Bản lĩnh Việt Nam
Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với những thử thách cam go. Nhưng càng qua khó khăn, đất nước càng kiên cường, mãnh liệt, bền bỉ. Năm 2020 đầy thách thức, sức mạnh Việt Nam lại một lần nữa tỏa sáng.
Từng có nhiều nhà nghiên cứu giải mã cội nguồn sức mạnh Việt Nam. Có lẽ bắt đầu từ điều kiện địa lý tự nhiên mà hình thành phẩm chất và văn hóa dân tộc. Trong đó, từ thực tế của một năm đặc biệt như năm 2020, chúng ta nhận thấy rõ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự tương thân tương ái, ý thức cộng đồng và niềm tin tưởng mãnh liệt của nhân dân đã là cội nguồn tạo lên sức mạnh để đối phó với dịch bệnh, để vượt qua bão lũ...
Nhiều người Việt Nam hẳn còn nhớ truyền thuyết “Cậu bé làng Gióng”. Nước Văn Lang, thời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân sang xâm lược. Vua Hùng phải cho sứ giả đi khắp nơi kêu gọi: “Ai là người tài giỏi ra đánh giặc cứu nước?”
Trước đó, tại làng Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội hiện nay) có gia đình hiếm muộn con, chỉ sinh được cậu bé. Nhưng đã ba năm, cậu bé không biết nói, biết cười, chỉ nằm trên chõng. Bà mẹ buồn rầu chờ đợi.
Khi nghe thấy sứ giả rao, cậu bé bỗng cất lời: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Cậu bé nói với sứ giả triều đình cho cậu con ngựa sắt, chiếc roi sắt, nón sắt, để ra đánh giặc. Khi có ngựa sắt, roi sắt mang đến, câu bé vươn vai dậy, ăn khỏe, lớn nhanh thành người khổng lồ.
Chàng trai mang roi sắt, nón sắt lên ngựa sắt đi đánh giặc. Roi sắt gẫy, chàng nhổ tre mà đánh giặc .
Giặc tan, chàng trai ghìm cương bên núi Sóc, nhìn lại quê hương, rồi cưỡi ngựa sắt bay lên trời ...
Từ rất sớm, người Việt Nam đã coi Thánh Gióng là một trong “Tứ bất tử”- bốn vị thánh bất tử trong thần điện Việt và cho đến bây giờ thì có thể coi như bốn vị thánh bất tử của cả dân tộc Việt Nam. Quan niệm về những vị thánh bất tử, dẫu là phi tự nhiên, nhưng là ước vọng không chỉ của tín ngưỡng dân gian, mà là của đất nước, quốc gia, dân tộc.
GS Nguyễn Hải Kế lúc còn sống cho rằng, có một điểm rất đáng chú ý về câu chuyện “Tứ bất tử” trong thần điện Việt, với cấu trúc, nội dung, vận động của những chuyện này, còn có ý nghĩa nữa không thể bỏ qua, khi quy chiếu với kinh sư Thăng Long của quốc gia Đại Việt. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các thần điện Tứ Bất tử ấy, gốc, ban đầu đều “ôm” lấy kinh sư - cách kinh sư về bốn phía - theo đường chim bay, gần nhất là 20 km (Đền Phù Đổng - Gia Lâm) xa nhất là 50 km (Đền Tản Viên - Ba Vì; đền phủ Dày - Vụ Bản - Nam Định). Theo GS Nguyễn Hải Kế thì sự “bất tử” của bốn vị thánh còn là để bảo vệ sự trường tồn của kinh sư Tổ quốc.
Truyền thuyết Thánh Gióng đẹp đẽ của người Việt, theo những nhà nghiên cứu thì tiêu biểu cho bước trưởng thành nhanh chóng “một ngày bằng mấy mươi năm” của sức mạnh cộng đồng trước yêu cầu, thử thách của vận mệnh quốc gia. Lý giải cho việc mỗi khi đất nước bị đặt trước thử thách thì dân tộc lại đoàn kết tạo ra sức mạnh. Truyền thuyết Thánh Gióng là câu trả lời cho nguồn cội sức mạnh: Khi vận mệnh quốc gia bị đặt trước sự mất – còn, khi đất nước lên tiếng gọi, thì “ba nong cơm, bốn vại cà” là nguồn năng lượng lành thơm, tinh khiết của quê hương, đất nước đã tiếp truyền để cậu bé làng Gióng – đại diện cho nhân dân, trở thành sức mạnh. Truyền thuyết Thánh Gióng không theo lẽ thường tình, nhưng với muôn đời dân tộc Việt Nam, Thánh Gióng trở thành bất tử chính là bởi thế.
Để có sức mạnh vượt qua tất cả những thử thách tưởng chừng không vượt qua được, dân tộc Việt Nam đã vượt qua thói thường mà truyền thuyết Thánh Gióng của tư duy, lý trí và tình cảm Việt Nam, đã sinh ra một huyền thoại phi thường, một Thiên tướng để giúp cho đất nước, dân tộc vượt qua được những gian nan, để độc lập trường tồn.
Nửa cuối thế kỷ XIII, vận mệnh dân tộc, quốc gia Đại Việt đứng trước những thử thách đặc biệt hiểm nghèo trước nạn xâm lăng của quân Mông – Nguyên, đế chế hùng mạnh và tàn bạo vào bậc nhất thế giới đương thời. Trước thử thách mất còn ấy, ba lần triều đình Đại Việt, cư dân Thăng Long rời kinh thành (các năm 1258, 1285, 1288). Vua tôi nhà Trần ngược xuôi trên các dòng sông, cửa biển nhưng vẫn gieo một niềm tin bất diệt về sức mạnh nhân dân.
Quả nhiên, chính trong những ngày gian khổ ấy, Đại Việt đã trụ vững. Nhà Trần đã tìm thấy và nhân lên niềm tin, sức mạnh từ những vị tướng trụ cột vững vàng, tài năng xuất chúng, toàn tâm toàn ý vì đất nước với những câu nói khảng khái của Thái sư Trần Thủ Độ: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất , xin Bệ hạ đừng lo”, hay của Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương: “Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã”… Nhà Trần đã tìm thấy và nhân lên sức mạnh khi hàng trăm bô lão ở điện Diên Hồng cùng hô vang câu “Đánh” trước câu hỏi của vua Trần “nên hoà hay đánh”. Vận mệnh quốc gia đã được quyết định bằng đỉnh cao của sức mạnh Đại Việt.
Tất cả những điều này đã đưa dân tộc Đại Việt vượt qua thử thách bằng những kỳ tích đặc biệt vẻ vang: Đông bộ đầu (1258), “Đoạt sóc Chương Dương độ, cầm hồ Hàm Tử quan” (1285), rồi Đại thắng Bạch Đằng (1288)…
Năm 1300, Đức Hưng Đạo đại vương - vị tư lệnh của những chiến công vĩ đại, một vị Thánh nữa của dân tộc Việt Nam, đã tổng kết với vua Trần, về cội nguồn sức mạnh của dân tộc Đại Việt: “…Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. Con người đại trí, đại nhân, đại dũng ấy đã gửi đến nhà vua cẩm nang nuôi dưỡng, bồi đắp, phát huy sức mạnh dân tộc - thượng sách để giữ nước là: “Khoan thư sức dân!”
Sau này, khi đi qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc nữa, chúng ta càng thấm thía những tư tưởng được đặt ra rất sớm đó mà ở mỗi thế hệ, mỗi thời đại lại vận dụng để tạo ra cội nguồn sức mạnh Việt Nam.
Năm 1951, giữa những tháng ngày gian khổ của cuộc chiến vệ quốc, nhìn lại quá trình lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Dân tộc ta có tinh thần nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta…”. Bằng câu nói ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Cội nguồn, bản chất của sức mạnh của dân tộc là tinh thần yêu nước được kết lại thành “làn sóng vô cùng mạnh mẽ”.
Bởi vì xét cho cùng, yêu nước cũng là tài sản, là lẽ sống và nhân cách của mọi dân tộc đã hình thành và tồn tại trên Trái đất này. Nhưng với riêng dân tộc Việt Nam, điều quan trọng và là hạt nhân tạo nên sức mạnh “vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn”, chính là ở chỗ tinh thần yêu nước được “kết thành một làn sóng”. Điều mà không phải đúng với mọi quốc gia, dân tộc. Có tinh thần yêu nước rồi phải được tổ chức, đoàn kết thì mới tạo ra sức mạnh.
Năm 2020 vừa đi qua, chúng ta trong khó khăn chồng chất, lại may mắn được chứng kiến những phút giây, những thời khắc cả dân tộc toả sáng tinh thần đoàn kết để tạo ra sức mạnh với một niềm tin tưởng đồng lòng, đồng thuận vượt qua mọi thử thách cam go.