Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Công cuộc chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ
"Trước đây thấy tôi yếu yếu, mệt mệt có người lo sợ chùng xuống. Có tâm lý giờ sắp tới đại hội có làm không? Tôi nói mai Đại hội, hôm nay tới ngày xét xử, chín rồi vẫn đưa ra tòa xét xử", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết trong buổi họp báo sau Đại hội 13.
Ngày 1/2/2021, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp báo để trao đổi thông tin với báo chí sau Đại hội.
Tham dự buổi họp báo còn có: Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng ban đối ngoại Trung ương; ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; Giám đốc Trung tâm báo chí Đại hội Lê Mạnh Hùng.
Chưa bao giờ công tác nhân sự kỹ như lần này
Phát biểu với báo chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đại hội đã thành công rất tốt đẹp, cả về nội dung và cách thức làm việc. Khó nhất là các văn kiện, Đại hội lần này văn kiện thì nhiều, kết quả cuối cùng đại hội đã thông qua các Nghị quyết. Nói về công tác nhân sự, Tổng Bí thư cho biết: Công tác nhân sự bắt đầu chuẩn bị từ năm 2018, chưa bao giờ chuẩn bị chu đáo, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm từng việc, làm từ rộng đến hẹp như lần này. Công tác nhân sự được đưa ra Đại hội, Đại hội bàn không nhiều và thống nhất nhanh.
Tổng Bí thư cũng cho rằng: Công tác tổ chức phục vụ Đại hội chu đáo, từ nơi ăn, chốn ở, đi lại. Công tác tổ chức cho các đoàn rất cẩn thận, tạo mọi điều kiện cho các đại biểu, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh tuyệt đối cho Đại hội, nhất là đang trong dịp Covid-19. Vần đề thứ hai của khâu tổ chức tốt là chống tình trạng đại biểu gặp gỡ nhau, xin phiếu bầu. “Chúng tôi đã quyết tâm ngăn chặn và làm có hiệu quả”.
Tổng Bí thư cho biết: Đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống thế nào là quan trọng. Bởi vừa qua tổng kết thấy khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, sau Đại hội lần này phải thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết thế nào để thực hiện, làm sao nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn, như thế mới là thành công của Đại hội.
“Đến giờ phút này Đại hội thành công rất tốt đẹp, truyền được cảm hứng, quyết tâm ý chí, bản lĩnh để đưa đất nước phát triển ở tầm cao mới, sánh với các quốc gia trên thế giới. Tôi chịu khó đọc báo, nghe đài, thấy lần này báo chí có Trung tâm báo chí Đại hội hoành tráng, anh chị em phóng viên làm việc hết mình. Việc làm báo rất vất vả, làm cả ngày, cả đêm. Báo chí đã đưa tin kịp thời nhanh chóng, đêm hôm đã công bố danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi khi tin kịp thời, nếu không sẽ có những suy diễn thế này, thế kia. Bên cạnh đó báo chí đã kịp thời phát hiện luồng tư tưởng xấu, đấu tranh phản bác lại những luận điệu xấu đó”, Tổng Bí thư nói.
Không có vùng cấm
Trả lời báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhắc lại đây là vấn đề đã được ông nói nhiều lần.
“Tham nhũng ở đâu cũng có, không chỉ ta mà nước nào cũng có, không chỉ thời nay mà thời nào cũng có. Chỉ là nhiều hay ít, rộng hay hẹp. Đây là bệnh của những người có chức có quyền. Có chức, có quyền mà nắm trong tay tiền của thì rất dễ không chỉ tham nhũng mà còn tiêu cực, lợi ích nhóm” - Tổng Bí thư chia sẻ.
Theo Tổng Bí thư, cuộc phát động phòng, chống tham nhũng được bắt đầu từ năm 2013 khi cá nhân ông được phân công làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2013 đến giờ làm liên tục, xử bao nhiêu vụ, bao nhiêu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đi tù.
Tổng Bí thư nói: “Thu hồi tài sản tôi không tưởng tượng được hàng triệu USD, hàng bao nhiêu tỷ đồng. Tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai và không có vùng cấm. Trước đây thấy tôi yếu yếu, mệt mệt có người lo sợ chùng xuống. Có tâm lý giờ sắp tới đại hội có làm không? Tôi nói mai Đại hội, hôm nay tới ngày xét xử, chín rồi vẫn đưa ra tòa xét xử. Vừa rồi gần Đại hội rồi vẫn đưa ra xử cả Ủy viên Bộ Chính trị, rồi lãnh đạo cả Phó Bí thư, lãnh đạo lớn như tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”.
Cũng theo Tổng Bí thư, công cuộc chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ bất cứ lúc nào nhưng làm không phải để trị ai, hay do thù oán ai. Đây hoàn toàn là nhân văn, nhân đạo. Nhắc lại câu của Bác Hồ từng nói: “Cưa một cành mọt sâu để cứu cả cái cây”, Tổng Bí thư cho rằng, xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm chứ không phải cốt xử cho nhiều, xử cho nặng mới là nghiêm.
“Chưa bao giờ một khóa mấy ông Bộ Chính trị đi tù, bị cách chức, tịch thu lại bao nhiêu tài sản. Chỉ một vụ việc mà tới 300 triệu USD. Có người hối lộ xách va li tiền tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương định biếu xén, lấp liếm. Tôi nói rồi đồng chí cán bộ kiểm tra, anh mở ra xem nó là gì. Mở va li ra thấy toàn tiền đô la, tôi bảo anh khóa lại, lập biên bản, ký vào đây và xách vali đó về. Đấu tranh tham nhũng phức tạp khó khăn như vậy. Nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm, chân chính thì chắc không làm được. Dễ mắc lắm. Ai chẳng thích của, thích tiền. Nhưng tôi vẫn nói danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất. Chết không mang theo tiền được”, Tổng Bí thư nói, đồng thời cho rằng, đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài gian khổ, quyết liệt và gian nan. Vừa qua mới là bước đầu ngăn ngừa được một bước. Chứ còn quyền, còn chức, còn tiền, nếu không tu dưỡng rèn luyện thì sẽ còn xảy ra.
4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ
Tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng đã trả lời câu hỏi của báo chí về “4 nguy cơ” đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Ông Võ Văn Thưởng cho biết: 4 nguy cơ mà Hội nghị Trung ương của khóa VII đã chỉ ra thì trong những năm qua Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo để tích cực đấu tranh, ngăn ngừa những nguy cơ này. Tuy nhiên đến nay các nguy cơ này vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó có thể còn một số mặt mặt diễn biến phức tạp hơn.
Theo ông Võ Văn Thưởng, 4 nguy cơ này có quan hệ chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, nguy cơ nào cũng nguy hại cần phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, không thể chủ quan xem thường một nguy cơ nào.
“Xét về tổng thế thì yếu tố bên trong, yếu tố nội lực của Đảng, đất nước và nhân dân ta là quan trọng nhất. Các thế lực thù địch luôn luôn muốn thực hiện diễn biến hòa bình đối với Đảng ta, chế độ. Tôi tin tưởng rằng, chúng ta thực sự đoàn kết, vững vàng, bản lĩnh cao và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân thì không có thể lực nào có thể ngăn cản sự phát triển của đất nước ta”- ông Võ Văn Thưởng nói.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng thông tin về điểm mới của các văn kiện, trong đó đã nhấn mạnh làm rõ thêm đến những thành tựu quan trọng mang lại nhiều dấu ấn nổi bật toàn diện trên các lĩnh vực về: kinh tế xã hội, văn hóa, môi trường, con người, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh.
Phải đoàn kết thống nhất trên dưới, một lòng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ: Tôi tuổi cũng đã cao. Đã xin nghỉ nhưng Đại hội bầu. Vẫn phải làm vì mình là đảng viên thì phải chấp hành. Cho nên tôi sẽ hết sức cố gắng nhưng làm được hay không phải là ở tập thể. Phải là sự đoàn kết thống nhất trên dưới, một lòng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết nhất trí thống nhất mới làm được. Cá nhân vai trò quan trọng nhưng cũng chỉ là cá nhân thôi.