Tiếng đàn còn ngân mãi
Sau ba đợt nhập viện điều trị các căn bệnh nền, do tuổi cao sức yếu, nhạc sư Vĩnh Bảo đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều ngày 7/1 tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vẫn biết cuộc đời có sinh có tử, vẫn biết năm nay nhạc sư đã ở tuổi 103, nhưng khi hay tin ông về với tổ nghiệp, vẫn khiến nhiều người tiếc nhớ…
1. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19/8/1918 tại Mỹ Trà, Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình nho học. Cụ thân sinh tên Nguyễn Hàm Ninh vốn là địa chủ, mê hát bội và là dân chơi cổ nhạc sành điệu. Sinh ra trong cái nôi ấy, ngay từ thời thơ bé, Nguyễn Vĩnh Bảo đã được tiếp xúc với đơn cả tài tử. Lên 5 cậu bé Bảo bắt đầu học đàn từ 5 tuổi. Năm 12 tuổi, ông có thể chơi đàn Kìm, Tranh, Cò, Gáo và Độc Huyền. Ở tuổi 20, cái tên Vĩnh Bảo đã đứng cùng với các nhạc sĩ cổ nhạc trứ danh lúc bấy giờ. Năm 1938, Cô Ba Thiệt (chị Cô Năm Cần Thơ) ca vọng cổ nhịp 16 thu đĩa Béka với tiếng đờn Vĩnh Bảo, Năm Nghĩa, Ba Cân. Đây là một trong những đĩa nhạc đầu tiên đánh dấu sự hình thành và bắt đầu thịnh hành của vọng cổ nhịp 16 sau giai đoạn bài “Dạ cổ hoài lang” được phát triển từ nhịp đôi lên nhịp 4 và 8.
Nhạc sư Vĩnh Bảo thuộc thế hệ sáng lập của Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (Nhạc viện TP HCM). Trong thời gian giảng dạy tại nhạc viện, nhạc sư Vĩnh Bảo đã sáng tạo ra lối kí âm riêng cho cổ nhạc Nam Bộ để tránh quá lệ thuộc vào cách kí âm của phương Tây. Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc dân tộ, ông trở thành nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc và cũng là người trình tấu, nghệ nhân đóng đàn. Nhạc sư Vĩnh Bảo cũng là người có công lớn trong việc cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Ông và GS.TS Trần Văn Khê được xem là đôi bạn tri kỷ cùng yêu quý và nâng niu tiếng đàn dân tộc.
Năm 1969, nhạc sư thực hiện bộ đĩa cổ nhạc miền Nam (thường gọi là băng Nam Bình) với những nhạc sư lừng danh: Sáu Tửng, Mười Tiểng, Hai Phát, Năm Vĩnh, Hai Thơm, Tư Huyện, Chính Trích, Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Bá, Nguyễn Đình Nghĩa. Băng Nam Bình thật sự là một trong những tác phẩm kinh điển về đờn cổ nhạc miền Nam cho các thế hệ nhạc sĩ nghiên cứu và học tập.
Năm 1971, nhạc sư sang Mỹ dạy âm nhạc Việt Nam tại Southern Illinois University cùng với GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1972, ông sang Pháp và cùng với GS Trần Văn Khê đờn thu cổ nhạc Nam Bộ cho UNESCO và Đài phát thanh Pháp (Radio France). Khi ấy, nhạc sư được mời đến gặp gỡ và trao đổi về âm nhạc, về kỹ thuật đóng đàn với nhạc sư trứ danh của Pháp - Giáo sư âm thanh nhạc học Emile Leipp. Năm 2002, Radio France cử người sang Thành phố Hồ Chí Minh mời nhạc sư đờn thu âm cổ nhạc Nam Bộ trong bộ đĩa “Vinh Bao et Ensemble”. Góp mặt trong đĩa còn có các danh cầm Ba Tu, Út Tỵ.
Từ năm 1970-1972, ông là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ). Năm 2005, nhạc sư Vĩnh Bảo và GS.TS Trần Văn Khê được trao giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại TP.HCM. Năm 2006, ông là một nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam trong số 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới (Ethnomusicology) tại TP Honolulu - Mỹ. Đến năm 2008, nhạc sư Vĩnh Bảo cũng được Chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học cấp bậc Officier.
Năm 2018, tỉnh Đồng Tháp đã lập một Nhà lưu niệm trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Nhạc sư tại Bảo tàng Đồng Tháp. Đây là địa chỉ về nguồn cho các thế hệ yêu cổ nhạc và là nơi cung cấp nhiều tài liệu có giá trị cho giới nghiên cứu cổ nhạc. Ông từng tâm sự: “Cái làm cho tôi xúc động là sự tiếp đón của người Đồng Tháp dành cho tôi. Tôi quyến luyến với quê hương xứ sở vì đây là nơi tôi sinh ra, là nơi tôi học hỏi những điều hay của những con người yêu nước, chuộng hòa bình”.
Tiếng đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn được người đời tụng ca là độc nhất vô nhị, lột tả đầy đủ ý tứ để diễn tả tiếng đàn lẫn cốt cách của một tài năng: tinh tường, tinh tế. Thậm chí, từ hơn 20 năm trước, GS.TS Trần Văn Khê phải thốt lên: “Chưa từng nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: phong phú, bay bướm, sâu sắc. Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi, thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhứt vô nhị…”
Sinh thời, nhạc sư Vĩnh Bảo tâm niệm, âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn, liên hệ trực tiếp với trái tim, bộ não và cuộc sống nội tâm sâu kín. Mỗi khi đàn, ông như thực hiện một cuộc thiền định, để chìm vào trạng thái tĩnh lặng, tìm về nội tâm, hiểu bản thân mình, đồng thời tự thanh lọc, tự giải thoát ra khỏi những nguồn gốc của giận dữ, thù hận, sợ hãi…
Gắn bó trọn đời với âm nhạc dân tộc, nhạc sư Vĩnh Bảo được ví là “Đệ nhất danh cầm”, một “báu vật của đờn ca tài tử”. Bây giờ, ông đã về với tổ nghề, đi GS.TS Trần Văn Khê, NSND Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu), danh cầm Ba Tu, Năm Vĩnh, Văn Vĩ, Tư Huyện, Hai Thơm, Chín Trích, Năm Cơ…
2. Trước sự ra đi của nhạc sư Vĩnh Bảo, nhiều người bày tỏ những tiếc thương. Những kỷ niệm về “đệ nhất danh cầm” cũng được nhắc nhớ. NSND Kim Cương nhớ lại, nhạc sư Vĩnh Bảo là người có đóng góp lớn trong hồ sơ Đờn ca Tài tử Nam bộ trình UNESCO để được ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Còn ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, dường như danh xưng “Nhạc sư” chưa đủ để nói lên nhân cách và những gì mà nghệ nhân “Bách tuế” đã lặng lẽ hiến dâng cho cuộc đời. “Trên hành trình xuyên thế kỷ như những nốt nhạc có lúc thăng lúc trầm, nhưng nhạc sư vẫn luôn nhớ rằng mình đang mang trong người dòng máu Việt, khí chất Đồng Tháp, cốt cách hào sảng của người miền Tây sông nước. Cứ như vậy, hình ảnh, nhân cách của một “cây đại thụ” đáng kính lan toả dần trong xóm trong làng, trong con trong cháu và trở thành một trong những biểu tượng, như đoá sen hồng ngày đêm toả ngát trên mảnh đất này. Con người dù gần trăm năm ở xứ người vẫn đậm chất hào sảng nhưng dung dị, uyên thâm nhưng khiêm nhường, dí dỏm nhưng chân tình...”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cũng theo ông Hoan, bằng tài hoa trong âm nhạc và tinh tế trong cuộc sống, bằng niềm đam mê và khát vọng, bằng tấm lòng nặng nợ và trắc ẩn với quê hương xứ sở, nhạc sư đã và đang làm lan toả tinh hoa, cốt cách dân tộc ra khắp bốn phương trời. Nhưng hơn nhiều lần thế nữa, người nghệ nhân thanh cao còn đem đến cho cuộc đời những “bài học làm người”. Đó mới chính là điều trân quý nhất, vĩnh hằng nhất! Chính nhân sinh quan phong phú, thế giới quan rộng mở đã kết tinh một cách nhuần nhuyễn thành những bài học cho mỗi người mang đầy tính triết lý trong cuộc sống, trong công việc…
Trong khi đó, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ: Nhạc sư là một danh cầm tài tử, một người say đắm với cây đàn tranh và luôn khát khao cải biến nó sao cho có thể truyền tải được tốt nhất âm thanh hồn cốt của dân tộc Việt. Nhạc sư có ngón đàn tranh tuyệt vời. “Tôi thích những lần vào TP.HCM tranh thủ ghé qua nhà nhạc sư ở con ngõ sau nhà thờ Bà Chiểu hỏi thăm sức khoẻ và trò chuyện âm nhạc cùng nhạc sư. Đặc biệt, rất mê nhạc sư đờn bản Tây Thi. Từ ngày nhạc sư chuyển về quê hương Đồng Tháp sinh sống, tôi cũng ít có thời gian vào TP.HCM nên không có cơ hội được ghé thăm nhạc sư”, ông Long chia sẻ, và nhớ lại: Khi internet mới vào Việt Nam, nhạc sư là người nhanh chóng tiếp thu với mục đích giao lưu và lan toả nhạc truyền thống Việt Nam. “Những năm 2000-2010 tôi đã vô cùng ngạc nhiên chứng kiến một nhạc sư già, nhưng dậy nhạc tài tử cho học sinh ở châu Âu, ở Mỹ và khắp nơi thông qua internet. Thậm chí, thầy trò mỗi người ở một châu lục nhưng cùng nhau hoà đàn tài tử rất thú vị”, ông Long kể. “Thật may mắn cho tôi đã kịp lưu giữ tiếng đàn của các bậc kỳ tài Đờn ca tài tử. Năm 2010 khi còn công tác ở Nhà xuất bản Âm nhạc, lúc ấy chúng tôi thực hiện một DVD Đờn ca Tài tử Nam bộ. Tôi chủ động mời nhiều danh cầm lừng danh tham dự như: Cụ Bảy Bá (tức soạn giả - NSND Viễn Châu), cụ Ba Tu, ông Văn Giỏi, ông Thanh Hải, ông Út Tỵ... Cũng trong DVD có một clip đặc biệt như quà tặng. Nội dung DVD là cuộc viếng thăm của NSND Bạch Tuyết với tôi và Khương Cường qua nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Không lâu sau đó, danh cầm Bảy Bá rồi Ba Tu qua đời. Và hôm nay đến lượt nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo từ biệt chúng ta”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long xúc động bày tỏ.
Nhạc sư Vĩnh Bảo đã ra đi, nhưng tiếng đàn của ông vẫn còn ngân mãi…
Với những đóng góp to lớn cho âm nhạc truyền thống, nhạc sư Vĩnh Bảo đã nhận được nhiều giải thưởng giá trị trong và ngoài nước: Giải thưởng Phan Châu Trinh, Giải thưởng Đào Tấn, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Văn học Nghệ thuật của Pháp...