Lấp lánh những tấm huy chương

Thu Hương 11/02/2021 14:00

2020 là một năm đặc biệt với thầy và trò Việt Nam nói riêng và với toàn thế giới khi nhiều kỳ thi bị hủy bỏ vì dịch bệnh Covid-19. Việc học tập bị gián đoạn nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong năm qua, Việt Nam có 30/30 lượt thí sinh tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt giải. Trong đó, có 9 HCV, 14 huy chương bạc (HCB), 6 huy chương đồng (HCĐ) và 2 bằng khen.

4 thí sinh của đội tuyển Việt Nam thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2020 đều giành HCV.

Rạng danh trí tuệ Việt Nam

Năm 2020, dịch Covid-19 khiến hầu hết các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Điều này dẫn đến một số điều chỉnh trong cách thi, bài thi. Dù vậy công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ; đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc, khách quan, độ chính xác về kết quả. Việt Nam sau những cân nhắc quyết định tiếp tục cử đội dự thi.

Đội tuyển dự thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2020 đạt thành tích ấn tượng với 4/4 thí sinh giành HCV, xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay. Lý Hải Đăng, học sinh (HS) lớp 12 chuyên Hóa, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng đạt 96,75 điểm, cao nhất đoàn Việt Nam, đứng thứ 5/235 thí sinh của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Nguyễn Hoàng Dương (HS lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đạt 94,08/100 điểm, đứng thứ 9/231.

Phạm Trung Quốc Anh (HS lớp 12, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An) đạt 92,50/100 điểm, đứng thứ 15/231.

Đàm Thị Minh Trang (HS lớp 12, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định) đạt 91,12/100 điểm, đứng thứ 22/231.

Một gương mặt khác không thể không nhắc đến là Ngô Quý Đăng, nam sinh lớp 10 đầu tiên vượt qua hai vòng tuyển chọn quốc gia để cùng đoàn thí sinh thi quốc tế. HCV IMO 2020 của Đăng là một bất ngờ mà cũng không bất ngờ vì Đăng được đặt biệt danh “vua giải thưởng” do đoạt rất nhiều huy chương Toán quốc tế trong 4 năm học THCS tại trường Archimedes Academy.

HCV duy nhất trong đội tuyển Olympic Tin học của Việt Nam năm nay thuộc về em Bùi Hồng Đức (HS lớp 12, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Đức từng là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn giành HCV tại cuộc thi Olympic Tin học quốc tế năm 2019 và là thí sinh duy nhất giành HCV Olympic Tin học châu Á 2020.

Hồ Việt Đức (lớp 12, trường THPT Chuyên Quốc học, Tỉnh Thừa Thiên - Huế) giành HCV Olympic quốc tế môn Sinh học.

Những kết quả trên tiếp tục khẳng định vị thế của HS phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. HS Việt Nam không chỉ đạt thành tích cao ở những nội dung lý thuyết mà kết quả phần thi thực hành cũng có nhiều cải thiện đáng kể.

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam trong một buổi tọa đàm “mang ý nghĩa hướng về tương lai” diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 9/2020 đã nhắc lại câu chuyên: Năm 2010, GS Ngô Bảo Châu - vốn là cựu HS Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - giành giải thưởng Fields danh giá. Năm 2020, em Ngô Quý Đăng, Trương Tuấn Nghĩa, HS Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đã giành HCV Olympic Toán học quốc tế; em Đinh Vũ Tùng Lâm cũng đoạt giải Khuyến khích trong kỳ thi này.

“Biết đâu 10 năm nữa Việt Nam có thêm giải thưởng khoa học mang tầm quốc tế như giải Fields. Và biết đâu 20 năm nữa, các em Đăng, Nghĩa, Lâm sẽ đạt được thành tích mà GS. Ngô Bảo Châu đã đạt được” - kỳ vọng của PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cũng là kỳ vọng của cả dân tộc Việt Nam đối với lớp kế cận tài năng đã làm rạng danh đất nước trên bản đồ thế giới.

Thí sinh đội tuyển Việt Nam thi IMO 2020.

“Chọn thầy để học”

Sau huy chương, tiếp theo sẽ là gì?

Con đường nào, định hướng nào cho các HSSV này để những tấm huy chương không chỉ là một kỷ niệm đẹp trong đời mỗi người, đem lại vinh quang cho tổ quốc khi ấy mà cao hơn, phải đem lại những giá trị bền lâu hơn? Nhân kỷ niệm tròn 10 năm nhận giải thưởng Fields, GS. Ngô Bảo Châu đã chia sẻ hành trình khoa học của mình. Sau khi giành được tấm HCV tại Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế vào năm lớp 11, cậu học trò Châu không còn cảm thấy thích thú với việc sẽ tiếp tục đi thi vào năm sau nữa. Cùng khi đó, ông biết được toán cao cấp có nhiều điểm khác biệt so với toán sơ cấp.

Ông đã đến tìm gặp GS Đoàn Quỳnh, người từng tham gia hướng dẫn đoàn HS Việt Nam tham dự kỳ thi IMO và được thầy cho mượn một cuốn giáo trình về toán cao cấp. Nhưng đến khi mang về đọc, Châu bất ngờ vì thấy mình không hiểu gì cả. “Sau đó tôi bỏ cuộc và bắt đầu nghi ngờ vào khả năng học toán lý thuyết của bản thân”, GS Châu nói.

Nghi ngờ về khả năng của mình có lẽ không chỉ là suy nghĩ riêng ở một vài thời điểm của vị GS Toán học được cả thế giới công nhận mà có thể xuất hiện với rất nhiều người. Đi tìm lời giải cho bản thân không phải là câu chuyện dễ dàng và không phải lúc nào cũng đi đúng hướng, nhất là với những tài năng đã được ghi nhận ở cấp độ thế giới.

Và lời khuyên của GS Ngô Bảo Châu, người giành cú đúp HCV IMO là “chọn thầy để học”. Sau tấm huy chương tiếp tục là chặng đường học tập dài phía trước nên mỗi người cần tìm kiếm cho mình một người thầy - việc quan trọng không kém so với cưới vợ, cưới chồng, nhất là những ai muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Không chỉ xếp hạng, còn là nhận thức

Trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đều dành sự ưu tiên đặc biệt với Toán học, GS Ngô Bảo Châu cho rằng đội ngũ Toán học phải cố gắng lớn hơn nữa, tăng cường các hoạt động trải nghiệm Toán học, đẩy mạnh Toán học ứng dụng, đồng thời, duy trì tuyển chọn, bồi dưỡng HS giỏi Toán. Mục tiêu là trong 10 năm tới, có sự chuẩn bị đồng đều cho chất lượng nghiên cứu khoa học, để Toán học Việt Nam có vị trí ổn định trên bản đồ thế giới, không chỉ là con số trên bảng xếp hạng mà còn là về nhận thức.

Nhìn lại 10 năm chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020, PGS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết Chương trình đã góp phần đưa Toán học Việt Nam từ vị trí 55 lên vị trí thứ 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN (ở đây chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế).

Đây là một thành tích rất ấn tượng trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và ngay ở khu vực Đông Nam Á đầu tư rất mạnh cho khoa học cơ bản và toàn bộ hệ thống các cơ sở nghiên cứu, đào tạo với kinh phí rất lớn.

Từ thành công của chương trình trọng điểm quốc gia đầu tiên được ban hành riêng cho một lĩnh vực khoa học cơ bản, tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030” với những mục tiêu cụ thể được đề cập.

Thuận lợi như vậy và cũng không ít thách thức đặt ra cho Toán học Việt Nam. Với những lĩnh vực khác như Vật lý/Hóa học/Sinh học/Tin học…, câu chuyện phát triển không khác là mấy nếu muốn định vị hai tiếng Việt Nam trên bản đồ tri thức thế giới. Trong đó, bên cạnh sự đầu tư bài bản từ các chương trình quốc gia, nỗ lực của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng.

Bởi dù quyết định đi theo con đường nào, học các chuyên ngành ứng dụng hay theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học cơ bản, học ĐH trong nước hay ra nước ngoài… thì mỗi người đều phải cố gắng không ngừng nghỉ để phát triển bản thân, trau dồi tri thức, kỹ năng đáp ứng thời đại công nghệ 4.0…

Đối với những tài năng này, họ xứng đáng được nhận mức thưởng cao. Sở GDĐT TPHCM đã đề xuất mức thưởng cho HS đạt giải trong các kỳ thi Olympic và nghiên cứu khoa học quốc tế từ 120 đến 200 triệu đồng, cao nhất lên tới 400 triệu đồng. Còn ở Hải Phòng, HS giành HCV hoặc giải Nhất quốc tế được thưởng tới 500 triệu đồng. Mức khen thưởng trên thực tế tùy vào ngân sách và định hướng của mỗi địa phương. Tuy nhiên, đầu tư cho giáo dục luôn là những đầu tư tốt nhất cho tương lai.

Thu Hương