Để không là môn phụ

Hàn Minh 08/02/2021 08:00

Xưa nay, nhiều phụ huynh quan niệm đối với lớp 1 chỉ cần đảm bảo yêu cầu đọc thông, viết thạo là được. Ít ai để ý đến các môn như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật mặc dù đây là các môn học bắt buộc trong chương trình.

Thậm chí, so với tiếng Anh là môn học tự chọn của khối lớp 1,2 nhưng nhiều gia đình quan tâm đầu tư cho con đi học thêm, kiểm tra bài tập, ôn luyện cùng con ở nhà hằng ngày… kỹ càng hơn gấp nhiều lần so với các môn vừa kể trên. Âu cũng là xu thế chung khi ai cũng lo lắng mà mong muốn nâng tầm khả năng ngoại ngữ của con cái so với các thế hệ trước…

Không ngạc nhiên khi đến lịch kiểm tra giữa kỳ môn tiếng Anh theo chương trình liên kết ở trường, lịch kiểm tra tiếng Anh ở trung tâm con theo học các ông bố bà mẹ cũng nắm kỹ. Nhưng bao giờ kiểm tra môn âm nhạc, kiểm tra theo hình thức gì… thì không phải ai cũng nắm được, dẫn đến hầu như không ôn luyện, chuẩn bị gì.

Thực tế, không phải phụ huynh nào cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc học các môn học này nên không đốc thúc con học ở nhà. Một số khác thì cho rằng đây là môn năng khiếu, con giỏi thì tốt còn nếu không, ở mức đạt là được. Chính cá nhân người viết bài này cũng từng suy nghĩ rằng con không có giọng hát tốt, vẽ không sáng tạo lắm nên cố gắng ở mức đạt là được rồi, còn thời gian ở nhà để dành ôn luyện toán, tiếng Việt cho thật tốt…

Nhưng chị dâu tôi, là cô giáo dạy cấp 2 khi biết chuyện đã phân tích khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Thứ nhất, nếu tổng kết của con là vượt trội ở một số môn, khi con thi/xét tuyển vào trường trọng điểm của huyện ở cấp 2 sẽ bị thiệt thòi so với những bạn đạt xuất sắc toàn diện. Nói cách khác, con đang thua ngay từ vòng sơ loại thì khó có cơ hội vào vòng sau.

Thứ hai, học để có tố chất chứ không phải có tố chất mới học. Con hát chưa hay nên càng cần học để cải thiện giọng hát, để sau này con tự tin vào bản thân mình khi được yêu cầu hát, biểu diễn trước đám đông. Chất giọng của con hay thì quá tốt rồi, nhưng nếu chưa hay thì ít nhất cũng cần đúng nhịp, có những hiểu biết cơ bản về nhạc lý…

Chắc chắn đây không phải là những môn phụ, không phải vì quy định của Bộ GDĐT mà mỗi người cần có hiểu biết về nghệ thuật, về các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội,… sẽ giúp tâm hồn phong phú hơn, cuộc sống thăng hoa hơn.

Về phía giáo viên cũng cần đánh giá thực chất năng lực của học sinh và có biện pháp giúp các em tiến bộ hơn. Không nên khống chế quy định mỗi lớp có bao nhiêu % học sinh đạt hoàn thành, bao nhiêu học sinh đạt tốt mà cần dựa trên năng lực thực sự của các em để ghi nhận.

Một câu chuyện nhỏ của lớp cháu gái tôi, con xin nghỉ ốm đúng vào ngày cả lớp kiểm tra môn âm nhạc. Cuối tuần đó, cô gửi đánh giá cho phụ huynh, có luôn cả đánh giá của con dù con chưa hề tham gia kiểm tra. Điều quan trọng là, suốt học kỳ vừa rồi, chị dâu tôi đã dành thời gian để cùng học với con môn âm nhạc, cùng con tập hát, học nhạc lý, thậm chí học vỗ tay, đánh phách với hi vọng cải thiện sự nhút nhát, thiếu tự tin của con trong môn học này.

Nhưng con chưa có cơ hội thể hiện sự tiến bộ của mình đã được cô đánh giá ở mức hoàn thành nên chính con cũng rất thắc mắc, buồn… Rất may, sau đó, cô giáo thông báo sẽ kiểm tra lại cả lớp một lần nữa để đánh giá chính xác hơn.

Không phải đánh giá cho xong, cũng không phải làm quá chặt hay quá lỏng mà đánh giá học sinh cần dựa vào quá trình học tập của các em, không chỉ qua một bài thi đã nói lên tất cả. Có như vậy, mới dần thay đổi quan niệm của số đông về môn chính, môn phụ…

Hàn Minh