Siết chặt tay vượt khó

V.Hà-N.Phượng 15/02/2021 09:00

2020 là một năm đầy thách thức và bất ổn với cả thế giới bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng. Đây cũng là một năm bà con kiều bào ta ở khắp nơi phải trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn.

Em bé người Việt với thùng khẩu trang tặng người dân Nga.

Ai cũng bị ảnh hưởng

Năm 2020 đã trở thành một năm gian truân với đa số bà con ta ở Nga. Dịch bệnh khiến cuộc sống của cộng đồng người Việt bị ảnh hưởng khá nặng nề, nhất là khi chính quyền Nga triển khai hạn chế tiếp xúc xã hội. Có thể nói là không ai là không bị ảnh hưởng.

Theo ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga thì trong đợt một - còn tương đối ít trường hợp nhiễm nhưng mọi người lo lắng nhiều vì mọi sự diễn ra quá nhanh, bất ngờ và còn ít thông tin. Đợt hai - tuy tâm lý được giải tỏa phần nào nhưng bà con vẫn rất lo lắng vì số lượng mắc nhiều hơn hẳn. Ngoài ra, cuộc sống và kế hoạch công việc đảo lộn cũng góp phần vào tâm lý bất ổn đó.

Ngoài một số doanh nghiệp đủ lớn để trụ được lâu dài, còn lại đa số bà con ta ở đây có công việc gắn với thương mại, dịch vụ với quy mô vốn vừa và nhỏ. Mô hình này để tồn tại được thì đòi hỏi sự liên tục và gối đầu trong hoạt động. Việc gián đoạn dù chỉ một thời gian đồng nghĩa là sau này gần như sẽ phải gây dựng lại từ đầu. Chuỗi cung ứng, cơ sở khách hàng, các mối quan hệ… đều không thể ngày một ngày hai mà có được.

Tuy nhiên theo ông Hoàng, trong những giai đoạn khó khăn đó, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam luôn tỏa sáng. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của Đại sứ quán, của Hội người Việt, các hội đoàn nên tâm lý lo lắng trong cộng đồng đã giảm bớt

Số người Việt tại Liên bang Nga trước dịch khoảng trên dưới 80000 người. Nhận định về tình hình kinh tế tại Nga trong năm 2021, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của bà con người Việt mình khi dịch Covid-19 có khả năng sẽ được kiểm soát bởi vaccine, ông Hoàng cho rằng, Liên bang Nga là một cường quốc khoa học và công nghiệp, giầu tài nguyên và có năng lực tự chủ rất lớn trong mọi lĩnh vực.

Nhiều năm nay Nga đã khá thành công trong việc đương đầu với những thách thức từ bên ngoài. Người Việt ta cần cù, kiên trì, nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào một mô hình là rất rủi ro khi môi trường kinh doanh sở tại thay đổi. Muốn trụ lại và phát triển được thì cần có những thay đổi thích hợp với các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phải liên kết lại

So với nhiều nước khác trên thế giới, người Việt Nam tại cộng hòa Séc có những đặc thù riêng. Khoảng hơn 80% người Việt ở cộng hòa Séc sinh sống bằng nghề kinh doanh nên khi đại dịch bùng phát tại châu Âu thì tình hình kinh doanh nói chung của bà con gặp nhiều khó khăn.

Do dịch lây lan mạnh nên việc đi lại bị hạn chế, biên giới với các nước láng giềng bị đóng cửa nhiều ngày mỗi lần dịch bùng phát, hầu hết các chuyến bay bị hủy, du lịch bị đình trệ gần như hoàn toàn, chính phủ đã nhiều lần ban bố “Tình trạng khẩn cấp” khiến các cửa hàng, quán ăn, dịch vụ … phải đóng cửa. Ngay cả các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trong diện không phải đóng cửa thì doanh thu cũng giảm nhiều do thiếu hẳn lượng khách du lịch và khách hàng các nước láng giềng.

Theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch danh dự của Hội người Việt Nam tại cộng hòa Séc và Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu: Đối với bà con đã có tích lũy tốt, đời sống vẫn tạm ổn, còn bà con có thu nhập thấp hoặc mới ở Việt Nam sang, tình hình khó khăn hơn. Đã có một số người cân nhắc chuyện ở lại hay trở về quê hương, việc này tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình nhưng đứng về góc độ Hội, đoàn chúng tôi luôn vận động bà con kiên trì vượt qua khó khăn để trụ lại quê hương thứ hai này với lòng tin là đại dịch sẽ được kiểm soát.

Trước những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Hội người Việt Nam tại cộng hòa Séc đã ra lời kêu gọi động viên nhắc nhở bà con đề cao các biện pháp phòng dịch, tự thực hiện cách ly khi cần và nghiêm chỉnh chấp hành các qui định của nước sở tại về phòng chống dịch. Các trung tâm thương mại của người Việt cũng có chính sách giảm giá tiền thuê để phần nào bù đắp cho sự thua lỗ kinh doanh do dịch bệnh gây ra.

Mặt khác Hội người Việt Nam cùng các tổ chức hội đoàn tại cộng hòa Séc đã động viên bà con cộng đồng trong việc quyên góp từ thiện chống dịch, may khẩu trang, tặng thức ăn, đồ uống cho các nhân viên y tế cùng các lực lượng khác như cảnh sát, cứu hỏa trong công cuộc chống dịch. Số tiền quyên góp đã đạt được hàng triệu Korun tương đương với hàng tỷ VNĐ, số khẩu trang lên tới hàng trăm ngàn chiếc. Những người Việt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được giúp đỡ…

Trước thềm năm mới 2021, ông Thắng cho rằng qua đại dịch, một số vấn đề trong kinh doanh truyền thống đã thay đổi đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên kết với nhau tạo thành những công ty lớn hơn, chủ động cải tiến hình thức, phương pháp và áp dụng công nghệ mới trong kinh doanh thì mới có thể cạnh tranh và phát triển được…

V.Hà-N.Phượng