Bảo vệ sức khỏe người dân trong dịp Tết
Tết đến, Xuân về là dịp để các gia đình sum vầy, nghỉ ngơi, tuy nhiên việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe là vấn đề không thể lơ là. Hiện, các địa phương trên cả nước đều đã có kế hoạch tăng cường các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Địa phương chủ động
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp nghỉ lễ, Tết, từ cuối tháng 12/2020, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có công văn về việc đảm bảo an ninh trật tự và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.
Theo đó, Sở yêu cầu cầu tại các trung tâm y tế trên địa bàn, phải có cán bộ thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ tại đơn vị trong ngày nghỉ Tết để theo dõi nắm tình hình bệnh dịch xảy ra trên địa bàn, phối hợp xử lý và báo cáo theo đúng quy định; Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để lan rộng; Triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt là dịch bệnh do Covid-19...
Bên cạnh đó là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả… tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tại các điểm vui chơi, lễ hội.
Các Bệnh viện trong tỉnh/ Trung tâm Y tế có giường bệnh, xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh; Chủ động đối phó tình hình dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra trong dịp nghỉ Tết; Có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra…
Tương tự, ngành y tế Quảng Trị cũng đã có kế hoạch tăng cường mọi phương án tối ưu nhất, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, thiết bị y tế và nhân lực sẵn sàng phục vụ nhân dân 24/24 giờ.
Theo đó, tất cả các đơn vị từ tuyến tỉnh đến phường, xã phải lên kế hoạch, phương án đảm bảo đầy đủ nhân lực, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và bố trí các cấp trực đầy đủ theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực đường dây nóng, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần.
Đặc biệt, ngành y tế Quảng Trị cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện phân luồng, phân tuyến hiệu quả, đồng thời không được từ chối hoặc chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu.
Tại các bệnh viện cũng đều đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo sức khỏe cho bà con trong dịp Tết. BS Lê Thanh Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải (Quảng Trị) cho biết: Tết là thời điểm các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông và các bệnh về nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp... thường tăng lên.
Vì vậy, bệnh viện đã lên kế hoạch, bố trí nhân viên y tế trực 24/24 giờ trong tất cả các ngày nghỉ Tết. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng kiện toàn, củng cố các tổ cấp cứu nội viện, ngoại viện với đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng tất cả mọi tình huống có thể xảy ra, phối hợp một cách đồng bộ giữa các khoa phòng, bệnh viện tuyến trên để cấp cứu người bệnh.
Khuyến cáo với người dân
Với mỗi người dân, việc chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân là vô cùng cần thiết. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo, trong dịp Tết, người dân không nên lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác.
Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần; Không điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc sau khi đã uống rượu, bia.
Bên cạnh đó là chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ…; Ăn chín, uống chín.
Sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt; Chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; Không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết; Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn (heo) chưa được nấu chín…
BS Nguyễn An Linh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai lưu ý với người cao tuổi trong dịp Tết: Khi cần thiết đi ra ngoài, người cao tuổi cần đi cùng con, cháu, đi lại cẩn thận, đề phòng tai nạn giao thông hay té ngã. Bên cạnh đó cần giữ ấm nhất là với những người có bệnh tim mạch, hô hấp.
Khi cần ra khỏi nhà thì mặc đủ ấm, tay cần đi găng, chân có bít tất, nên đội mũ ấm như mũ len, mũ vải. Hàng ngày cần tắm rửa, thay quần áo và tốt nhất là tắm nước ấm. Với người cao tuổi bị mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… nhất thiết phải dùng thuốc theo chỉ định các bác sĩ chuyên khoa. Nếu trong dịp Tết, người cao tuổi mắc bệnh cần bố trí đi khám bệnh kịp thời, tránh tình trạng để bệnh quá nặng hoặc nguy hiểm mới tới bệnh viện…