Người trồng hoa lo mất Tết
Còn 10 ngày nữa là Tết Tân Sửu, nhưng trái ngược cảnh tấp nập mọi năm, các điểm bán hoa, cây cảnh Tết ở Hà Nội vô cùng vắng vẻ. Tại các vườn hoa của các làng hoa ven ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, người nông dân đứng ngồi không yên.
Đìu hiu vựa đào vùng dịch
Dịp này khu vực trồng hoa đào ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đìu hiu. Nhìn hàng trăm gốc đào khoe sắc nhưng không có thương lái đến mua. Anh Lê Văn Công (phường Hải Tân) than: Gia đình tôi có vài trăm gốc đào các loại, đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức suốt cả năm qua, đúng vào mùa thu hoạch thì dịch ập đến. “Nhìn những cây đào sai hoa, nụ to, mẩy, dịp trước nghĩ sẽ bán được giá, nhưng nay không ai mua dù bán giá ngang vốn. Vất vả cả năm trời, giờ coi như mất Tết”, anh Công nói.
Cạnh vườn anh Công, chị Hoàng Thị Trang cho biết, gia đình trồng gần 500 gốc đào nhưng năm nay vắng bóng khách. Mọi năm, đào được xuất đi các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, còn năm nay thì ế chỏng ế chơ. “Trồng đào đòi hỏi rất nhiều công sức chăm bẵm, tạo thế... Giờ đào nở, gia đình bán giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường nhưng cũng không ai mua. Nhìn vườn đào tiền tỷ không có khách mà muốn khóc”, chị Trang than.
Theo những người dân trồng đào ở Hải Tân, năm nay thời tiết thuận lợi nên đào đẹp hơn, hoa nở đúng dịp Tết. Nhưng tất cả thành vô nghĩa khi Covid-19 bùng phát. Đẹp hay xấu thì giờ cũng chỉ nằm lại vườn, người nông dân thua lỗ nặng nề.
Theo ông Lê Công Trung, Bí thư Đảng uỷ phường Hải Tân - địa phương có diện tích trồng đào lớn tại Hải Dương thì trên địa bàn có khoảng 30 ha trồng đào. Nếu như thời gian này hằng năm, xe các tỉnh đến Hải Tân mua đào tấp nập thì năm nay không còn xe từ các tỉnh khác tới và tiêu thụ trong tỉnh cũng giảm mạnh. “Chúng tôi đang nắm bắt tình hình, nếu nông dân thua lỗ nhiều, chính quyền sẽ căn cứ tình hình thực tế và chính sách chung để hỗ trợ”, ông Trung nói.
Người buôn hoa tết “ngồi trên lửa”
Tại chợ hoa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) hàng trăm gian hàng hoa tươi, cây cảnh đủ chủng loại, phong phú mẫu mã. Chợ đầu mối này là nơi cung cấp hoa cho nhiều tiểu thương, cửa hàng, lái buôn Thủ đô và các tỉnh lân cận. Nhưng theo tiểu thương tại chợ, lượng lái buôn mua hàng và số hoa tiêu thụ hiện thấp, chợ rất vắng sau khi xuất hiện những ca bệnh Covid-19. Ban ngày, khách vãng lai lựa hoa cũng thưa thớt. Cả người mua lẫn người bán cẩn trọng đeo khẩu trang phòng dịch.
Anh Hoàng Long (49 tuổi, ở Vĩnh Phúc) chủ cửa hàng hoa lan hồ điệp ở chợ cho biết, gia đình như ngồi trên đống lửa khi hàng lấy về không bán được. Để thuê gian hàng bán nửa tháng tết anh Long đã phải bỏ số tiền hàng trăm triệu đồng. Chưa kể tiền hàng gia đình nhập về hơn 1 tỷ đồng mà chưa bán được gì.
“Tôi ngồi đây mấy ngày nay chỉ bạn được chục chậu lan. Bình thường như mọi năm tầm này họ mua tấp nập. Năm nay lác đác người ghé hỏi rồi đi thôi chứ chưa mua. Nếu mà ế ẩm xem như phá sản, mất tết”, anh Long than.
Cạnh gian hàng anh Long, gian hàng bán quất bon sai của anh Xuân Trường (37 tuổi, ở Nghệ An) cũng vắng bóng khách hỏi mua. “Chợ vắng, nhiều người đến tham khảo chứ chưa mua. Gần 200 gốc quất tôi đã hạ giá thấp nhưng vẫn không có khách. Nếu ế ẩm thế này thì gia đình thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Hi vọng mấy ngày tới dịch bệnh được kiểm soát để chợ đông trở lại”, anh Long chia sẻ.
Đầu ra gặp khó
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, tổng diện tích trồng các loại hoa để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu của TP. Đà Lạt là hơn 1.500 ha. Đà Lạt sản xuất hoa quanh năm với trên 400 loài hoa (hàng ngàn giống). Riêng vụ hoa Tết, nhà vườn chủ yếu trồng hoa lan, lily, lay ơn, hoa hồng, cẩm chướng, cát tường, đồng tiền…, trong đó hoa cúc được trồng nhiều nhất với 680 ha.
Năm nay, các nhà vườn khấp khởi mừng vì hoa được mùa, chất lượng khá tốt. Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 lại xảy ra ở nhiều tỉnh thành, trong đó có những địa phương vốn tiêu thụ nhiều hoa Tết của Đà Lạt như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM… khiến đầu ra của hoa Tết gặp khó khăn. Tâm lý của người tiêu dùng ở các tỉnh, thành khác cũng bị ảnh hưởng vì lo sợ dịch sẽ lan rộng.
Một số chủ vựa kinh doanh hoa tại phường 5 và phường 11 (TP Đà Lạt) cho hay, 10 ngày trước, nhiều thương lái gọi điện đặt hàng số lượng lớn các loại hoa lily, cúc, hoa hồng, lay ơn… để cung ứng cho các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng, 4 ngày nay, đã có một số bạn hàng xin tạm hoãn, chờ xem dịch Covid-19 diễn biến ra sao.
Theo ông Sang, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ các loại hoa của Đà Lạt giảm từ 40-80%; vào các tháng 3 và 4/2020, chỉ tiêu thụ được khoảng 20% - 30% sản lượng; đặc biệt trong giai đoạn cách ly xã hội, 90% sản lượng hoa của ở địa phương phải đổ bỏ hoặc ủ làm phân.
“Hội đã phối hợp xúc tiến quảng bá hoa Đà Lạt, nhất là trên mạng xã hội; thông báo kịp thời tình hình diễn biến thị trường để những người sản xuất và kinh doanh hoa có kế hoạch điều tiết. Hiệp hội Hoa cũng đã có công văn gửi các Sở Công thương Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để các phương tiện chở hoa tươi của Đà Lạt vào khu vực nội đô trong dịp Tết Tân Sửu 2021; tránh tình trạng xe chở hoa bị ùn tắc khiến chất lượng hoa giảm sút”, anh Sang nói.