Nỗi niềm đón Tết xa quê

QUANG LỘC 05/02/2021 09:00

Tết là dịp để người lao động xa quê về sum họp cùng gia đình sau những ngày tháng mưu sinh. Nhưng dịch Covid-19 tái bùng phát khiến hàng vạn công nhân ngậm ngùi ăn Tết xa quê.

Công nhân khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội gói bánh chưng đón Tết.

Nhiều nỗi lo âu

16h30 ngày 23 tháng Chạp (ngày 4/2 dương lịch), vừa tan ca, anh Nguyễn Huy Hoàng (35 tuổi, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) công nhân công ty ở khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) tranh thủ ghé chợ mua một số đồ như bánh kẹo, miến dong, quần áo, đóng thùng gửi về quê làm quà Tết cho gia đình vì năm nay anh không thể về được.

Anh Hoàng cho biết, vì hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng gửi con cho ông bà nội chăm sóc rồi dắt nhau ra đây làm việc. Vợ anh làm công nhân ở khu công nghiệp, công việc bấp bênh.

“Đến giờ công ty vẫn chưa thông báo thưởng Tết. Thường đi làm đủ công thì thu nhập của tôi khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhưng năm nay dịch bệnh nên chật vật lắm tôi mới trang trải đủ tiền ăn, tiền ở, không có dư dả lắm. Thêm vào đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên chúng tôi chọn cách ở lại. Nỗi nhớ nhà, nhớ con đành phải nén lại”- anh Hoàng trải lòng.

Cũng hoàn cảnh tương tự, chị Hoàng Thị Loan (32 tuổi, ở Đồng Hới, Quảng Bình) công nhân một công ty giày da ở khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội năm nay cũng không về quê ăn Tết. Chị Loan lập gia đình được 6 năm, có một con nhỏ 4 tuổi. Lương công nhân của hai vợ chồng cộng lại được khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng (tùy tháng); tiền thuê nhà hết 1,3 triệu đồng, cộng với tiền điện, nước, tiền sữa, tiền học cho con, dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu.

“Tết ai cũng muốn về quê sum vầy nhưng năm nay dịch bệnh bùng phát, điều kiện gia đình lại khó khăn nên chúng tôi ở lại Hà Nội. Đây là năm thứ hai đón Tết xa quê, thấy mọi người bàn chuyện về quê mà lòng mình thắt lại, nhớ gia đình, nhưng nếu về vừa sợ dịch bệnh lại không có tiền lo cho con”- chị Loan nói.

Theo chị Loan, đón Tết xa nhà buồn lắm, không có anh em họ hàng thân thích, mấy ngày Tết hai vợ chồng lủi thủi vào ra trong dãy phòng trọ vắng tanh. Ngoài dịch bệnh thì do năm nay kinh tế khó khăn, giáp Tết nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch thưởng cho công nhân nên nỗi lo chồng nỗi lo.

Về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, khoảng 55,6% trong tổng số 62.640 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết thì mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người).

Kêu gọi người lao động không về quê ăn Tết

Ngày 4/2, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã phát đi công văn hỏa tốc gửi LĐLĐ các địa phương, công đoàn ngành Trung ương và công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam về tăng cường các biện pháp chống dịch và chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.

Tại công văn này, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các địa phương, công đoàn ngành bám sát tình hình công nhân lao động để chủ động phối hợp với chính quyền, ngành ứng phó với “làn sóng mới” của dịch Covid-19.

Tại những nơi phải dừng tổ chức các hoạt động của công đoàn như Tết Sum vầy, Chuyến xe xuân nghĩa tình, Tấm vé nghĩa tình, Phiên chợ công nhân, thăm và tặng quà cho người lao động,... LĐLĐ các tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ cần có hình thức phù hợp để chăm lo cho người lao động.

Đối với những địa phương dự kiến có lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới thăm, động viên, tặng quà công nhân lao động, nay vì tình hình dịch bệnh không thể thực hiện được theo lịch dự kiến, các lãnh đạo địa phương và tổ chức công đoàn thay mặt trao quà và thăm hỏi, động viên người lao động.

Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đặc biệt lưu ý công đoàn các cấp chủ động tuyên truyền, vận động, kêu gọi công nhân, viên chức, lao động cân nhắc kỹ việc về quê ăn Tết, nhất là đối với những địa bàn nơi đi hoặc nơi đến đang có người nhiễm virus SARS-CoV-2, nên lựa chọn phương án ở lại đón Tết tại địa phương, hạn chế di chuyển để góp phần cùng cả nước kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe và việc làm bền vững lâu dài.

Chăm lo cho người lao động

Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, thiên tai lũ lụt và nhiều lý do khác nên không ít công nhân không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình. Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nay có khoảng 60 – 70% công nhân trong số hơn 276.000 lao động đang làm việc tại các khu chế xuất – khu công nghiệp ở lại thành phố đón Tết.

Nhằm hỗ trợ cho công nhân đón Tết xa quê, Công đoàn Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp thành phố tặng 13.000 phần quà cho công nhân tại doanh nghiệp, các khu nhà trọ, nhà lưu trú ở các quận – huyện. Cùng với đó các Liên đoàn Lao động cũng tổ chức chương trình Tết sum vầy và tặng quà cho các đoàn viên, công nhân, người lao động nhân dịp Tết Tân Sửu năm 2021 . Ngoài các chương trình nêu trên, thành phố còn tổ chức 17 phiên chợ nghĩa tình tại các quận – huyện với hàng trăm gian hàng bày bán các sản phẩm như may mặc, gia dụng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm… được giảm giá từ 10 – 50%. Tất cả các hoạt động trên nhằm hỗ trợ và chia sẻ với những khó khăn của công nhân.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM cho biết, các doanh nghiệp tổ chức chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động trong dịp tết hơn 103 tỷ đồng. Công đoàn Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với chủ nhà trọ, ban quản lý các khu lưu trú có đông công nhân lao động tổ chức các chương trình văn nghệ, hội thi gói bánh, trang trí mâm ngũ quả,… tạo sân chơi bổ ích cho công nhân, người lao động thành phố.

Ngày 4/2, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã có công văn gửi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc vận động, tạo điều kiện cho công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại doanh nghiệp ở lại đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để phòng, chống dịch Covid-19.

T. Giang – H. Vinh

QUANG LỘC