Myanmar vẫn rối ren
Những diễn biến mới nhất tại Myanmar cho thấy tình hình nội bộ nước này vẫn vô cùng rối ren, kể từ ngày 1/2. Chưa nói đến những hệ lụy về chính trị, nền kinh tế Myanmar cũng đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa khi chỉ số tăng trưởng chỉ còn một nửa so với dự báo.
Liên Hợp Quốc lên tiếng
Ngày 3/2, một nguồn tin từ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết, các nghị sĩ Myanmar vừa được bầu trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 tới thủ đô Naypyitaw để dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội vào hôm 1/2, song quân đội Myanmar tiến hành đảo chính vài giờ trước khi phiên họp bắt đầu. Quân đội Myanmar sau đó yêu cầu các nghị sĩ ở lại nhà khách chính phủ.
Nghị sĩ U Aung Kyi Nyunt, thuộc đảng NLD cho biết, đến khoảng 10h sáng 3/2, quân đội ra lệnh cho các nghị sĩ rời khỏi thủ đô Naypyitaw trong vòng 24 giờ và quân đội sẽ điều xe tải đến chở họ đi. Có tổng cộng 387 nghị sĩ ở trong nhà khách khi lệnh này được ban ra.
Một ngày trước đó, quân đội đã đưa ra chỉ thị tương tự, nhưng các nghị sĩ NLD trả lời rằng họ sẽ chờ chỉ thị từ lãnh đạo đảng. NLD sau đó đề xuất với quân đội cho phép các nghị sĩ ở lại thủ đô tới ngày 6/2.
Trong khi đó, ngày 4/2, một nhóm cư dân ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, đã xuống đường hô khẩu hiệu và giơ biểu ngữ phản đối đảo chính quân sự.
Theo video và hình ảnh trên mạng xã hội, những người biểu tình tập trung bên ngoài Đại học Y Mandalay, giơ cao biểu ngữ “nhân dân biểu tình chống đảo chính quân sự” và kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo đang bị bắt giữ.
Cũng trong ngày 4/2, Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar cho biết trong một thông báo, Facebook sẽ bị chặn tại nước này tới ngày 7/2 “vì sự ổn định”.
“Những kẻ gây khó khăn cho sự ổn định của đất nước đang tung tin giả và sai lệch trên Facebook khiến dân chúng hiểu nhầm” - trích thông báo. Trước đó, nhiều người tại Myanmar cho biết, họ không thể truy cập một số dịch vụ của Facebook.
Nhóm giám sát mạng NetBlocks cho biết, Hãng viễn thông MPT thuộc sở hữu của nhà nước, với 23 triệu người dùng, đã chặn Facebook cùng các dịch vụ Messenger, Instagram và WhatsApp của Hãng này. Hãng Telenor Asa của Na Uy cho biết, họ vừa chặn Facebook để tuân thủ chỉ thị của chính phủ Myanmar.
Phát ngôn viên của Facebook Andy Stone đã thừa nhận sự gián đoạn, đồng thời kêu gọi giới chức khôi phục kết nối để người dân Myanmar có thể liên lạc với gia đình, bạn bè và truy cập thông tin quan trọng.
Trước tình hình trên, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 3/2 tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để huy động tất cả nhân tố chủ chốt và cộng đồng quốc tế để gây áp lực lên Myanmar nhằm đảm bảo cuộc đảo chính này sẽ bất thành”.
“Đảo chính là việc hoàn toàn không thể chấp nhận sau khi bầu cử đã diễn ra, tôi tin rằng các cuộc bầu cử này diễn ra bình thường, cũng như sau một giai đoạn chuyển đổi lâu dài” - ông Antonio Guterres nói.
Nền kinh tế bị đe dọa
Năm 2012, doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đổ tới Myanmar khi phương Tây nới trừng phạt, nhưng cuộc đảo chính có thể khiến nước này khó khăn trở lại.
Ngày 4/2, Nhà Trắng cho biết, giải quyết cuộc đảo chính ở Myanmar là ưu tiên của Mỹ và việc xem xét các biện pháp trừng phạt đang diễn ra.
“Tôi không thể cung cấp mốc thời gian chính xác nhưng đó là một ưu tiên. Chắc chắn chúng tôi đang xem xét các biện pháp trừng phạt và xem nơi nào cần hành động để nhóm tập trung vào” - Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết tại cuộc họp báo.
Các doanh nghiệp đánh giá, cuộc đảo chính khiến hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Myanmar bị đe dọa. Ông Stephen Lamar - Chủ tịch Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ, cho biết nhiều thành viên thuộc Hiệp hội đang kinh doanh tại Myanmar đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay.
Trong khi đó, Phát ngôn viên của Hãng H&M cho biết, công ty đang theo dõi các sự kiện và giữ liên lạc chặt chẽ với nhà cung cấp, nhưng chưa có kế hoạch thay đổi chiến lược tìm nguồn cung ngay lập tức. “Chúng tôi đang theo sát diễn biến, tránh suy đoán về tương lai” - Người phát ngôn cho biết.
Một doanh nhân giấu tên tại Yangon cho hay, điều khiến ông cảm thấy yên tâm là cuộc đảo chính tới nay dường như diễn ra tương đối hòa bình. “Đến nay, mọi thứ vẫn yên bình, nhưng cảm xúc khá mạnh và mọi người đều xuống tinh thần”- người này nói.
Cùng thời điểm, Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng phối hợp gây sức ép, buộc quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực họ chiếm được và trả tự do cho các quan chức, nhà hoạt động, lại có nhiều đánh giá cho rằng, mối lo ngại thực sự đối với nền kinh tế Myanmar được cho là không đến từ Mỹ và phương Tây, bởi phần lớn đầu tư nước ngoài ở Myanmar đến từ các quốc gia châu Á.
Theo Ngân hàng Thế giới, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar năm ngoái, chiếm 34% tổng vốn đầu tư được phê duyệt. Ông Hans Vriens - người sáng lập Vriens & Partners, Công ty tư vấn chịu trách nhiệm xử lý những dự án trị giá 3-4 tỷ USD cho các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư ở Myanmar, cho biết toàn bộ dự án tại Myanmar mà Vriens & Partners đang xử lý giờ đây đều bị đe dọa, trong khi đất nước trước đó vốn bị Covid-19 tàn phá nặng nề, làm giảm triển vọng đầu tư.
Những số liệu gần đây nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng “ở mức khiêm tốn 2%” trong năm tài khóa này, trong khi tỷ lệ nghèo đói được dự báo tăng từ 22,4% vào cuối năm 2019 lên 27%.
Trong một thông tin được phát đi sáng 4/2 cho biết, cảnh sát Myanmar cho biết bà Suu Kyi sẽ bị giam giữ cho tới ít nhất là ngày 15/2 để phục vụ điều tra. Cảnh sát cũng yêu cầu toà án nêu các chi tiết cáo buộc bà San Suu Kyi và các vật chứng thu được trong cuộc khám xét nhà riêng của bà tại thủ đô Naypyitaw. Theo phía cảnh sát, họ đã thu giữ được các loại bộ đàm nhập khẩu bất hợp pháp và không được phép sử dụng. Ngoài ra, một thông tin khác cho biết, cảnh sát đã đệ đơn cáo buộc Tổng thống mới bị lật đổ Win Myint vì các tội liên quan tới Luật Quản lý thiên tai. Cụ thể, ông Win Myint bị cáo buộc đã đến thăm nhiều nơi trong giai đoạn Myanmar áp dụng biện pháp hạn chế ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan.