Quê hương luôn chào đón kiều bào về xây dựng đất nước
Tối 4/2 tại Nhà hát Lớn Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thông điệp chúc Tết cộng đồng và đồng bào ta ở nước ngoài.
Do dịch Covid-19, chương trình năm nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) không mời khách. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
PV:Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò như thế nào trong việc góp phần thực hiện những quyết sách của Đảng thời gian qua?
Thứ trưởng Đặng Minh Khôi: Ngay từ khi bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, bà con kiều bào luôn hướng về quê hương, đất nước. Những kiều bào đi ra nước ngoài từ rất lâu, nay đã trở về quê hương và có đóng góp lớn, đưa tiến bộ khoa học - công nghệ về nước và đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Trong những giai đoạn đất nước gặp khó khăn trước đây và cả hiện nay, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư vào trong nước với số vốn ngày càng tăng.
Vừa qua, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW; 15 năm thực hiện Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và đã đánh giá cao đóng góp của bà con.
Trong 5 năm qua, bà con ta ở nước ngoài đóng góp về nước khoảng 80 tỷ USD. Năm 2020, bà con ở nước ngoài còn đóng góp giúp người dân trong nước phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt khoảng 75 tỷ đồng. Như vậy, bà con không chỉ đóng góp nguồn lực tri thức, mà còn cả nguồn lực tài chính cho công cuộc phát triển đất nước.
Ngoài ra, nếu chúng ta nhìn vào danh sách tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, hay trong Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều thấy có đại diện tiêu biểu của kiều bào. Vì thế cần phải tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu rõ hơn những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với trong nước.
Một vấn đề quan trọng của công tác người Việt Nam ở nước ngoài là công tác bảo hộ công dân. Vậy chúng ta đã có những biện pháp thế nào để bảo hộ công dân ở nước ngoài trong bão dịch Covid-19, thưa Thứ trưởng?
- Cũng như ở trong nước, đời sống của bà con ở nước ngoài trong dịch Covid-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trừ những người làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn có ổn định hơn, còn đại đa số bà con ta ở nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ, ăn uống ở sở tại, nhất là các nước có dịch lan rộng phải áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa; có thể nói bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Qua nhiều kênh khác nhau, chúng ta đã có các biện pháp để động viên bà con. Như tôi đã nói ở trên, Đảng, Nhà nước cũng đã có hỗ trợ giúp bà con như cung cấp khẩu trang, thuốc men và lương thực, thực phẩm, thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, giúp cho bà con vượt qua những thời khắc khó khăn.
Là cầu nối giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước, vậy Thứ trưởng có thể cho biết những định hướng công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới để làm tốt hơn vai trò này?
- Là cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, nhiệm vụ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là làm tốt vai trò cầu nối giữa kiều bào ta ở nước ngoài với đồng bào ở trong nước. Điển hình, chúng tôi duy trì thường xuyên chương trình “Xuân Quê hương” dành riêng cho bà con Việt Nam ở nước ngoài.
Trước diễn biến mới của đại dịch Covid-19, chương trình năm nay phải điều chỉnh một số nội dung nhưng sẽ có hình thức phù hợp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chúc Tết đến bà con, để bà con cùng chung vui không khí Tết Nguyên đán.
Đặc biệt chúng tôi tiếp tục tổ chức tốt hơn công tác dân vận, để các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, các trí thức, kiều bào hướng về đất nước, thành lập những hội đoàn, xây dựng cơ sở dữ liệu của bà con ở nước ngoài, giúp bà con kết nối tốt hơn với trong nước, quan tâm đến lợi ích, nguyện vọng bà con, tiếp tục dạy tiếng Việt và văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó chú trọng đổi mới công tác dạy tiếng Việt.
Để làm tốt những việc nêu trên, theo tôi cần phải có sự tham gia vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành. Bởi bà con đều có người thân, gia đình ở trong nước, và thông qua các chính sách của Đảng, Nhà nước ta với người dân trong nước, bà con sẽ càng hiểu hơn về đất nước.
Thông điệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong thời gian tới đã được thể hiện rõ ràng qua Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. Tôi có một niềm tin mãnh liệt đất nước ta nhất định sẽ phát triển và Việt Nam luôn chào đón bà con kiều bào trở về.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!