Làng hoa miền Tây đón Tết

Hồng Diễm 03/02/2021 07:30

Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp ghé thăm các làng hoa ở miền Tây Nam bộ, nơi đang rục rịch vận chuyển hàng ngàn loài hoa, cây cảnh kịp cung cấp cho bà con vui Xuân đón Tết…

Tất bật mùa hoa Tết ở làng hoa Sa Đéc.

Hoa Tết được mùa

Làng hoa Sa Đéc thuộc phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp hình thành và phát triển hơn 100 năm nay. Nằm nép mình bên dòng Tiền Giang, được dung dưỡng bởi phù sa châu thổ nên hoa ở đây rực rỡ quanh năm, tạo nên một nét duyên giữa đồng bằng. Làng hoa có diện tích trên 500ha với trên 2 nghìn hộ dâm theo nghề, trồng khoảng 2 nghìn loài hoa, cây cảnh khác nhau. Làng hoa Sa Đéc dần trở thành một trong những vựa hoa, cây cảnh lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Nam Bộ.

Trước đây, nghề trồng hoa ở Sa Đéc được duy trì theo kiểu “cha truyền con nối” với phương thức canh tác thủ công. Nhưng hiện nay người nông dân đã kết hợp giữa nghề truyền thống và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng trọt và chăm sóc, tạo ra nhiều giống hoa mới lạ. Hoa Sa Đéc không chỉ có mặt ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Người trồng hoa ở đây cho biết, hoa cúc năm nay có giá từ 140 nghìn đồng/cặp đến 160 nghìn đồng/cặp. Với mức giá này người trồng sẽ có thu nhập khá sau vụ hoa Tết.

Ghé thăm vườn hoa của ông Năm Thành tại phường Tân Quy Đông, được chủ vườn cho biết: “Tôi mới trồng hoa Tết khoảng 3 năm nay thôi, mỗi năm tôi vừa bán cho thương lái vừa đem lên TPHCM cũng kiếm được chút ít. Năm nay, lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi chủ động giảm một nửa số lượng hoa vì sợ bạn hàng không lấy. Hiện tại vườn trồng chủ yếu là các loại cúc, giá vẫn bình ổn như năm trước nên tôi cũng an tâm.”

Dạo một vòng làng hoa chúng tôi tiếp tục ghé thăm vườn hoa của ông Năm Rớt, một trong những người trồng hoa lâu đời ở làng hoa Sa Đéc. Khi được hỏi về nỗi sợ Covid-19 của người trồng hoa Tết, người đàn ông tuổi ngoài 60 tuổi đang bón phân cho luống hoa kịp ngày xuất hàng, dừng tay châm điếu thuốc rồi nhìn chúng tôi cười: “Sợ gì đâu, ai cũng bị ảnh hưởng hết không riêng mình, mỗi năm có một lần Tết mà không trồng được thì buồn chết, phải ráng mà trồng”

Chú Năm cho chúng tôi biết thêm: “Nhà có trên 1,4 công đất, bình thường trồng cây cho công trình, Tết đến thì trồng cúc, mào gà, vạn thọ,…Năm nay dịch bệnh, nhiều hộ ở đây giảm số lượng, riêng gia đình tôi vẫn trồng như bình thường, một phần vì có mối, phần nữa mỗi năm chỉ trồng một lần nên tôi cũng ráng kiếm thêm chút ít cho Tết được sung túc hơn. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, bông ra đều, đẹp, đúng thời điểm nên tôi cũng tự tin bán mà không sợ bị ép giá”.

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, ước tính Làng hoa Sa Đéc sẽ xuất gần 2,7 triệu giỏ hoa cung ứng thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Xu hướng hoa kiểng phục vụ Tết năm nay cho thấy các loại hoa truyền thống chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, cúc mâm xôi khoảng 214 nghìn giỏ, hồng hơn 1,1 triệu giỏ, đồng tiền trên 123 nghìn giỏ, vạn thọ trên 71 nghìn giỏ, cát tường trên 137 nghìn giỏ…

Năm nay một số cúc mâm xôi đã nở khá sớm và còn lại nở đúng Tết. Hiện tại, các nhà vườn đã tiêu thụ được hơn 90%; cúc đồng tiền và các loại hoa kiểng khác đang tiêu thụ khá. Cũng theo Phòng Kinh tế, nhìn chung giá hoa kiểng tại Sa Đéc năm nay ổn định, không tăng giảm đột biến so với các năm trước.

Ngoài làng hoa Sa Đéc, ở miền Tây còn nổi tiếng với làng hoa Cái Mơn ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, làng hoa Cái Mơn có lịch sử trên 60 năm. Đến làng hoa vào những ngày này, chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh các chị, các cô đang che ô tỉa cành, bứt lá, chăm cây, ai ai cũng đều tất bật trên những cánh đồng hoa. Những luống hoa giấy, hoa vạn thọ, mâm xôi, hoa mào gà… được bà con chăm sóc kỹ càng đang chúm chím, e ấp chờ đón Tết đến để bung nở.

Lo dịch khó tiêu thụ

Những ngày qua do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân trồng hoa ở miền Tây đang lo lắng sẽ gặp khó trong việc tiêu thụ. Ông Ngô Thành Tài - ngụ ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, cho biết: “Dù có những lo ngại về việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có thể gặp khó do dịch Covid-19 và nguy cơ hạn mặn xảy ra sớm nhưng gia đình tôi vẫn quyết định duy trì sản xuất 2,5 nghìn chậu cúc mâm xôi như Tết năm trước. Nhờ chăm sóc tốt kỹ vườn cúc của tôi đang phát triển khá tốt, hứa hẹn nở hoa đúng dịp Tết. Nhiều thương lái đến xem và hứa hẹn mức giá thu mua tương đương năm rồi, với khoảng 160 nghìn đến 170 nghìn đồng/cặp, nhưng phải chờ cận Tết, hoa nở đều mới lấy hàng”.

Còn theo anh Nguyễn Duy Phương ở ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành gia đình luôn theo dõi sát tình hình thời tiết để chăm sóc tốt các chậu hoa Tết. Nhà anh có khoảng 7 nghìn chậu hoa các loại, trong đó phần lớn là các loại hoa trồng trong chậu treo như: dạ yên thảo, hoa dừa cạn, sao băng, hoa cúc… Hiện chi phí sản xuất nhiều loại hoa đã tăng khoảng 15-20% so với năm trước nhưng giá bán chưa tăng. Hy vọng, cận Tết giá cả cải thiện hơn.

Tuy không nổi tiếng như hai làng hoa Sa Đéc và Cái Mơn nhưng ở vùng đất Tây đô xinh đẹp làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ cũng có nét riêng. Làng hoa tọa lạc tại phường An Khánh, Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Làng hoa Phó Thọ-Bà Bộ hình thành từ khoảng 90 năm trước nhưng mới chỉ được công nhận làng nghề vào năm 2011.

Cũng như nhiều làng hoa khác ở Nam Bộ, làng hoa Bà Bộ bắt đầu nhộn nhịp và rực rỡ hơn từ những ngày đầu tháng mười hai âm lịch. Hoa kiểng cho mùa Tết được nông dân trồng khá đa dạng về chủng loại, với nhiều loại hoa, kiểng lá, kiểng trái và cả các loại kiểng bonsai. Trong đó, trồng nhiều là các loại hoa cúc, cát tường, hồng nhung, bách hợp, mai dạ thảo, hoa hướng dương, các loại hoa chậu treo như dạ yến thảo, hoa dừa cạn...

Từ đầu năm bà con ở đây đã hai lần gần như mất trắng khi nhiều lần dịch bệnh bùng phát trở lại. Ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Bình An, phường Long Hòa, kiêm Phó Chủ nhiệm Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ cho biết: “Hiện làng nghề có khoảng 217 hộ dân tham gia trồng hoa, kiểng thời vụ Tết, trong khi trước đây có 227 hộ dân. Do lo ngại đầu ra sản phẩm có thể gặp khó do dịch Covid-19 nên mỗi hộ dân chỉ trồng khoảng 3 nghìn chậu. Sản lượng hoa giảm 40% so với những năm trước, chỉ đủ cung ứng cho bạn hàng trong khu vực TP Cần Thơ, và xuất một số ít đi một các tỉnh miền Tây. Mặc dù giảm sản lượng hoa nhưng năm nay giá hoa lại tăng 10% khiến người dân an tâm phần nào”.

Hồng Diễm