F0, F1 cố tình trốn hoặc không khai báo y tế có thể bị truy cứu hình sự
Hành vi trốn cách ly hoặc không khai báo ý tế có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 bộ Luật Hình sự 2015.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam rơi vào đợt bùng phát dịch thứ 3. Rất nhiều tổn thất không thể kể được bằng con số như trường học đóng cửa, lao động mất việc, toàn dân lo âu mất tết.
Thế nhưng tới 20% các F0 (bệnh nhân nhiễm COVID-19) khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác. Cá biệt, có ca F0 và hàng trăm ca F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do sức khoẻ đảm bảo, không bị làm sao
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, áp dụng Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người mắc bệnh truyền nhiễm, người nhập cảnh từ vùng có dịch đều phải khai báo y tế.
Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Còn theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì F0 là người được xác định nhiễm SARS-CoV-2. F1 là người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với F0.
Hành vi trốn cách ly hoặc không khai báo ý tế có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 bộ Luật Hình sự 2015; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 bộ Luật Hình sự 2015.
Bên cạnh đó, nghị định 117/2020 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) đã có chế tài cụ thể cho hành vi cố tình không khai báo hoặc khai báo gian dối. Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh thì tùy từng trường hợp sẽ bị phạt tiền 500.000-1 triệu đồng, 1-3 triệu đồng hoặc 10-20 triệu đồng.
Hiện nay, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo trong cộng đồng ở cấp độ cao hơn, khuyến cáo mạnh mẽ người dân hạn chế đi lại, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Mọi cố gắng của ngành chức năng và chính quyền các cấp sẽ trở nên vô nghĩa nếu người dân không nâng cao ý thức phòng chống dịch.