Thủy sản tăng trưởng ngoạn mục
Ngành thủy sản đã có một năm đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2020 đã có sự hồi phục và tăng trưởng ngoạn mục.
Nỗ lực vượt bão dịch
Kết thúc năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, mặc dù con số này giảm 1,9% so với năm 2019 song, kết quả này cho thấy những nỗ lực, sự cố gắng không mệt mỏi của các doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản trong bối cảnh thế giới điêu đứng vì dịch bệnh suốt năm qua.
Nhìn lại bức tranh ngành thủy sản năm 2020 mới thấy, con số 8,4 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu là một con số bứt phá ngoạn mục đến dường nào. Bởi, hầu như trong những tháng đầu năm 2020, các DN ngành thủy sản rơi vào tình cảnh lao đao vì không có đơn hàng.
Nhớ lại thời điểm tháng 4 năm 2020, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, thời điểm đó khi đại dịch lan rộng tại EU, nhiều quốc gia buộc phải đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội thì hàng loạt các đơn hàng của đối tác các DN thủy sản đưa ra yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Gần một năm trời, các DN xuất khẩu thủy sản loay hoay với bài toán giảm thiểu tối đa thiệt hại và duy trì sự sống còn, chia sẻ khó khăn với bạn hàng.
Tuy nhiên, với những nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt sự ký kết các FTA, trong đó phải kể đến EVFTA đã tạo ra những sung lực mới cho ngành thủy sản. Các DN xuất khẩu thủy sản nhân cơ hội được hưởng hàng loạt các ưu đãi về thuế suất vào thị trường EU đã dần dần hồi phục và bứt phá một cách mạnh mẽ. Kết thúc năm 2020, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc).
Điều đáng mừng ở chỗ, sau hơn 5 tháng EVFTA chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020), trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn hoành hành và có những tác động nặng nề lên hầu hết các nền kinh tế tại châu Âu thì xuất khẩu thủy sản sang EU tăng nhẹ ở một số mặt hàng như tôm (tăng 6,1%), cá ngừ (tăng 2,4%)...
Nhìn riêng từng sản phẩm, VASEP cho hay, xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ những tháng trước với mức tăng trên 21%, đạt hơn 420 triệu USD,.
Với cá tra, sau khi sụt giảm liên tục qua các tháng với mức giảm 28-31% so với cùng kỳ, từ tháng 9, xuất khẩu cá tra đã khả quan hơn với doanh số cao hơn so với tháng trước đó và mức sụt giảm so với cùng kỳ cũng thấp dần xuống: tháng 9 giảm 17%, sang tháng 10 giảm 3% so với cùng kỳ đạt gần 175 triệu USD. Giá xuất khẩu cá tra có xu hướng tốt hơn trong vài tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu cá tra trong những tháng tới.
Nhận diện về bức tranh ngành thủy sản, VASEP cho hay, ngành xuất khẩu đang dần thích nghi với bối cảnh dịch Covid-19 và biến thách thức thành cơ hội khi nhu cầu thủy sản nói chung giảm nhưng lại tăng nhu cầu với một số phân khúc sản phẩm như tôm chân trắng đông lạnh, cá khô, mực khô, thủy sản chế biến sẵn, cá hộp… Bên cạnh đó, cú hích từ hiệp định EVFTA (hiệu lực từ ngày 1/8/2020) đã tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2020.
Được coi là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực, qua 5 tháng thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng khả quan. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, số lượng đơn hàng đối với mặt hàng tôm đã tăng lên từ 10-15% so với cùng kỳ và hy vọng thời gian tới, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cao.
Chủ động gỡ khó
Ở một diễn biến khác, cũng liên quan đến bức tranh xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Campuchia gặp khó, Bộ trưởng Bộ Công thương ngay lập tức đã có sự can thiệp, tháo gỡ khó khăn cho thuỷ sản xuất khẩu sang Campuchia.
Cụ thể, ngày 8/1/2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia ra thông báo dừng nhập khẩu 4 loại cá da trơn như cá tra, cá bớp, cá trê và cá lóc từ các nước láng giềng cung biên giới với Campuchia (trong đó có Việt Nam) nhằm bảo vệ thị trường cho các hộ nuôi cá của Campuchia.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ Công thương đã làm việc với các tỉnh biên giới Việt giáp Campuchia và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt sang Campuchia để nắm tình hình vụ việc. Bước đầu, Bộ Công thương xác định nhiều lô hàng cá da trơn xuất khẩu sang Campuchia qua cửa khẩu Khánh Bình (tỉnh An Giang) không được thông quan, phải quay trở lại Việt .
Trong những năm gần đây, Việt xuất khẩu khoảng 60 triệu USD/năm giá trị thủy sản sang Campuchia. Tuy Campuchia không phải là thị trường lớn đối với thủy sản của Việt Nam nhưng nhu cầu nhập khẩu của thị trường tương đối ổn định, đóng góp tốt cho việc phát triển thương mại ở khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập nhất định cho người dân.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gửi công thư tới Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak về biện pháp hạn chế nhập khẩu cá của Campuchia. Trong thư, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh lệnh cấm nhập khẩu cá của Campuchia sẽ gây tác động tiêu cực tới doanh nghiệp của hai nước cũng như người tiêu dùng Campuchia. Đặc biệt, lệnh cấm nhập khẩu nói trên đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại của WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà cả Việt và Campuchia là thành viên.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của lãnh đạo ngành Công thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Pan Sorasak đã liên hệ với Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon và chủ trì cuộc họp thảo luận diễn ra ngày 29/1 vừa qua để xem xét lại quyết định tạm dừng nhập khẩu 4 loại cá từ các nước láng giềng theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan liên quan của Campuchia để thúc đẩy xử lý vụ việc, đảm bảo việc xuất khẩu cá của Việt Nam sang Campuchia được diễn ra bình thường, thông suốt.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Do đó, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này là vô cùng lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34kg so với mức trung bình của thế giới.