Chuyện của một nữ chiến binh áo trắng
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) là một trong những tuyến đầu về phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước.
Trong những ngày điều trị các bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện đã nỗ lực quên mình, dành hết tâm huyết, bất kể ngày đêm để giành giật sự sống cho người bệnh từ tay “giặc” Covid-19. Những vất vả họ phải chịu đựng, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của họ vì sức khỏe nhân dân, vì sự an toàn của cả cộng đồng khiến những tấm gương thầy thuốc bình dị mà cao quý ấy xứng đáng được cả đất nước tôn vinh như những người anh hùng.
Nhớ lại những ngày cao điểm của dịch Covid-19, ThS.BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương chia sẻ: “Giai đoạn khó khăn nhất đối với các nhân viên y tế là giai đoạn đầu tiên của vụ dịch. Lúc đó, khó khăn không chỉ đến với các y, bác sĩ mà còn đến với cả chính gia đình của các nhân viên y tế. Có trường hợp, 2 vợ chồng cùng là điều dưỡng, cùng làm việc tại Bệnh viện, 2 con nhỏ mà nhà trọ thì không thuê được nữa. Những trường hợp như vậy khiến ban lãnh đạo Bệnh viện rất trăn trở”.
BS Trần Thị Hải Ninh kể tiếp: Thực ra, bên cạnh những khó khăn thì cá nhân chúng tôi còn có những trải nghiệm rất ít chia sẻ trên truyền thông, đó là khó khăn giúp chúng tôi trưởng thành hơn, sáng tạo hơn. Như khi có hai nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương bị nhiễm bệnh, thực sự bầu không khí tại viện lúc đó cực kỳ căng thẳng.
Như chúng ta biết, trước đó tại Trung Quốc, đã có hàng nghìn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có rất nhiều cán bộ y tế tử vong vì Covid-19.
Lúc đó, chúng tôi thực sự lo lắng và tinh thần suy sụp hẳn, không biết quy trình làm việc đã sai sót ở đâu, không biết phải làm như thế nào. Ban lãnh đạo bệnh viện cũng rất trăn trở vì nếu tinh thần của hơn 300 cán bộ công nhân viên bị ảnh hưởng thì việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân sẽ ra sao? Nhưng rồi, chúng tôi cũng nghĩ nếu mình cứ đắm chìm trong những đau khổ, thất bại đó thì không thể đứng lên được. Bệnh viện cũng họp rất nhiều cuộc, xem xét lại tình hình, kiểm tra lại quy trình đã sai sót ở đâu, những điểm nào cần khắc phục, có thể làm gì tốt hơn để không xảy ra tình trạng như vậy nữa. Nhờ đó, chúng tôi mới có được ngày hôm nay.
Mặc dù vậy, những khó khăn đó không khiến các chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương chùn bước. Họ luôn quyết tâm, sáng tạo, tìm tòi những cái mới, phương pháp mới để khắc phục những hạn chế để đối phó với virus.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp mà thế giới và Việt Nam chưa có phác đồ điều trị chuẩn, Bệnh viện đã là cơ quan tham mưu cho Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp trên tinh thần vừa thực hiện, vừa nghiên cứu, đảm bảo đáp ứng tốt nhất trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đến nay, các quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 được áp dụng đã thể hiện giá trị khoa học cao, áp dụng thành công cho các bệnh nhân.
“Chúng tôi biết là trong quá trình làm việc thì các trang thiết bị phòng hộ không thể đảm bảo cho chúng ta 100% không lây nhiễm. Nếu 1 loại trang thiết bị phòng hộ không được, thì chúng ta có thể tạo ra 2 loại, thậm chí là 3 loại để bảo vệ được tốt hơn. Khi đó, chúng tôi bèn nảy ra những sáng kiến nhỏ, ví dụ như khoa cấp cứu nơi BS Cấp công tác có chế tạo ra một loại mũ để trùm ra ngoài đầu, và mũ đó có nối dây ô xy để đảm bảo khi đội không bị kín hơi và có thể nhìn rõ khi làm thủ thuật.
Rồi luồng gió trong bệnh viện cũng được suy xét và điều chỉnh để hạn chế tình trạng lây nhiễm. Nếu thi công những bức tường chắn gió hoặc sử dụng những quạt công nghiệp lớn để tạo ra luồng gió thì không thể triển khai được ngay trong ngày một ngày hai. Và tại thời điểm đó chắc cũng không có một thợ xây nào có thể vào bệnh viện để hỗ trợ bệnh viện xây tường hoặc là phân luồng gió.
Chúng tôi tự đưa ra những giải pháp ví dụ như là kê tủ hoặc dựng lên những tấm chắn để phân luồng gió, đặt nó theo những hướng luồng gió thổi để không khí trong phòng có thể đi theo một chiều. Kể ra thì sẽ còn rất nhiều sáng kiến. Nhưng lấy một vài ví dụ trên là để minh chứng rằng những khó khăn trong quá trình chiến đấu với Covid đã giúp thế hệ trẻ chúng tôi trưởng thành hơn. Thay vì cứ ngồi nghĩ về khó khăn, về sai lầm, thì chúng tôi tìm cách khắc phục nó, vượt qua nó” - BS Trần Thị Hải Ninh nhớ lại.
Giống như những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống giặc, những chiến sĩ áo trắng đối mặt mọi hiểm nguy để chúng ta có cuộc sống bình yên. Họ quên đi bản thân, thậm chí quên cả gia đình để bước vào cuộc chiến chống dịch.
BS Trần Thị Hải Ninh tâm sự: “Bước chân qua cánh cửa vào phòng bệnh nhân, chúng tôi hiểu rằng, khi đó, mình đối diện với nguy cơ có thể bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào. Nỗi lo lắng là thường trực khi trực tiếp chăm sóc và điều trị cho những ca bệnh dương tính với Covid-19. Nhưng với chúng tôi, đó là nghề nghiệp và là công việc mà mình đã lựa chọn. Trong công cuộc chữa trị cho bệnh nhân Covid-19, chúng tôi không có nhiều thời gian để nghĩ vẩn vơ, vì cả ngày đã phải theo sát bệnh nhân, đến buổi tối thì chúng tôi sẽ dành thời gian để đọc các tài liệu cập nhật, mà đến lúc được đi ngủ thì cũng thường là 1 – 2 giờ sáng rồi. Không có quá nhiều thời gian để nghĩ. Lúc ấy, đối với các bác sĩ điều trị như chúng tôi thì điều trăn trở nhất là liệu có một loại thuốc nào hoặc biện pháp đặc hiệu nào để có thể điều trị cho bệnh nhân không”.
Hơn tất cả, BS Trần Thị Hải Ninh cho rằng, những ngày tháng chống lại Covid-19 khiến chị và các đồng nghiệp hiểu rõ hơn về sức mạnh của từ “đoàn kết”, của “đồng bào”.
BS Ninh kể lại: “Hồi tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và có những diễn biến cực kỳ xấu, Chính phủ đã quyết định tổ chức một chuyến bay giải cứu cứu công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.
Khi đoàn công dân từ Vũ Hán về đến bệnh viện, rất may mắn là xét nghiệm không có anh chị nào dương tính nhưng họ vẫn phải cách ly tại bệnh viện và thời gian cách ly lúc đó kéo dài 21 ngày. Bên cạnh điều trị cho nhóm bệnh nhân cách ly thì chúng tôi cũng đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân dương tính.
Giai đoạn đó, thực sự chúng tôi rất căng thẳng, vì dịch bệnh mới bùng phát và hầu như chúng tôi không có bất cứ một phương pháp điều trị nào cụ thể, luôn là thử nghiệm rồi theo dõi và thử nghiệm. Chính các anh đang cách ly trong đoàn Vũ Hán đã tìm rất nhiều cách để động viên y bác sĩ. Vì các anh lúc đó rất rảnh rỗi, trong ngày chỉ có thể ngồi và nhìn các y bác sĩ làm việc nên các anh bắt đầu hát, các anh ấy sáng tác nhạc.
Bệnh viện có hệ thống loa, và ngày nào các anh cũng đánh đàn cho toàn bộ các cán bộ y tế nghe. Thực sự chúng tôi rất trân trọng những khoảnh khắc đó bởi vì đối với chúng tôi đó là nguồn động viên vô cùng lớn”.
Câu chuyện của BS Trần Thị Hải Ninh cũng là chuyện của những người thầy thuốc Việt Nam - những chiến binh áo trắng trên tuyến đầu dập dịch Covid-19. Câu chuyện thần kỳ của năm 2020 đầy bão táp…
Cậu bé chăn trâu trở thành tiến sĩ
Năm Tân Sửu 2021, xin được kể qua về Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889).
Ông quê ở xã Lương Điền, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thuở ấu thơ sống trong một gia đình nghèo khổ, nên ông phải đi chăn trâu cho một phú hộ trong làng.
Phú hộ có nuôi một thầy đồ dạy học cho cậu quý tử của mình, hằng ngày ông đi ngang qua phòng học để “nghe lén học lỏm”. Khi lùa trâu ra đồng, ông dùng lưng trâu làm bảng, dùng đất sét làm phấn để viết lại những chữ đã học, tiếp thu rất nhanh.
Ngày nọ, ông thầy đồ xin gia chủ nghỉ phép về quê, trước khi đi có để lại một bài tập rất khó, lắt léo nhiều điểm cốt ý khiến cho cậu chủ nhỏ điên đầu nhức óc đánh vật với chữ nghĩa trong suốt thời gian thầy đồ vắng mặt. Nguyễn Xuân Ôn bấy giờ mới làm giùm bài cho cậu chủ. Khi ông thầy đồ trở lại, ông kinh ngạc đến sửng sốt vì không thể ngờ cậu chủ lại làm bài quá xuất sắc như vậy.
Thầy hỏi dò nơi phú hộ xem thử trong thời gian thầy vắng có vị khoa bảng nào ghé đến nhà chơi hay không, vì thầy chắc chỉ có “cỡ khoa bảng” mới làm được “bài tập hóc búa” mà thầy ra cho cậu chủ. Ông phú hộ khăng khăng là không có ai đến nhà. Vặn hỏi một hồi, cậu chủ cuối cùng khai ra người làm bài tập là “thằng ở đợ chăn trâu”.
Thầy đồ lập tức mời Nguyễn Xuân Ôn lên ngồi “ngang mâm cùng chiếu” với mình. Sau đó ông giúp đỡ để “cậu bé chăn trâu” họ Nguyễn được học hành đến nơi đến chốn. Nguyễn Xuân Ôn được thầy thương yêu, hết lòng dốc sức mài sử sôi kinh để báo đáp ân sư.
Sau, ông đậu Tiến Sĩ vào năm 1871, làm quan tiến chức dưới triều vua Tự Đức.
T.T