Myanmar ‘vẫn căng như dây đàn’

Hà Anh 04/02/2021 06:30

Ngày 3/2, tờ Myanmar Times cho biết, giới chức nước này đã phát Thông báo Hàng không (NOTAM), trong đó thông báo thu hồi giấy phép cất hạ cánh với mọi chuyến bay ở Myanmar, bao gồm cả hoạt động giải cứu công dân ở nước ngoài. Phi công được yêu cầu không bay vào vùng trời Myanmar trừ khi được phép từ chính quyền. Các sân bay cũng được lệnh đóng cửa.

Người biểu tình ủng hộ bà Aung San Suu Kyi.

“Chúng tôi được thông báo là đừng lo, nhưng vẫn không khỏi lo lắng”

Cũng trong ngày 3/2, một số đại sứ quán nước ngoài ở Yangon thông báo, các chuyến bay cứu trợ đã được phép nối lại, bao gồm đường bay giữa Yangon và Kuala Lumpur, Malaysia, với tần suất 3 chuyến/tuần. Hãng Hàng không Quốc gia Myanmar (MNA) cũng nối lại hoạt động giải cứu công dân từ nước ngoài theo kế hoạch từ ngày 4/2, trong khi các chuyến bay thương mại vẫn bị đình chỉ do đại dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 2/2, Văn phòng Tổng Tư lệnh Bộ Quốc phòng Myanmar thông báo thành lập Hội đồng Hành chính Nhà nước, do Tổng Tư lệnh Bộ Quốc phòng Min Aung Hlaing làm Chủ tịch.

Thông báo cho biết, Hội đồng Hành chính nhà nước gồm 11 thành viên theo quy định tại Mục 419 của Hiến pháp Myanmar. Trong đó Tổng Tư lệnh của Bộ Quốc phòng được chuyển giao quyền lực sẽ có quyền thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hội đồng Hành chính Nhà nước công bố bổ nhiệm Tổng chưởng lý Liên minh, Tổng Kiểm toán Liên minh, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Liên minh Bảo tồn Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng Hành chính sáu khu vực tự quản, Chủ tịch Hội đồng hành chính thủ đô và 12 bang. Đồng thời thành lập Ủy ban Bầu cử Liên minh gồm 6 thành viên.

Trong một diễn biến mới nhất tại Myanmar, ngày 3/2, phong trào Bất tuân dân sự Myanmar, một tổ chức mới thành lập, tuyên bố, các y bác sĩ nghỉ việc nhằm phản đối việc quân đội đã đặt lợi ích riêng lên trên dân thường, những người đang đối mặt khó khăn bởi Covid-19. Myanmar là một trong những quốc gia ghi nhận số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á, với 3.100 trường hợp.

4 bác sĩ xác nhận đình công, nhưng không muốn tiết lộ danh tính. Nhiều sinh viên và thanh niên cũng tham gia vào chiến dịch này. Chính phủ Myanmar chưa bình luận về phong trào của y bác sĩ.

Trong khi đó, trong một phát biểu công khai đầu tiên tại một cuộc họp Nội các mới ngày 2/2, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing nói, việc quân đội tạm tiếp quản điều hành đất nước là “hợp pháp” sau khi chính quyền dân sự không giải quyết thỏa đáng những bất bình về gian lận bầu cử.

“Sau nhiều kiến nghị, hành động này (lật đổ chính quyền dân sự) là điều không thể tránh khỏi, đó là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn phương án đó”, ông Hlaing nói trong video cuộc họp Nội các được đăng tải trên Facebook của quân đội Myanmar.

Về sự an toàn của bà Aung San Suu Kyi, một nghị sĩ thuộc đảng NLD của cho biết, bà đang bị quản thúc tại dinh thự ở Naypyidaw và được cho là vẫn an toàn.

“Chúng tôi được thông báo là đừng lo, nhưng vẫn không khỏi lo lắng. Nếu có thể nhìn thấy một bức ảnh thì sẽ yên tâm hơn”, nghị sĩ giấu tên thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền ở Myanmar cho biết.

Bất đồng

“Trung Quốc và Nga yêu cầu thêm thời gian. Tuyên bố chung đang tiếp tục được thảo luận” - các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ tiết lộ sau khi kết thúc cuộc họp kín trực tuyến kéo dài hơn hai tiếng hôm 2/2 về cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Theo bản dự thảo tuyên bố chung trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến kêu gọi khôi phục chính phủ dân sự ở Myanmar sau cuộc đảo chính hôm 1/2 khiến Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao Chính phủ nước này bị bắt.

Bản thảo tuyên bố chung, do Anh đưa ra, cũng sẽ kêu gọi quân đội Myanmar “trả tự do ngay lập tức cho những công dân bị bắt giam bất hợp pháp” và đề nghị lực lượng này bãi bỏ tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Bản dự thảo không đề cập đến các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung này không được thông qua do chưa nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, quốc gia có quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Trước khi Hội đồng Bảo an tổ chức họp khẩn, Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế không “làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình”, khẳng định mọi hành động “đều phải đóng góp cho sự ổn định xã hội và chính trị ở Myanmar, đồng thời có lợi cho một giải pháp hòa bình”.

Nhà ngoại giao Thụy Sĩ Christine Schraner Burgener, đặc phái viên của LHQ về Myanmar, đã thông báo tóm tắt diễn biến mới nhất trong cuộc họp cho 15 thành viên thuộc Hội đồng Bảo an. Bà cũng kêu gọi các thành viên trong Hội đồng cùng nhau “gửi tín hiệu rõ ràng để ủng hộ nền dân chủ Myanmar”.

Trong khi đó, ngày 3/2, các ngoại trưởng G7 đã ra tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cuộc đảo chính ở Myanmar, yêu cầu quân đội nước này thả những người bị bắt.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc bắt giam các lãnh đạo chính trị và các nhà hoạt động xã hội dân sự, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, cũng như việc nhắm mục tiêu tới giới truyền thông”- Ngoại trưởng các nước G7 hôm nay ra tuyên bố chung từ London, Anh.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi quân đội Myanmar lập tức chấm dứt tình trạng khẩn cấp, khôi phục quyền lực cho chính phủ dân chủ, trả tự do cho những người bị bắt giam bất công và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền.

Các chuyên gia nhận định rằng, cuộc đảo chính vừa diễn ra ở Myanmar có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, đồng thời, một số nước lớn đã bắt đầu cân nhắc các lệnh trừng phạt, nổi bật là Mỹ.

Washington coi việc bắt giữ các quan chức của chính quyền dân sự, trong đó có lãnh đạo đảng cầm quyền Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, là hành động đảo chính. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể cắt viện trợ cho Myanmar.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, phía Mỹ không thể liên lạc được với các quan chức cấp cao của Chính phủ dân sự Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính. Washington đang phối hợp với các đồng minh trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ để gây sức ép lên quân đội Myanmar.

Ngày 3/2, Reuters trích lời Người Phát ngôn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tuần trước, IMF đã gửi 350 triệu USD tiền mặt cho Chính phủ Myanmar như một phần của gói viện trợ khẩn cấp để giúp nước này đối phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước diễn biến gần đây tại Myanmar, dường như IMF không thể làm gì đáng kể để lấy lại các khoản viện trợ khẩn cấp này.

Hà Anh