Mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết
Tết cổ truyền đang đến gần, người dân khắp nơi cũng đang tấp nập mua sắm thực phẩm để dùng vào dịp Tết. Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách sẽ khiến thực phẩm tươi ngon, giữ được giá trị dinh dưỡng và an toàn, đảm bảo sức khỏe được nhiều gia đình quan tâm.
Bác sỹ Hà Phương, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết những thực phẩm truyền thống (giò, chả, giò xào, nem chua, bánh chưng, bánh tét…) thường được người dân mua trước Tết để dự trữ. Tùy thuộc vào đặc tính của từng loại thực phẩm mà người dân cần bảo quản chúng theo các cách khác nhau.
Với điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, thực phẩm dễ bị vi khuẩn, nấm, mốc tấn công, dẫn đến hư hỏng và ngộ độc thực phẩm; mọi người không nên tích trữ quá nhiều món ăn, chỉ mua vừa đủ, tránh lãng phí, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dưới đây là một số mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết được các bà nội trợ tin dùng.
Thịt tươi sống và gia cầm: bảo quản ở chế độ đông mềm
Những loại thịt tươi sống như thịt bò, thịt heo hay thịt gia cầm, nếu để trong ngăn đá có thể giữ được lâu ngày. Chúng ta cần phải làm sạch chúng trước khi cho vào ngăn đá, bỏ vào hộp có nắp đậy hay bịch ni lông, túi zipper kín hơi để cất trữ chúng trong tủ lạnh.
Đặc biệt, bạn cần lưu ý một khi đã rã đông thịt thì bắt buộc phải chế biến hết số thịt đã được rã đông. Do đó, để tiện cho việc sử dụng, cần chia thịt thành nhiều phần nhỏ khác nhau, vừa đủ cho từng bữa ăn trước khi rã đông. Thịt bảo quản ở ngăn đông, có thể lưu trữ khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, thời gian đông đá càng dài thì độ tươi ngon của thịt sẽ bị giảm đi đáng kể.
Một vài lưu ý, để cấp đông thịt cá dài ngày mà vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn dưỡng chất lại không cần rã đông khi chế biến thì mẹ có thể bảo quản thực phẩm ở chế độ đông mềm (-50C) trong 1 số dòng tủ lạnh cao cấp.
Trái cây tươi, rau củ: nhặt sạch, không nên rửa kỹ
Đối với trái cây tươi, bạn cần bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh và lưu ý các điểm sau:
- Sau khi mua về, nhặt sạch cuống, loại bỏ những trái hỏng; rửa sạch; để ráo và phân thành từng loại riêng. Cho từng loại trái cây vào túi nylon dùng để bảo quản thực phẩm hoặc gói lại thành những phần riêng và để trong ngăn mát tủ lạnh.
- Đối với trái cây, bạn nên dùng màng bọc thực phẩm bọc lại kín rồi bảo quản ở ngăn dưới cùng tủ lạnh vì nơi đây nhiệt độ ổn định hơn ở khu vực cửa tủ, vốn mất nhiệt rất nhiều trong quá trình đóng, mở cửa tủ lạnh.
- Không nên rửa rau củ trước khi cho vào tủ lạnh và chỉ rửa trước khi sơ chế, vì quá nhiều độ ẩm sẽ khiến các loại hoa quả mọng nước dễ bị biến màu, hư hỏng. Đối với những loại thực phẩm củ quả như củ cải, cà rốt, su hào... bạn nên cắt bớt ngọn trước khi cho vào tủ lạnh.
Lưu ý, để thực phẩm tươi lâu thì mức độ ẩm trong tủ lạnh cần ổn định (từ 30% - 70%), kể cả khi phải mở tủ lạnh thường xuyên. Muốn rau tươi lâu, mẹ nên để tủ lạnh ở nhiệt độ 10C - 30C vì vi khuẩn thường phát triển mạnh khi rau quả được bảo quản ở nhiệt độ trên 30C. Ngược lại, nếu nhiệt độ thấp quá lại có thể khiến rau quả đóng băng, nhanh hỏng.
Cá, hải sản: pha loãng giấm để khử mùi
Cá có mùi tanh khá nặng và dễ gây ám mùi tủ lạnh hoặc lẫn mùi sang thực phẩm khác. Do đó khi bảo quản chúng, bạn phải bao bọc thật kỹ bằng nhiều lớp. Ngoài ra, sau khi làm cá xong bạn có thể pha loãng giấm và đổ trực tiếp lên mình cá. Như vậy cũng sẽ hạn chế được mùi tanh.
Lưu ý: Khi bạn đặt nhiệt độ trong tủ lạnh là 10C, một số dòng tủ lạnh cao cấp như fresh zone sẽ được tự động điều chỉnh ở -10C; cung cấp nhiệt độ thích hợp để bảo quản đồ ăn, giúp giữ trọn hương vị và độ dinh dưỡng.
Một số lời khuyên của chuyên gia trong quá trình bảo quản thực phẩm đông lạnh:
Vệ sinh tủ lạnh: Trong tủ lạnh hay có hiện tượng đọng đá, những nước đá đọng lại ấy có mang những vi khuẩn của những thực phẩm trước vô hình chung khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn. Trong tủ lạnh có những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nhưng cũng có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả. Nếu chúng ta để chung cùng một nơi sẽ xảy ra hiện tượng "nhiễm chéo" từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín.
Sơ chế trước khi lưu trữ: Nhiều người có thói quen bảo quản thịt sống và một số loại hoa quả tươi trong tủ lạnh ngay sau khi mua về mà không sơ chế hay vệ sinh sạch. Điều này khiến các loại vi khuẩn và mầm bệnh từ thực phẩm có điều kiện phát triển.
Việc làm sạch rau và bảo quản trong tủ lạnh là cần thiết, tuy nhiên, bạn cần lưu ý để ráo nước trước khi cất vào tủ, tránh tình trạng rau bị đọng nước, nẫu và ủng.
Với thịt, cá sống, chị em cũng cần sơ chế sạch trước khi bảo quản. Dù cất thịt sống vào ngăn mát hay ngăn đá trong tủ lạnh đều phải bọc thịt thật kỹ để giữ được độ tươi ngon và tránh lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Bảo quản thực phẩm sống: Thực phẩm tươi sống cần bảo quản cẩn thận và tránh để chung với các loại thực phẩm khác để đề phòng lây nhiễm vi khuẩn. Đối với các loại thịt sống thì cần được giữ đông ở ngăn đá của tủ lạnh để bảo quản lâu hơn, đồng thời cũng phòng tránh việc có thể lây nhiễm vi khuẩn sang thực phẩm khác.
Nên làm sạch thực phẩm, sau đó chia nhỏ thành từng phần phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, cho vào túi nilon hoặc hộp đựng thực phẩm, bọc thật kỹ và mang giữ trong ngăn đá tủ lạnh. Khi cần sử dụng, bạn mang rã đông, thực phẩm vẫn đảm bảo tươi ngon và hợp vệ sinh.
Bảo quản thực phẩm chín: Các loại thực phẩm chín hoặc các món ăn chuẩn bị sẵn, bạn nên để thức ăn nguội hẳn mới cho vào hộp đựng thực phẩm và giữ lạnh trong tủ. Nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn.
Nên bảo quản thực phẩm chín bằng các hộp đựng thực phẩm chuyên dụng, tránh để thực phẩm chín tiếp xúc với các loại thực phẩm khác, trước khi ăn nên nấu lại để bảo đảm vệ sinh.
Rã đông đúng cách: Khi lấy thực phẩm từ trong tủ lạnh, chúng ta thường có thói quen cho vào nước nóng để làm tan đá, làm lãng phí chất dinh dưỡng bởi vì tế bào bị vỡ ra, thoát ra ngoài cùng nước, làm giảm chất dinh dưỡng. Chúng ta nên cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.
Việc bảo quản thực phẩm đúng cách, đảm bảo dinh dưỡng và độ tươi ngon sẽ giúp các mẹ chủ động hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí nhiều hơn trong việc chế biến. Cách bảo quản thực phẩm tết được lâu quan trọng nhất vẫn là nhiệt độ của thực phẩm nếu không bạn nên sử dụng thật sớm để thực phẩm không bị mất chất nhé.