối đa những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời điểm dịch chưa thể khống chế, đó là những điều tôi có thể cảm nhận được trong ánh mắt của những người chiến sĩ tôi đã gặp ngày hôm qua.

Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La cho biết, đến thời điểm này đã tròn 1 năm lực lượng BĐBP cùng các lực lượng khác trong cả nước triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đối với BĐBP tỉnh Sơn La, đã duy trì thường xuyên 51 tổ chốt, trong đó có 31 tổ chốt cố định để thực hiện nhiệm vụ phòng chống Covid với trên 300 lượt cán bộ chiến sĩ. Phải nói rằng, qua thời gian triển khai lực lượng, được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy chính quyền các địa phương, lực lượng BĐBP đã kiên trì, bám trụ, thực hiện tốt nhiệm vụ trong bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19.

“Để chuẩn bị cùng cả nước chăm lo vui xuân đón Tết Tân Sửu cho bà con, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La đã rà soát, củng cố, tăng cường các lực lượng của các đơn vị, các phòng, ban của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biên giới. Chúng tôi đã chỉ đạo các đồn Biên phòng trực tiếp quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các chốt phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, về triển khai nhiệm vụ kiên cố hóa các tổ chốt, đến nay 100% tổ, chốt đã được kiên cố hóa theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy (gồm 31 chốt cố định). Đồng thời rà soát, củng cố quân lương, quân trang, quân nhu, trang thiết bị, vật chất để đảm bảo cho bộ đội sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn, vui Xuân đón Tết và thực hiện tốt nhiệm vụ”, Đại Tá Vũ Đức Tú cho biết.

“Vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, dịp Tết này, lực lượng Biên phòng tỉnh Sơn La sẽ trực 100% quân số, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kết hợp với tuyên truyền, áp dụng biện pháp phòng dịch khi phát hiện người lạ mặt, người xâm nhập vào dịa phương. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị đều trích nguồn quỹ để mua lương thực, thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ”, Đại tá Vũ Đức Tú cho biết.

Nguyên Khánh