Không bỏ sót ca nhiễm và nghi nhiễm trong cộng đồng
Chiều 4/2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng, chống dịch.
* Quyết định của địa phương phải hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho biết, tỉnh đã truy vết 81.698 trường hợp, trong đó trên 2.000 trường hợp F1, trên 17.000 trường hợp F2, trên 30.000 trường hợp F3, trên 30.000 trường hợp F4; qua đó, phát hiện 42 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện Quảng Ninh đã làm xét nghiệm cho 36.267 trường hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truy vết trên tinh thần thần tốc, mở rộng đối tượng; nâng cao năng lực xét nghiệm, trả kết quả sớm cho các vùng có dịch.
Hiện Quảng Ninh ưu tiên xét nghiệm sớm cho các trường hợp F1, F2 và những trường hợp có triệu chứng cúm, ho, sốt, khó thở, liên quan đến bệnh hô hấp; bệnh nhân già, yếu, có bệnh nền; lái xe tự do, doanh nghiệp vận tải tư nhân; nhân viên bán hàng siêu thị, chợ; nhân viên y tế và bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Quảng Ninh cũng sẽ xét nghiệm 3 đến 5 ngày/lần cho các ca F1, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa tốc độ truy vết nhằm giảm thiểu các yếu tố tiềm ẩn rủi ro; tập trung khai báo y tế toàn dân để tìm yếu tố dịch tễ liên quan đến Hải Dương và nơi có ca F0. Quảng Ninh đặt mục tiêu, trong ngày 5 và 6/2 sẽ xử lý xong việc lấy mẫu xét nghiệm trên toàn tỉnh.
Thống nhất với đề xuất mở rộng diện xét nghiệm của Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh cần tập trung vào các trường hợp F1, F2 và một số nhóm đối tượng như cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, lái xe, những nhà gần khu công nghiệp, các hộ gia đình nhỏ lẻ tiếp xúc với nhiều người, nơi bán hàng, siêu thị, ăn uống, quán cắt tóc gội đầu… và những nơi tập trung đông người.
“Để “đuổi kịp” virus, chúng ta nên cấp tập ra quân, thực hiện xét nghiệm trong 1 ngày, sau khi nắm được tình hình sẽ tiếp tục triển khai. Cố gắng không bỏ sót ca nhiễm và nghi nhiễm trong cộng đồng” - ông Cường nói.
Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngoài việc xét nghiệm các đối tượng F1, F2 như Bộ Y tế hướng dẫn, Quảng Ninh cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh các nhóm đối tượng tiếp xúc với nhiều người, theo hộ gia đình, trên tinh thần “lấy nhanh, mở rộng đối tượng xét nghiệm phù hợp”. Nhấn mạnh việc cách ly, phong tỏa liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, Phó Thủ tướng biểu dương tỉnh Quảng Ninh trong việc kiên trì thực hiện phương châm “cách ly, phong tỏa trên quy mô nhỏ nhất có thể”. “Nếu chúng ta “vung tay” khoanh vùng cách ly rộng nhất, dài nhất, dễ dàng cho người quản lý nhưng người dân rất khổ. Thay vì phong tỏa cả một huyện, chúng ta chỉ phong tỏa một vài xã. Thay vì phong tỏa một xã, chúng ta phong tỏa một vài thôn và cần tiếp tục phát huy tinh thần đó” - Phó Thủ tướng nói.
Trong một diễn biến liên quan, Tết đã cận kề và nhiều người về quê ăn Tết, Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam thì việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch là đúng, nhưng chỉ nên thực hiện cách ly đối với người theo quy định của Bộ Y tế đó là những người bệnh dương tính với SARS-CoV-2 (mà ta vẫn gọi là F0) thì được cách ly và điều trị tại cơ sở điều trị, những trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính (F1) thì phải cách ly tập trung, những trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) thì phải cách ly tại nhà và F3 thì phải theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của y tế. Hiện, việc quyết định các hình thức cách ly, phong toả, giãn cách… Thủ tướng đã giao cho các địa phương quyết định; tuy nhiên quyết định của địa phương phải hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã có hướng dẫn các hình thức cách ly, phong toả, giãn cách; còn phong tỏa, quy định khu vực cách ly, cách ly bao nhiêu ngày, phong toả ở mức độ nào, cách ly ở phạm vi nào… là do địa phương quyết định.
Cũng theo ông Phu, nếu chỉ có một điểm có dịch, hoặc chỉ có 1 ca bệnh tại 1 chung cư, một ngõ phố … nhưng lại bắt cả người dân trong phường đó về quê phải cách ly là không nên. Chẳng hạn, với những phường chỉ có 1 ca bệnh, những người khác ở phường đó không bị lây lan, họ vẫn đi lại bình thường tại Hà Nội, thì không nên cách ly khi họ về quê.