Bánh cuốn Cao Bằng
Khí hậu ở vùng cao vào mùa đông lạnh hơn so với bình thường nên người Cao Bằng (chủ yếu là dân tộc Tày) thích ăn những món nóng để tốt cho dạ dày và hệ hô hấp. Bánh cuốn là sự lựa chọn hợp lý cho bữa sáng nhiều năng lượng.
Bánh cuốn được làm từ những nguyên liệu chính là gạo tẻ và thịt heo. Bà con thường chọn loại gạo tẻ ngon, dẻo ngâm nước sau đó vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào cối đá xay thành bột mịn. Để tạo thành bánh, bà con hòa bột với một lượng nước vừa phải sao cho khi tráng phải kết dính, bánh không quá mỏng hay dày. Công cụ tráng bánh là một nồi nước đun sôi, trên miệng nồi dùng một tấm vải mịn cạp tròn, mặt cong lên trên. Khi ăn, bà con tráng từng chiếc một (tương tự như tráng bánh đa).
Nhân bánh chủ yếu dùng thịt lợn, nhưng muốn nhân ngon phải chọn loại thịt ba chỉ, xay hoặc băm nhuyễn trộn gia vị, rồi phi hành, đảo đều cho đến khi chín tới. Khi ăn, sau khi tráng bánh, bỏ nhân vào dàn đều rồi cuốn lại. Bánh cuốn được ăn kèm với các loại rau thơm, hành tươi và chấm với loại nước chấm làm từ ớt bột ngâm với măng chua. Những người không thích thì có thể chấm với nước mắm ớt hay xì dầu. Cách ăn trên được gọi là ăn khô.
Món bánh cuốn còn có một cách ăn khác nữa là ăn nước. Để làm nồi nước dùng, bà con hầm xương heo thật nhừ, sau đó cho các gia vị và không thể thiếu hành, tỏi, sả, thảo quả. Khi ăn, dùng bánh đã cuốn bỏ vào bát nước dùng để ăn cùng với rau sống. Cái thú của món ăn này là phải ăn nóng. Thực khách phải chờ chủ quán cuốn từng chiếc, vừa ăn vừa nhìn bánh nóng hổi, trên bàn tay thoăn thoắt của chủ quán, trông rất ngon miệng.
Bánh cuốn Cao Bằng thường được ăn kèm với giò. Giò được làm từ phần thịt mông, được giã tay và nêm gia vị sao cho vừa vặn. Thịt sau khi được giã nhuyễn thì gói bằng lá chuối thành những miếng vừa ăn và hấp chín. Khi ăn cùng bánh cuốn nóng hổi thì thật khó diễn tả cảm giác ngon miệng.
Ngoài hương vị truyền thống, việc cho thêm trứng vào món bánh là gợi ý khá thú vị cho thực khách. Trứng được đập thẳng vào bánh, còn nguyên hoặc đánh tan lòng đỏ tùy theo nhu cầu của mỗi người. Bánh cuốn thường được ăn cùng với măng ớt chua cay đặc biệt của vùng núi phía Bắc. Nếu may mắn, trong một lần thưởng thức có thể bạn sẽ được ăn bánh trứng có 2 lòng đào.
Bánh cuốn Cao Bằng giờ đây không chỉ bó hẹp tại địa phương mà còn được lan tỏa nhiều vùng miền. Để thưởng thức, đảm bảo mùi vị chuẩn của món bánh cuốn Cao Bằng thì không phải quán nào cũng làm được. Phải tìm hiểu đúng quán của người gốc Cao Bằng sẽ ngon hơn. Không những vậy, món bánh cuốn còn nhận được phản hồi tích cực từ nhiều người đang sinh sống tại Sài Gòn và Hà Nội. Bánh lạ mà ngon, thẩm mĩ đẹp hấp dẫn càng dễ chinh phục được khẩu vị của nhiều thực khách.