Tết đang về nơi lũ đi qua
Chúng tôi trở lại Xuân Ninh, Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) những ngày giáp Tết khi dòng Long Đại đã bình yên trở lại. Bên bờ sông, màu xanh của ruộng đồng đã lên xanh, không khí đón mừng năm mới Tân Sửu của người dân vùng lũ đã rộn ràng trở lại.
Hiền Ninh là một trong những địa phương ở bên bờ sông Long Đại, người dân nơi đây đã quen với cảnh ngập úng trong những mùa mưa lũ. Tuy nhiên, tháng 10 năm 2020, mọi người ai cũng bất ngờ trước sự tàn phá của cơn lũ lịch sử. Trong cơn đại hồng thủy này, gần 1.000 hộ gia đình ở xã Hiền Ninh bị ngập sâu trong nước lũ. Tất cả ruộng vườn, hoa màu, ao hồ, chuồng trại chăn nuôi đều bị nước lũ nhấn chìm. Trong và ngay sau cơn lũ, nhiều tổ chức cá nhân từ mọi miền Tổ quốc đã về thăm hỏi tặng quà giúp người dân Hiền Ninh vượt qua khó khăn sớm ổn định cuộc sống.
Cùng với sự chung tay giúp đỡ của đồng bào cả nước, người dân vùng lũ Hiền Ninh đã nỗ lực vươn lên nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, tái sản xuất chăn nuôi. Trong vườn nhà của nhiều hộ gia đình đều được phủ kín màu xanh bởi các loại rau đậu.
Bên ngôi nhà đang xây dựng gấp rút để đón một mùa xuân mới, ông Lê Văn Hùng chia sẻ: Sau lũ, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hỏi thăm của chính quyền và các đoàn thể nên gia đình đã vơi bớt những khó khăn. Còn người là còn của, gia đình tôi đã gây dựng lại những tài sản đã mất bằng công sức lao động... Và để đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, trên tinh thần tiết kiệm, gia đình cũng đã mua sắm bánh kẹo và các vật dụng cần thiết để gìn giữ nét văn hóa, phong tục của quê hương.
Trong đợt lũ lụt tháng 10 năm 2020, ông Võ Văn Bình (67 tuổi, ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh) cùng với người cháu ngoại (Võ Nhật Thanh) đã trắng đêm cứu gần 100 người trong lũ. Với hành động này, ông Bình vinh dự được biểu dương tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.
Trong ngôi nhà nhỏ nằm nép mình ở bên con hói đổ ra sông Long Đại, sát chợ Hiền Ninh, ông Võ Văn Bình chia sẻ. Ông vẫn nhớ mãi kỉ niệm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đoàn tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Thi đua yêu nước năm 2020 vừa rồi.
Ông Bình cho biết, khi đó, ông Bình đứng ra xa phía ngoài. Thấy vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiến đến và mời ông vào đứng ở giữa cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để cùng chụp hình. Theo ông Bình, với mọi người đó có thể là hành động nhỏ nhưng với ông là cả sự trân trọng, quan tâm giữa Thủ tướng Chính phủ với một người dân bình thường.
Trở lại cuộc sống thường ngày, ông Bình làm nghề sửa thuyền đò để mưu sinh nên cũng khó khăn. Ông chia sẻ thêm, sau khi được biểu dương tại Đại hội Thi đua yêu nước, ông được các nhà hảo tâm, các tổ chức, đoàn thể tặng một ít tiền.
Ông gom góp mua lại một số vật dụng đã bị lũ cuốn trôi, số còn lại dành để trả lãi tiền vay ngân hàng. Riêng cháu Võ Nhật Thanh sau khi được trao tặng suất học bổng trị giá 200 triệu đồng, em sẽ tiếp tục đến lớp học. Những ngày cận Tết Nguyên đán này, ngôi nhà nhỏ của ông Bình lại rộn ràng tiếng xóm làng thăm hỏi nhau...
Trở lại Xuân Ninh, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Ngay khi cơn lũ rút đi, người dân địa phương đã khẩn trương khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Những ngày áp Tết này, các tổ chức, đoàn thể đã đến trao tặng quà Tết cho người dân nghèo ở địa phương.
Ông Nguyễn Thái ở thôn Xuân Dục nhận món quà Tết ấm áp nghĩa tình, xúc động nói: “Trong lũ lụt, bà con trong thôn đã nhận được sự cưu mang, giúp đỡ của Mặt trận và các nhà hảo tâm. Nay Tết đến, chúng tôi lại được tặng quà để đón Tết. Chúng tôi thật hạnh phúc và không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Ninh cho biết, để giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn xã đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, Mặt trận xã đã trao tặng 104 suất quà (mỗi suất 500 ngàn đồng). Những món quà tuy nhỏ nhưng đã làm ấm lòng người nghèo bởi tình người, sự quan tâm, giúp đỡ nhau “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Có thể nói, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, vùng đất lũ Xuân Ninh đã hồi sinh.
Bà Lê Thị Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quảng Ninh chia sẻ: Sau khi cơn lũ lịch sử rút đi, dù còn thấp thỏm, lo lắng nhưng người dân ở các xã Xuân Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh… đã không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mà chủ động, tự giác làm mọi việc để khắc phục thiệt hại, đảm bảo cuộc sống. Đến nay, nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân đã được khôi phục. Mục tiêu của huyện Quảng Ninh là Tết Tân Sửu này là không để người dân đói, không để người dân ở trên địa bàn huyện không có nhà ở”.
Với người dân vùng lũ ở Xuân Ninh, Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), đón Tết năm nay có thể không to như mọi năm nhưng chắc chắn rằng sẽ ấm áp hơn bởi họ đã cùng nhau trải qua gian khó trong tình người, tình làng nghĩa xóm.
Trên tuyến đường bê tông chạy dài đã được trang trí cờ hoa, niềm vui đón năm mới đang lan tỏa trên mỗi gương mặt của người dân vùng lũ Xuân Ninh, Hiền Ninh… Trước sân nhà, những cánh hoa đào đã khoe sắc thắm, Xuân Tân Sửu đang về với người dân nơi cơn lũ đi qua.