Nông sản không tiêu thụ được: Người Hải Dương đứng ngồi không yên
Chỉ còn chưa 1 tuần nữa là đến Tết, nhưng người dân các xã Tân Dân, Thượng Quận, Hoành Sơn, An Phụ… - nơi “vựa chuối”, “vựa hành” của thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đứng ngồi không yên vì Covid-19, nông sản không bán được.
Kể từ khi Hải Dương căng thẳng vì dịch, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, kéo theo nông sản của các địa phương này rớt giá, thậm chí không thể tiêu thụ được.
Chị Nguyễn Thị Tuân, thôn Bãi Mạc buồn rầu chia sẻ: “Mọi năm đúng từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp, chuối ở làng được thương lái vào tận vườn chở đi rầm rầm. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng đúng đợt dịch covid, cả vườn chuối gần một trăm buồng của gia đình tôi chỉ lác đác bán được vài buồng lẻ cho các chợ lân cận. Nhiều thương gia đã đặt tận vườn vẫn không về lấy chuối nữa. Nhà nào ít cũng có 50 buồng, nhà trồng nhiều thì trăm buồng, không chỉ nhà tôi, mà cả làng giờ nhà nào cũng lo mất ăn mất ngủ, lo mất trắng vụ Tết này”.
Theo chị Tuân, thôn Bãi Mạc là địa phương ở gần điểm nóng bị phong toả do dịch Covid -19, lần đầu tiên dịch về tận làng, ai cũng lo lắng. Lo bản thân, người thân nếu mắc phải dịch bệnh khó chữa, phải đi cách ly đến 21 ngày thì ruộng vườn bỏ cho ai làm, trâu bò ai chăm?
“Các nông sản trồng cả năm để chỉ đợi bán vào dịp Tết như chuối, bưởi, giờ dịch bệnh ầm ĩ thế này, cấm đường, cấm chợ, phong toả khắp nơi, thương lái không thể vào chỗ chúng tôi thu mua, chúng tôi cũng không thể mang đi đâu bán. Trồng vụ chuối Tết thì đến ngày phải hạ buồng, để quá ngày sẽ bị chín hết, thì cả vựa chuối của vùng này phải đem đi đâu vứt bỏ? Bưởi thì giữ được trên cây lâu hơn chuối, nhưng quá lâu cũng sẽ rụng và hỏng hết. Tiền của bỏ ra trồng cấy, cả năm trời, giờ có nguy cơ đổ xuống sông. Bán không có người mua, chúng tôi làm sao ăn chuối, bưởi thay cơm?” - chị Phạm Thị Lý, thôn Bãi Mạc cho biết thêm.
Anh Nguyễn Đức Minh, cán bộ xã Thượng Quận, sống ở thôn Bãi Mạc cho biết: “Thôn Bãi Mạc có hơn 100ha trồng chuối, những năm trước, cứ từ 20 tháng Chạp trở đi là thôn rộn rã lắm. Mỗi ngày có hơn 100 chuyến xe ô tô tải về thu mua chuối cho vụ Tết, nhưng năm nay chỉ lác đác vài xe/ngày. Giá bán chuối năm trước khoảng 500 nghìn đến 600 nghìn/buồng, thì nay giảm còn 1 nửa, hoặc dưới 1 nửa, nhưng nông dân vẫn phải bán tống bán tháo, giá rớt mà vẫn ế ẩm, nên bà con than vãn nhiều”.
Kinh Môn cũng được coi là vùng trồng hành lớn của tỉnh, thậm chí cả miền Bắc nên mỗi khi đến vụ thu hoạch hành, thương lái từ các nơi đổ về mua hành. Nhưng năm nay, nhiều địa phương tại đây bị phong toả do dịch covid-19.
Mọi năm, ngoài chuối, những ngày này ở xã Thượng Quận còn tấp nập thương lái về mua hành, nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch, các chợ bị cấm họp, thương lái cũng không thể vào thôn, xã để mua. “Chúng tôi không có cách gì hơn là chỉ ngồi chờ đợi dịch đi qua. Nếu bán được hành vụ Tết, giá sẽ cao hơn, khoảng 20.000 đồng/kg, nhưng nay thì giá còn dưới 1 nửa, và không bán được” - chị Nguyễn Phương, thôn Quế Lĩnh (xã Thượng Quận) chia sẻ.
Trao đổi vấn đề lo lắng của nông dân địa phương, ông Bùi Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Thượng Quận (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) cho biết: “Địa phương chúng tôi có 2 ca Covid-19 đều liên quan đến ổ dịch ở Chí Linh, ở 2 thôn Quế Lĩnh và Khuê Bích, nay đã phong toả toàn bộ 2 thôn này. Các ca F1 đã đi cách ly, F2, F3 đang theo dõi tại nhà chặt chẽ và chờ kết quả xét nghiệm, nên tâm lý bà con tạm thời ổn định.
Cái khó của địa phương là dù 6 thôn còn lại không bị phong toả, nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề do không thể đi lại giao thương như mọi khi. Mùa vụ hành và mùa vụ chuối của bà con đang đúng thời điểm thu hoạch Tết đều bị rớt giá, ế ẩm. Hiện chúng tôi chưa biết phải “giải cứu” chuối và hành cho bà con ra sao?”.
Theo ông Lượng, trong thời gian dập dịch, địa phương cũng mong các chốt chống dịch ở các ngả đường tạo điều kiện giúp dân luân chuyển nông sản ra bên ngoài thị trường, giúp bà con cứu vớt vụ mùa Tết khó khăn này.
Ngoài việc tiêu thụ nông sản cần có nơi giải cứu kịp thời, địa phương cũng lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài quá 20 ngày trở lên, các nhu yếu phẩm cung cấp cho người dân sẽ khan hiếm và thiếu hụt. Bên cạnh đó, các phương tiện bảo hộ y tế cho đội phản ứng nhanh tại các ổ dịch hay các chốt chống dịch hiện tại vẫn đảm bảo, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài quá 3 tuần, chúng tôi cũng sẽ thiếu hụt nhiều, chưa biết xoay sở thế nào?