Tết ông Công ông Táo giữa mùa dịch
Ngày 23 Tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời báo cáo. Năm này tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, người dân đón ngày Tết này với nhiều cách thức độc đáo nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo dân gian, ông Công được xem là vị thần cai quản đất đai, còn ông Táo là ba vị thần trông coi việc bếp núc trong gia đình. Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp các vị thần cùng cưỡi cá chép về Trời báo cáo lại những việc đã làm của gia đình trong suốt một năm. Những điều được các vị thần báo cáo sẽ là tiền đề định đoạt cuộc sống trong năm mới của các gia đình.
Với ước mong có một năm mới hạnh phúc hanh thông, vào ngày các vị thần về chầu Trời người dân thường làm lễ tiễn biệt. Cách thức tế lễ ở các địa phương có những khác biệt nhưng tựu trung đều cúng các thần một mâm cỗ thịnh soạn, cùng hương, hoa, quả, cau - trầu, oản, kèm với một bỗ mã danh cho Ông Công và ba bộ mã dành cho ông Táo. Lễ cúng ông Công ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa ông Công ông Táo đã “khởi hành” nên sẽ không nhận được đồ.
Bên cạnh đó, Cá chép vàng được cho là phương tiện cho ông Công ông Táo cưỡi về trời. Ngoài ra, biểu tượng “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang đậm ý nghĩa linh thiêng, thể hiện tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục để đi tới thành công.
Sau khi thành tâm dâng cúng lễ vật, đại diện các gia đình sẽ đem cá chép thả xuống sông hồ với ước vọng các vị thần linh sẽ dùng cá chép thăng thiên. Tuy nhiên, nhiều năm qua việc người dân “tiện tay” thả cá chép kèm theo cả túi ni-lon là hình ảnh phản cảm, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa làm mất đi ý nghĩa linh thiêng của ngày Tết.
Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn ra vào đúng thời điểm cận kề Tết, mọi sinh hoạt, giao thương bị ảnh hưởng không nhỏ. Chưa bao giờ, người dân đón Tết trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, hoang mang, sợ sệt. Vì thế, ngày Tết ông Công ông Táo phần nào giảm đi sự náo nhiệt, nhất là những địa phương đang là tâm điểm của ổ dịch, ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tiêu thụ cá chép vàng.
Tuy nhiên với tinh thần quyết tâm của Chính phủ, người dân phần nào an tâm và có những bước chuyển tích cực trên tinh thần “chung sống an toàn với dịch bệnh”. Thay vì chạy tới chợ mua sắm đồ cúng ngày Tết ông Công ông Táo, nhiều người dân, đặc biệt là những người trẻ với xông việc bận rộn đã đặt hàng qua mạng, các đơn vị cung cấp sẽ chuyển đơn hàng với đầy đủ đồ cúng lễ vật tới tất cả các gia đình.
Anh Lê Ngọc Tuấn (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Năm nay gia đình tôi đã đặt toàn bộ đồ cúng ông Công ông Táo qua mạng của một người quen, không thiếu bất cứ thứ gì, sau 20 phút đặt hàng shiper đã đem tới tận cổng. Đây cũng là một dịch vụ tốt bởi trong thời kì dịch bệnh phức tạp này hạn chế ra ngoài tiếp xúc chỗ đông người lại đầy đủ đồ để làm lễ”.
Theo khảo sát của phóng viên, tại một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội, sức mua sắm của người dân chuẩn bị cho ngày Tết nói chung và ngày lễ Ông Công Ông Táo nói riêng cũng vẫn diễn ra hêt sức sôi động. Một số nơi như chợ Bưởi, chợ Nghĩa Tân…, hầu hết người bán hàng và người mua đều thực hiện khuyến cáo đeo khẩu trang phòng chống dịch để đảm bảo an toàn.
Chị Ngoan, một người bán cá chép tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Năm này vì dịch bệnh vì người dân cũng đi mua sắm cũng sợ tiếp xúc chỗ đông người nên đã nhiều gia đình đi sắm sớm từ ngày 2/2 (21 tháng chạp).
Cũng do tình hình dịch bệnh nên quá trình vận chuyển mặt hàng cá chép để làm lễ gặp nhiều khó khăn vì thế giá có chênh hơn mọi năm một chút. Năm nay một bộ cá để cúng lễ là 50 nghìn đồng/ bộ (bộ 3 con cá chép)”.
Không chỉ mặt hàng cá chép vàng mà bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo cũng được bày bán nhiều ở các chợ nhỏ lẻ dân sinh. Đươc biết, giá các mặt hàng đồ hàng mã không có nhiều biến động. Giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo dao động từ vài chục nghìn đến khoảng 300 nghìn đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ…
Chị Huệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nhìn chung một số mặt hàng cho ngày Tết và ông Công ông Táo có biến động một chút nhưng không đáng kể. Nhiều người lo ngại chen chúc đông người trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid nên đã mua từ một vài hôm trước. Tôi cũng mua đồ hàng mã từ hai hôm trước, hôm nay chỉ ra chợ để mua cá vàng về làm lễ ông Công ông Táo”.