Nội lực trước hết là để ‘giữ sân nhà’
Số liệu mới từ Bộ Công thương: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 tăng 50,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 37,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI (kể cả dầu thô) tăng 56,2%.
Như vậy là tiếp tục đà bứt phá của năm 2020, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, chúng ta đã xuất siêu 1,3 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chống chọi với đại dịch Covid-19, việc Việt Nam vẫn xuất siêu là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu cụ thể, vẫn thấy một điểm khá băn khoăn, đó là xuất siêu đạt được con số “tỷ đô” tuy nhiên, chủ yếu vẫn là từ khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xuất siêu 3,1 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực DN nội vẫn nhập siêu lên tới 1,8 tỷ USD.
Đứng về phương diện thương mại, xuất siêu là tín hiệu vui của nền kinh tế. Song, việc chủ yếu xuất siêu từ khối ngoại, còn khối nội tiếp tục nhập siêu cũng là điểm cần phải lưu ý. Điều này cho thấy, tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào khối ngoại. Trong khi, để có một nền kinh tế phát triển bền vững, tăng trưởng phải dựa vào chính sức mạnh của nội lực.
Điều này chúng ta vẫn chưa làm được, khi mà khu vực DN trong nước sản xuất vẫn đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Có ý kiến cho rằng, xuất siêu dựa vào khối ngoại, chứng tỏ khối nội chưa tăng tốc nổi trong sân chơi thương mại toàn cầu. Chúng ta vẫn đang “quẩn quanh” với gia công, chưa thể khẳng định được sức mạnh nội lực, đó là một thực tế cần phải khắc phục.
Việt Nam đã ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, nâng sức cạnh tranh đối với khu vực DN trong nước, nếu khu vực DN nội vẫn chưa thể tận dụng cơ hội để bứt phá, rất có thể sẽ “nhường sân” cho khối ngoại.