Lễ cúng thần rừng đầu nguồn của đồng bào Mông
Ngày đầu năm mới này, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Mông đến từ tỉnh Hà Giang đã tổ chức tái hiện Lễ cúng thần rừng đầu nguồn đặc sắc của dân tộc mình.
Đồng bào dân tộc Mông thường sống trên triền núi cao, do vậy, từ nghìn đời nay, bà con coi rừng là nguồn sống của họ. Rừng cho họ gỗ để dựng nhà, cho nguồn nước để cày cấy, cho cả rau xanh, quả ngọt... và các vị thần sẽ cứu giúp họ trong ốm đau, bệnh tật. Để tạ ơn thần rừng, năm nào đồng bào Mông cũng tổ chức lễ cúng ngay tại cửa rừng thiêng.
Nghi lễ cúng rừng của đồng bào Mông ở Tây Bắc nói chung và Hà Giang nói riêng không chỉ có ý nghĩa tạ ơn thần rừng đã cai quản rừng giúp con người, mà còn là một hoạt động văn hóa nhằm tăng cường đoàn kết cộng đồng, nâng cao sự hiểu biết của người dân về vai trò của rừng đối với cuộc sống, từ đó giúp mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn. Bà con luôn tâm niệm giữ rừng là gìn giữ nguồn sống cho mình và con cháu mai sau.
Lễ cúng thần rừng được tổ chức vào ngày đầu năm mới vì đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm, trời linh thiêng, các lễ vật sẽ được dâng lên các vị thần cây, thần rừng. Vì đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao nên trong ngày làm lễ cúng rừng, người dân trong làng tập trung tại khu làm lễ dọn dẹp sạch sẽ xung quanh gốc cây cổ thụ - nơi tổ chức nghi lễ.
Ngoài ra, đồng bào còn chuẩn bị lễ vật dâng thần rừng gồm 2 con gà sống, xôi nếp thơm, rượu, tiền vàng, gạo, trầu cau, thuốc lào cùng thực phẩm và vật dụng để sử dụng ngay trong lễ cúng rừng. Mỗi gia đình mang một lễ vật tới nơi làm lễ cúng. Khi mọi công việc được chuẩn bị hoàn tất thì lễ cúng các vị thần linh của rừng cũng được bắt đầu, Thầy cúng là một người có uy tín trong dòng họ, được người dân nể trọng.
Sau lễ cúng rừng, thầy cúng và trưởng bản cùng dân làng tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng ngay tại nơi làm lễ. Bà con cùng ngồi với nhau ăn bữa cơm thân mật và đoàn kết, cùng trò chuyện, trao đổi việc thôn làng, bàn cách để năm mới trồng cây gì, nuôi con gì mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Và đặc biệt, họ cùng nhau bàn bạc về cách bảo vệ rừng thiêng, trồng thêm những cây mới để phủ xanh những khoảng đất trống. Đồng thời, ngay tại lễ cúng rừng, trưởng bản cũng nhắc lại những nội quy về bảo vệ rừng, nghiêm cấm những hành vi phá hoại rừng, chặt cây bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường.
Được sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền, thời gian qua đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có những thay đổi rõ rệt; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào được duy trì và phát huy. Đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang thường sinh sống tập trung thành dòng họ, chính vì vậy, văn hóa người Mông cũng được bảo tồn và phát huy.