Nhớ đọt măng tre ngày cũ

NHỤY NGUYÊN 03/02/2021 09:00

Cảm giác mùa đông đang trôi sẽ mang đi chút hơi ấm của ngày xuân sắp sửa. Nhớ cái không gian đen nhèm khói bếp với bao món ăn xưa còn nguyên vị ngọt bùi.

Những đọt măng tre ngày nào được xếp cất vào hoài niệm cùng mái nhà tranh nghe rõ tiếng mọt nghiền nơi kèo cột. Tôi mỗi lần về quê vẫn đứng tần ngần nơi góc nhà xưa có bụi tre gần đó đêm đêm nhánh cào lên mái như thức dậy cả một miền thơ dại. Mỗi mầm măng nhú lên được giữ nguyên cho đến khi vươn cao, và nếu không gặp gió mùa mưa bão sẽ vươn lên thành cây để một ngày giúp cho gia đình tôi thay một vật dụng nào đó.

Những bụi tre ngày một thưa dần ở các ngôi làng. Tiếc ngẩn ngơ cái hàng rào tre giáo vàng hươm ở làng nọ nay được đào đi xây tường. Gần nhà tôi năm kia còn bụi tre nơi góc đường, rồi chủ xây nhà bứng mất luôn. Tôi nhớ những búp măng ăn lan ra đường, rồi có người tới bẻ về làm món. Nay thì bóng dáng cả bụi tre cũng nhạt dần trong trí nhớ. Lại có lần đến nhà người quen ở trên một vùng đồi tầm chập tối. Ông chồng biết chúng tôi đói vẫn pha trà thong thả mời uống, hút thuốc nói chuyện trời chuyển mùa, nhìn ra khoảng tối mênh mông. Lúc vợ anh mời xuống ăn cơm thì điều bất ngờ, một dĩa măng vàng hươm bốc khói… Hồi xưa đây là món ăn không đến nỗi hiếm song cũng lâu lâu mới có. Nó còn khiến tôi lần về cái thời cùng lũ bạn bẻ nhánh măng bóc vỏ ngồi lắc từng đốt cho đến khi thắt eo, ai nhiều nốt như vậy trong một nhánh là ăn hơn. Những nhánh thắt eo được tôi phơi lại cất giữ rồi treo bếp, có lúc quên luôn trên đó đến ngày lẫn vào mớ củi cháy rụi trong lửa.

Bỗng nhớ lần lang thang ở con đường xuyên qua ngôi làng. Tôi kịp phanh xe và lật đật chạy tới bụi măng tua tủa vương lên dưới nắng sớm tươi hồng. Những đọt măng mặc áo màu đà, ánh nắng chiếu xiên vào pha thêm đỏ, ửng lên cả một góc rẫy hoang vu. Không chỉ là vẻ đẹp nhi nhiên thực tại, nó khiến tôi phải chững lại, phải thụt lùi về dĩ vãng để lần tìm những tháng năm nhọc nhằn, mà chẳng hiểu tại sao người ta lại thương mến những nếp xưa nghèo đói. Tôi vẫn nghĩ những hiện đại không thể sánh được gam màu như trong khuôn ảnh ngày xưa. Những gam màu toát vẻ huyền mị, với nắng hòa vào mái tranh hay phên vách nhà xanh rêu. Ngay đến hai màu đen trắng cũng ánh ngời sắc thái của niềm thanh tịnh. Tôi chợt nhớ bức ảnh anh bạn chụp đôi trâu màu đen và màu bạc bên con kênh trước mặt làng, có bụi tre và con thuyền, nó khiến người xem nôn nao khôn tả. Lại tiếc nhớ tuổi thơ, tiếc cái ngày đi lột vỏ măng chà xuống đất sạch lông rồi đằn cho thẳng làm quạt phất phơ theo mùa.

Mưa gió về lại nhớ những đọt măng gãy gác trên ngọn tre, chúng tôi tìm sào khèo xuống. Mẹ nửa thật nửa đùa rằng thời trước khổ lắm, toàn ăn măng nên đẻ ra bây mới nhiều lông tay lông chân vậy. Ngày đó hễ cơn bão qua đêm là sáng ra anh em tôi rảo các đường xóm nhặt những đọt măng bị gió quật. Làng nhiều bụi tre cao vút, cây măng cũng cao, bão hay áp thấp về thì đọt gãy. Chúng tôi nhặt và ôm về bóc vỏ, lấy phần non xanh lơ. Có lần nhiều măng, mẹ đem dầm với muối và tí đường phèn, ớt giã nát, ba ngày sau là có món măng chua tuyệt hảo. Giờ tôi mới biết măng dầm lên men sẽ khử được độc trong nó. Ngon nhất là măng vòi, nhỏ bằng cổ tay, xắt ngang hình ống. Có nhiều loại măng đang được trồng để bán nhưng với tôi chỉ măng tre tự nhiên là mang vị ngọt thanh, nhẫn đắng, thơm bùi.

Ngọn măng tre như niềm an ủi cái nghèo khó nhà tôi thủa đó. Nhớ măng, thương quá chừng quãng đời em lam lũ. Ngày mưa mù trời, nước li ti bắn vào mặt như những mũi kim sắc nhọn, em vẫn khòm người đi tìm măng. Thời ấy ngày lũ em cũng bơi qua sông bẻ măng ra chợ đổi gạo về nuôi con, tóc xõa xợi giữa dòng nước đục ngầu và rác rưởi. Con được bốn tháng rưỡi, em gửi nhờ con, đi cắt măng về bán, tiền lời đủ cơm ăn với khuôn đậu hàng ngày. Người ta cắt măng có cái liềm dài lắm, chỉ cần đứng ngoài đưa vào là cắt được. Còn em mỗi cái liềm ngắn một khúc lại mòn hết răng; mỗi lần cắt được cây măng hai tay rã ra. Những hôm nước lụt đỏ ngầu cuồn cuộn em cũng bơi qua sông cắt cho được nhiều vì không ai đi vào lúc đó. Ôm được bó măng trở lại bờ, đầu tóc bù xù ướt rịt, áo quần tơi tả gai cào. Nhưng cuộc mưu sinh của mẹ là tương lai của những đứa con…

Khoảng mười lăm năm trước tôi có chuỗi ngày ở lại bản Hưa, theo dân bản lên núi bẻ măng. Măng rừng chụm thành từng bụi, bậm bạp và non. Măng tre gọi a bung, còn có măng lồ ô cũng nhiều, chập tối về với một a chói chặt cứng. Măng được xắt vào nước lã, luộc hơn tiếng đồng hồ thì vớt ra để nguội, sau đó trộn với “muối”. Người bản Hưa lấy quả kỳ rĩ thay mỡ. Cây kỳ rĩ to cao như cây gỗ rừng, quả bằng nắm tay, xanh, khi chín chuyển qua màu đen, rụng. Bản Hưa có một cây ở bên phải con dốc. Quả kỳ rĩ bằng ngón chân cái, vỏ cứng; trong mỗi quả chỉ được hai hạt (quả cái), quả nào một hạt là quả đực. Đem hạt vào bếp than nướng lên rồi đập ra, lấy nhân đâm với muối hột, ớt, mì tinh. Món măng dân tộc vốn đã dòn, trộn thêm muối ấy ăn quên cả núi rừng. Sau này tôi cùng thằng bạn chạy xe nửa buổi đường để lên lại nơi ấy chỉ để ngồi bên bếp lửa với những khúc củi dài ngoằng, chờ món măng A Dis làm vừa chín tới là ăn cơm ngay bên bếp lửa, nhìn ra còn thấy A Phen đeo một a chói măng vượt đầu từ dưới dốc đi lên. Mưa nhòa.

Mùa lạnh về lục lại tháng ngày xưa cũ, thấy món xào mẹ ngâm măng vào nước vo gạo, đảo với chút dầu lạc, nêm mì tinh, khói bốc ngút với cơm nóng vừa xới, mà bên ngoài mưa gió ầm ào. Một món ăn kể cũng bình thường, có chi mô, mà thương mà nhớ. Có phải nó mang theo cả một khung trời kỷ niệm với sấm chớp bão bùng, với những ngày khốn khó ăn gì cũng ngon hết biết. Mà nào ai thêu dệt điều chi, bây chừ ngồi ăn món măng xào chay cứ ngon lạ lùng, lạ rứa. Có lẽ trong món ăn bình dị ấy được hong trên ký ức với vệt nắng hườm sau mưa và chút se lạnh của mùa xanh sắp sửa.

Làng nhiều bụi tre cao vút, cây măng cũng cao, bão hay áp thấp về thì đọt gãy. Chúng tôi nhặt và ôm về bóc vỏ, lấy phần non xanh lơ. Có lần nhiều măng, mẹ đem dầm với muối và tí đường phèn, ớt giã nát, ba ngày sau là có món măng chua tuyệt hảo. Giờ tôi mới biết măng dầm lên men sẽ khử được độc trong nó. Ngon nhất là măng vòi, nhỏ bằng cổ tay, xắt ngang hình ống. Có nhiều loại măng đang được trồng để bán nhưng với tôi chỉ măng tre tự nhiên là mang vị ngọt thanh, nhẫn đắng, thơm bùi.

NHỤY NGUYÊN